Thói quen minh bạch – Khi nào?

BÙI VIỆT PHƯƠNG| 02/02/2015 08:43

Cũng là mất đồng tiền nhưng nếu được biết mục đích cụ thể của từng đồng tiền ấy, người mua sẽ cảm thấy tin tưởng hơn. Một chút minh bạch đem lại lợi ích cho cả hai phía.

Thói quen minh bạch – Khi nào?

Sau khi ghé cửa hàng để lại chiếc điện thoại để sửa, về tới nhà, tôi đã nghe điện thoại của chủ cửa hàng nói rõ tình trạng hỏng hóc, giá linh kiện và tiền công thay thế. Trước khi cúp máy, anh ta chốt lại một câu: “Tôi nói rõ như vậy kẻo sợ làm anh bị động về giá cả”.

Ngẫm ra, trong hai từ “bị động” mà anh nói còn hàm chứa cả sự minh bạch trong kinh doanh của một cửa hiệu đã có tiếng ở dãy phố này. Tuy chỉ là chuyện vài chục ngàn đồng nhưng khách hàng thấy mình được tôn trọng, vì được biết tường tận về giá thành, công sức người thợ. Một chút minh bạch như thế đã đem lại lợi ích cho cả hai phía.

Nghĩ đến các lĩnh vực khác trong xã hội chợt thấy điều ấy vẫn còn đang hiếm. Rất nhiều bệnh nhân khi trả viện phí muốn được biết đâu là giá thành các loại thuốc, đâu là thù lao cho bác sĩ. Chưa kể những thứ khác như giá cước di động trả trước; tỷ lệ tăng/giảm giá cước vận tải theo biến động giá xăng, dầu; hay học phí mà sinh viên phải trả bao gồm những khoản chi trả cụ thể như thế nào…

Cũng là mất đồng tiền nhưng nếu được biết mục đích cụ thể của từng đồng tiền ấy, người mua sẽ cảm thấy tin tưởng hơn. Và đương nhiên, những thói chặt chém, lừa dối trong kinh doanh cũng sẽ bị phơi bày bằng sự phản biện của dư luận xã hội.

Tiếc là, sự minh bạch trong kinh doanh vẫn chưa thành một thói quen.

Chỉ khi nào chúng ta ý thức điều đó như một phần cuộc sống thì lợi ích mới đến với cả người bán và người mua, thay vì chỉ một phía như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thói quen minh bạch – Khi nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO