Thu hút FDI: Cần tiếp cận theo hướng mới

HOÀNG ANH ghi| 19/05/2016 06:29

Gần đây, một số nhà đầu tư nhận được giấy phép đầu tư là triển khai ngay dự án. Đó là bài học cho việc tiếp cận FDI theo hướng mới.

Thu hút FDI: Cần tiếp cận theo hướng mới

Đối với vấn đề vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), GS-TS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng "đang tồn tại những con số ảo rất lớn". 

Đọc E-paper

* Vốn FDI từ lâu vẫn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đo lường bằng vốn cam kết của nhà đầu tư (NĐT), trong khi thông lệ quốc tế lại tính bằng số vốn đã giải ngân. Ông có thể nói rõ hơn về những"con số ảo" như vừa đề cập?

- Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, lũy kế từ năm 1988 cho đến hết quý I/2016, Việt Nam thu hút gần 20.000 dự án FDI, với vốn đăng ký khoảng 280 tỷ USD, nhưng vốn thực hiện chỉ gần 150 tỷ USD, như vậy còn khoảng 130 tỷ USD là vốn chưa thực hiện.

Nhìn từ con số này, dễ có cảm nhận vốn thực hiện FDI sẽ rất lớn. Nhưng thực tế không như vậy. Nhiều NĐT đăng ký cách đây 5 - 10 năm nhưng đến nay vẫn không thực hiện dự án. Điều này không loại trừ yếu tố thiếu năng lực, hoặc NĐT thay đổi chiến lược kinh doanh. Nếu tiếp tục coi trọng vốn đăng ký thì sẽ khó hình thành chính sách thu hút vốn FDI đúng chất lượng.

* Làm cách nào để thu hẹp khoảng cách giữa vốn FDI đăng ký và vốn giải ngân, thưa ông?

- Theo tôi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chỉ đạo các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh - thành rà soát lại các dự án trong số 130 tỷ USD vốn chưa thực hiện.

Trên cơ sở đó chia các dự án này thành 3 loại: một là những dự án có thể thực hiện trong năm 2016, hai là những dự án chắc chắn không thực hiện được và ba là những dự án có thể thực hiện trong năm 2017 - 2018. Mục đích là để loại bỏ những dự án không có khả năng thực hiện.

Gần đây, một số NĐT nhận được giấy phép đầu tư là triển khai ngay dự án. Năm ngoái, chỉ sau một tháng được cấp phép, Samsung Electronics (Hàn Quốc) khởi công xây dựng Khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung (SEHC) có vốn đầu tư 1,4 tỷ USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Trong tháng 5 này, Tập đoàn LG Display (Hàn Quốc) cũng đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất màn hình OLED tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, TP. Hải Phòng. Đó là bài học cho việc tiếp cận FDI theo hướng mới.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung: "Để nâng cao chất lượng thu hút vốn FDI, thay vì gây chú ý bằng việc công bố số vốn đăng ký, cần thay đổi đo lường hiệu quả thu hút vốn đầu tư FDI bằng số vốn thực tế NĐT đã chuyển vào Việt Nam. Nếu không, ở góc độ nào đó, hệ thống chính sách thu hút FDI sẽ bị "nắn" theo thành tích ảo đó”.

* Hội nhập sâu hơn, ông nói gì về việc thu hút FDI thời gian tới?

- Nước ta thu hút nhiều dự án FDI, nhưng chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Trong gần 20.000 dự án FDI hiện nay, có đến 18.000 là của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thu hút các dự án nhỏ, những dự án sử dụng nhiều lao động vẫn được Chính phủ coi trọng trong thời gian tới, nhưng các địa phương phải lựa chọn dự án thích hợp, đồng thời phải chuyển nhanh sang các dự án lớn của các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới, các ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, có tác động quan trọng đến thay đổi cơ cấu của nền kinh tế nước nhà.

Trong tuyên bố mới nhất, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, 64% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam sẵn sàng mở rộng đầu tư. Hơn nữa, nước ta đã tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, mà trong cộng đồng này, một NĐT ở Việt Nam cũng được xem là NĐT của ASEAN. Và các NĐT ở Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang những thị trường trong khu vực, chẳng hạn Thái Lan hay Indonesia, cũng tương tự như bán ở Việt Nam vì thuế suất bằng 0%.

Cho nên tới đây là sự chuyển dịch dòng đầu tư nước ngoài từ Thái Lan sang Việt Nam hay từ Việt Nam sang Indonesia, Phillipines... phải được coi là chuyện bình thường.

* Cám ơn ông!

>Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội tiếp nhận vốn đầu tư

>Vì sao Phú Quốc "hút" mạnh dòng vốn đầu tư?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu hút FDI: Cần tiếp cận theo hướng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO