Thu hút đầu tư nước ngoài, quan trọng là đồng vốn thực

TRÌNH TIÊU| 06/03/2012 01:31

Chính sách đầu tư nước ngoài của Việt Nam (VN) đã có thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng chưa bắt kịp sự phát triển chung của nền kinh tế”, ông Nguyễn Văn Toàn nhận xét.

Thu hút đầu tư nước ngoài, quan trọng là đồng vốn thực

“Chính sách đầu tư nước ngoài của Việt Nam (VN) đã có thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng chưa bắt kịp sự phát triển chung của nền kinh tế”, ông Nguyễn Văn Toàn nhận xét.

* Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), hơn 20 năm qua, dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN), môi trường đầu tư của VN gần như không có cải thiện. Vậy còn ý kiến của ông?

- Nhà nước xác định ĐTNN là kênh quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Hơn 20 năm qua, ĐTNN vào VN có nhiều cái được, song mất mát cũng không ít.

VN đã có Luật ĐTNN, chính sách ĐTNN đã có thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng chưa bắt kịp sự phát triển chung của nền kinh tế, đôi khi vẫn gây phiền hà cho doanh nghiệp (DN).

Phải thừa nhận, các DN ĐTNN vào VN làm ăn hiệu quả hơn DN trong nước, năng suất cao hơn và nhìn chung chấp hành về môi trường cũng tốt hơn.

Tuy nhiên, các nhà ĐTNN bao giờ cũng đặt lợi nhuận lên cao nhất. Vấn đề là chúng ta phải đưa ra được chính sách quản lý không để nhà đầu tư vì lợi nhuận mà làm sai các quy định của VN như trốn thuế, chuyển giá...

Chúng ta quan tâm đến đánh giá của các nhà ĐTNN nhưng không vì bị nhà đầu tư đánh giá thấp mà không dám đưa ra yêu cầu chính đáng về công nghệ, đào tạo nhân lực hay môi trường.

Tất nhiên, VN cũng cần cải cách mạnh mẽ chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, sở hữu trí tuệ..., những vấn đề mà các nhà ĐTNN luôn đánh điểm thấp.

* Ông đánh giá thế nào về chất lượng vốn ĐTNN thời gian qua?

- Vốn ĐTNN vào VN đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trước đây, chúng ta đặt mục tiêu ĐTNN vào sẽ được vốn, công nghệ và quản lý. Đó là khi thu nhập bình quân đầu người trên 100 USD, nên vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bằng bất cứ giá nào cũng quý.

Bây giờ, cũng vẫn mục tiêu đấy, VN đặt vấn đề chất lượng ĐTNN lên hàng đầu. Dù vẫn rất cần vốn nhưng chúng ta có quyền chọn lọc các nhà ĐTNN phù hợp cho sự phát triển chung của nền kinh tế, thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài chọn chúng ta như trước đây.

VN không còn đặt vấn đề quá lớn về thu hút nhiều hay ít vốn ĐTNN mà là dòng vốn đó hiệu quả như thế nào, tức là đồng vốn thực đưa vào phát triển kinh tế VN là bao nhiêu.

Theo tôi, FDI mới là vốn thực sự, bổ sung cho thị trường vốn và nền kinh tế VN, còn nguồn vốn có được do các nhà ĐTNN dùng tài của mình để huy động tại VN, chúng ta được hưởng lợi rất ít.

* Chúng ta có kỳ vọng quá cao không khi mà sau hơn 20 năm thu hút ĐTNN không đạt mục tiêu đề ra?

- Hơn 20 năm qua, trình độ của DN VN được nâng lên khá cao, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của thế giới nhưng so với kỳ vọng, vẫn còn khoảng cách xa. Không có chuyện DN ĐTNN chủ động chuyển giao công nghệ cho DN VN một cách bài bản, mà chủ yếu là mình tự học.

Tới đây, VN không tận dụng lao động rẻ để thu hút ĐTNN nữa, dù đó vẫn là lợi thế. Vì đã đến lúc VN phải thay đổi chiến lược ĐTNN để phát triển bền vững và phù hợp với các quy hoạch vùng miền, ngành nghề.

* Không tận dụng lợi thế, theo ông, VN phải làm gì để có thể thu hút ĐTNN bền vững?

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng chiến lược ĐTNN đến năm 2020. Nhưng trong chiến lược mới này, chúng ta phải đặt trọng tâm là vấn đề phát triển bền vững, phát triển công nghệ, phát triển con người.

Như vậy, chúng ta phải khai thác ở những khía cạnh khác, làm sao để thu hút ĐTNN có lựa chọn chứ không phải trải thảm đỏ để thu hút FDI như trước đây. Đành rằng, số lượng có thể nhiều hơn nhưng chất lượng ĐTNN phải cao hơn mới có thể phát triển bền vững.

Chỉ như vậy, các DN VN mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng chung của khu vực và toàn cầu chứ không phải chỉ đứng đơn lẻ hay lẽo đẽo đi sau các DN ĐTNN.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu hút đầu tư nước ngoài, quan trọng là đồng vốn thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO