Thị trường Việt Nam và ẩn số smartphone Ấn Độ

23/02/2016 06:55

Cục diện thị trường smartphone trong năm nay sẽ ngày càng khốc liệt khi dự kiến một số dòng smartphone của hãng Intex (Ấn Độ) sẽ bắt đầu được các cửa hàng điện thoại trong nước phân phối.

Thị trường Việt Nam và ẩn số smartphone Ấn Độ

Cục diện thị trường điện thoại thông minh (smartphone) trong năm nay sẽ ngày càng khốc liệt khi dự kiến một số dòng smartphone của hãng Intex (Ấn Độ) sẽ bắt đầu được các cửa hàng điện thoại trong nước phân phối.

Intex là thương hiệu điện thoại lớn thứ 3 Ấn Độ. Năm ngoái, Intex cũng là thương hiệu Ấn Độ đầu tiên tấn công vào thị trường Myanmar với 2 dòng sản phẩm Aqua Life-II và Aqua Y2. Chúng được phân phối trên hệ thống bán hàng trực tuyến của nhà bán lẻ nội địa shop.com.mm.

Từ trước đến nay, thị trường smartphone Việt Nam chủ yếu bị thống trị bởi các thương hiệu nổi tiếng như Apple, Samsung ở phân khúc cấp trung - cao cấp. Còn ở phân khúc cấp thấp hơn là các thương hiệu của Trung Quốc như Xiaomi, Mobell, Huawei. Liệu các sản phẩm smartphone của Ấn Độ có cơ hội cạnh tranh trên thị trường Việt Nam?

Hãy nhìn sang thị trường Ấn Độ - nơi mà đại đa số người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình thấp tương tự Việt Nam, để từ đó có thể thấy được sự bành trướng của nhà sản xuất điện thoại Ấn Độ.

Theo dữ liệu của một số hãng nghiên cứu thị trường như GfK, Canalys, không phải các sản phẩm điện thoại của Trung Quốc mà các nhà sản xuất nội địa như Micromax, Karbonn Mobiles, Intex hay Lava mới là những công ty đang cạnh tranh quyết liệt với kẻ dẫn đầu thị trường Samsung. Thậm chí có thời điểm như quý IV/2014, Canalys cho rằng Micromax đã vượt qua Samsung với thị phần 22% so với 20%.

Điểm nhấn của hãng sản xuất Ấn Độ là tập trung khai thác phân khúc cấp thấp có giá khoảng 150 - 200 USD, thậm chí có sản phẩm giá chỉ 7 USD như Freedom 251, phù hợp với khả năng chi tiêu của hàng trăm triệu người Ấn Độ.

Hiện tại, chi phí sản xuất đang tăng lên khá nhanh của Trung Quốc cũng mang lại lợi thế cho các sản phẩm của Ấn Độ. Cộng với nền tảng công nghệ thông tin vững chắc, smartphone Ấn Độ được kỳ vọng sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với các thương hiệu Trung Quốc, nhất là tại thị trường nội địa và các quốc gia châu Á.

>>Bí quyết xây dựng thương hiệu tại châu Á

Vào năm 2014, nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát động chiến dịch Make in India (tạm dịch: Sản xuất tại Ấn Độ) để cải thiện vị thế của ngành sản xuất. Hiện ngành này chỉ chiếm 17% GDP và ông Modi muốn nâng lên 25% vào năm 2020.

Chính nhờ nền tảng công nghệ và chi phí sản xuất thấp, theo ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Digiworld, smartphone Ấn Độ có thể cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc, nhất là phân khúc cấp thấp. Và sự có mặt của các thương hiệu Ấn Độ sẽ mang đến cơ hội lựa chọn đa dạng hơn cho người dùng Việt Nam.

Theo báo cáo của GfK, tổng số smartphone được bán ra tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2015 đã tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6 triệu chiếc. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, góp phần đưa Việt Nam trở thành thị trường smartphone lớn thứ 3 trong khu vực, sau Indonesia và Thái Lan. Mức tăng trưởng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong năm nay.

Nhờ đó, kết quả hoạt động của các nhà bán lẻ công nghệ hàng đầu thị trường trong năm 2015 cũng rất khả quan. Doanh thu của Thế Giới Di Động lên đến hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 66% so với năm trước. Chuỗi bán lẻ FPT Shop đạt hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2014. Viễn Thông A cho biết doanh thu tăng trưởng 150% so với năm 2014.

Những con số đó tiếp tục đưa Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn trong khu vực. Thậm chí thay vì phân phối gián tiếp các sản phẩm của mình thông qua các nhà bán buôn, bán lẻ nội địa như trước, gã khổng lồ Apple năm 2015 đã chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường hơn 90 triệu dân.

Cạnh tranh trên thị trường smartphone hiện rất nóng. Samsung, Microsoft, Apple tập trung chủ yếu ở phân khúc cấp cao. Ở phân khúc trung và thấp hơn, các sản phẩm của Trung Quốc đang chiếm ưu thế nhưng họ sẽ phải cạnh tranh với những thương hiệu mới từ châu Âu và Bắc Mỹ. Một khi Intex và cũng như các thương hiệu Ấn Độ khác bước vào, chắc chắn thị trường sẽ càng nóng lên.

Dĩ nhiên là người đến sau, Intex sẽ gặp thách thức lớn trong việc giành thị phần từ các hãng khác cũng như xây dựng thương hiệu. Họ sẽ cần liên kết chặt chẽ với các nhà bán lẻ công nghệ trong nước hay sẽ tốn khá nhiều chi phí để thực hiện các chiến dịch marketing quy mô lớn.

Nhưng bên cạnh các sản phẩm công nghệ cao như smartphone, các nhà kinh doanh khác của Ấn Độ cũng bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến Việt Nam. Mới đây, 7 doanh nghiệp Ấn Độ, dẫn đầu bởi Tập đoàn Tata (hoạt động đa ngành, từ năng lượng, xây dựng, hóa chất, thương mại cho đến sản xuất xe hơi), tuyên bố rằng họ xem Việt Nam và Myanmar là 2 thị trường trọng điểm trong năm nay.

“Việt Nam và Myanmar đang tăng trưởng, tầng lớp trung lưu đang mở rộng, cũng như sẽ hưởng lợi tích cực từ các hiệp định thương mại mới đây”, Tập đoàn Tata nhận định.

>>Việt Nam - thị trường trọng điểm của tập đoàn Tata

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường Việt Nam và ẩn số smartphone Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO