Thu hút vốn FDI: Cẩn trọng để loại trừ dự án “lợi dụng” TPP

HẢI ÂU thực hiện| 06/10/2015 02:35

TPP tạo nhiều cơ hội để đón dòng vốn FDI, tuy nhiên chúng ta nên đặt vấn đề: lựa chọn đối tác, dự án, môi trường và an ninh quốc phòng.

Thu hút vốn FDI: Cẩn trọng để loại trừ dự án “lợi dụng” TPP

Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, tối 5/10, Bộ trưởng Thương mại các nước đã thống nhất đi đến thỏa thuận kết thúc vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP, Đại diện thương mại Mỹ, ông Michael Froman cho rằng, TPP sẽ mang lại lợi ích cho người dân tất cả các nước, thiết lập hệ thống tiêu chuẩn cao hơn cho gần 40% nền kinh tế toàn cầu. Thỏa thuận sẽ giải quyết các thách thức của thế kỷ 21, nhưng vẫn có điều chỉnh tùy vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc chính thức ở Việt Nam hồi tháng 5, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề kinh tế và thương mại Charles H. Rivkin cũng nhìn nhận, TPP là hiệp định có tiêu chuẩn cao được đàm phán từ trước đến nay, TPP sẽ mở ra nhiều thị trường mới cho doanh nghiệp (DN) các nước, cung cấp nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng cũng như đặt ra những tiêu chuẩn mới cho người lao động, về môi trường…

Liên quan đến lợi ích của TPP đối với vấn đề thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, TPP có lợi cho thu hút FDI của Việt Nam nhưng Việt Nam cũng cần phải thận trọng.

* Vòng đàm phán TPP đã kết thúc, đây là một bước tiến quan trọng cho 12 nước thành viên trong việc đẩy mạnh thương mại và đầu tư. Theo ông, thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới sẽ diễn tiến ra sao?

Cẩn trọng để loại trừ dự án
Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài

- TPP là một hiệp định thế kỷ, trên cơ sở này sẽ mở ra nhiều cơ hội, hình thức đầu tư cho các thành viên nội khối. Thương mại và đầu tư luôn song hành và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cho nên, khi thương mại mở cửa sẽ tác động mạnh mẽ đến đầu tư. Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ TPP vì hiệp định này sẽ thúc đẩy đầu tư nội khối (giữa 12 quốc gia thành viên TPP), đặc biệt là từ các thị trường Mỹ, Nhật Bản… Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội để đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài thay vì chỉ đầu tư vào những thị trường truyền thống hiện nay là Lào hay Campuchia.

* Dệt may, da giày từ trước đến nay được xem là ngành có lợi nhiều nhất khi TPP có hiệu lực, ông nghĩ sao?

- Đúng là dệt may, da giày sẽ được hưởng lợi lớn từ TPP, nhiều địa phương vừa qua cũng đã thu hút nhiều dự án FDI của ngành dệt may. Tuy nhiên, tôi cũng được biết không ít địa phương đã mạnh dạn từ chối những dự án “lợi dụng” lợi ích từ TPP. Điển hình như trường hợp của một tỉnh ở phía Bắc đã “nói không” với dự án may mặc 400 triệu USD của DN Trung Quốc do có yếu tố dệt nhuộm. Với lĩnh vực này, theo tôi, Việt Nam nên tạo điều kiện hơn nữa cho những DN trong nước và các DN thuộc các nước thành viên TPP.

Song, TPP là hiệp định có tác động lớn đến nhiều ngành nghề, không chỉ là may mặc hay da giày. Gần đây, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Trước mắt, nhà đầu tư Nhật tiếp cận thị trường thông qua thương mại, họ cung cấp máy móc, công nghệ sản xuất, chế biến và đầu tư vào những dự án có quy mô nhỏ và tập trung ở một vài sản phẩm có thể xuất sang Nhật được. Sau khi thấy được hiệu quả thực sự, họ sẽ đầu tư vào những dự án lớn.

* Liệu tình trạng phân cấp đầu tư có khiến các địa phương “chạy theo thành tích” để đón cơ hội từ TPP mà không quan tâm đến những hệ lụy?

- Trong giai đoạn này, việc thu hút đầu tư nước ngoài phải song song hai yếu tố: vốn đi kèm công nghệ. Vị thế của Việt Nam hiện nay khác 25 năm về trước, chúng ta đã hội nhập sâu rộng và trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại, khu vực kinh tế chung. Cho nên, trong thời gian tới, chúng ta có nhiều cơ hội để đón các dòng vốn từ bên ngoài. Cơ hội là thế nhưng với thu hút dòng vốn FDI, chúng ta nên đặt vấn đề: lựa chọn đối tác, dự án, môi trường và an ninh quốc phòng. Đặc biệt, các địa phương, không nên “chạy theo thành tích” mà quên đi những hệ lụy khi cấp phép “nhầm” dự án.

Ở đây, vai trò quản lý và quy định cho vấn đề xét duyệt dự án đầu tư cũng như hậu kiểm là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, chúng ta cũng phải quan tâm đến chuyện dòng vốn FDI đi vào thực tế. Đến nay, trong tổng số hơn 250 tỷ USD thì chỉ mới giải ngân được trên 100 tỷ USD, vậy những dự án còn lại cần phải được đốc thúc để sớm triển khai thực hiện.

* Xin cảm ơn ông đã chia sẻ.

>TPP: Hoàn tất quá trình đàm phán

>Dệt may đón đầu TPP để tăng kim ngạch xuất khẩu

>Dệt may Việt Nam: Muốn tự chủ, phải thay đổi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu hút vốn FDI: Cẩn trọng để loại trừ dự án “lợi dụng” TPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO