Thị trường và vai trò chủ đạo

PGS.TSKH - VÕ ĐẠI LƯỢC (Hải Vân ghi)| 31/10/2013 09:48

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được trình Quốc hội tại kỳ họp này đặt vấn đề kinh tế nhà nước là chủ đạo, thay vì vai trò nòng cốt như trước đây, và điều này cầm chắc sẽ được ghi vào Hiến pháp.

Thị trường và vai trò chủ đạo

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được trình Quốc hội tại kỳ họp này đặt vấn đề kinh tế nhà nước là chủ đạo, thay vì vai trò nòng cốt như trước đây, và điều này cầm chắc sẽ được ghi vào Hiến pháp.

Đọc E-paper

Lý do, điều này đã được ghi vào văn kiện Đại hội Đảng, mà Hiến pháp phải thể hiện các quan điểm của Đảng. Như vậy, vấn đề kinh tế được chính trị hóa, được đưa lên cao hơn, xem đó là yếu tố định hướng cơ bản của nhà nước XHCN.

Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986, về đại thể đã chuyển sang kinh tế thị trường. Nhưng với chủ trương kinh tế nhà nước làm chủ đạo, nền kinh tế thị trường ấy sẽ trở nên méo mó.

Thông thường, hiểu kinh tế nhà nước là chỉ có doanh nghiệp nhà nước (DNNN), dù trong văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ 8 và thứ 9 ghi rõ, gồm các công cụ tài chính, công cụ tiền tệ, các chính sách và luật pháp về kinh tế, rồi mới đến DNNN.

Thực tế, đã có nhiều chủ trương và không ít nghị quyết liên quan đến DNNN, trong khi các yếu tố chính sách tiền tệ, chính sách tài chính..., lại ít được nhắc đến.

Thứ nhất, DNNN phải tham gia điều tiết nền kinh tế. Người ta thường nói đến DNNN, với từ ngữ như "quả đấm thép"... ngụ ý tham gia điều tiết, nhưng chưa bao giờ kinh tế nhà nước làm được vai trò chủ đạo, dù nắm tất cả những ngành đầu vào, các ngành có lãi.

DNNN gồm ba lợi ích, nhưng trong đó, hai lợi ích tập thể và cá nhân sẽ đục khoét lợi ích nhà nước, dẫn đến tình trạng lãi giả, lỗ thật. Thứ hai, DNNN phải nêu gương.

Thực tế, chưa có gương tốt, thậm chí còn ngược lại. Thứ ba, DNNN phải hiệu quả hơn, năng suất hơn, nhưng những cái đó cũng không làm được.

Tại một số diễn đàn, một số học giả cũng cho rằng, Nhà nước làm chủ đạo đúng hơn DNNN hay kinh tế tư nhân. Nếu hiểu theo nghĩa, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là chủ đạo thì đó là Nhà nước làm chủ đạo.

Nhưng một nền kinh tế thị trường mà nhà nước làm chủ đạo thì quan hệ nhà nước và thị trường có vấn đề, bởi khi đó, thị trường được điều tiết bởi nhà nước chứ không phải thị trường.

Về mặt lý luận, Mác chủ trương kinh tế kế hoạch theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó nhấn mạnh hai điều kiện để nền kinh tế phát triển. Thứ nhất, phải có phân công lao động xã hội. Thứ hai, phải có sở hữu tư nhân và coi đấy là hai điều kiện cho nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, đến nay, nước ta chỉ có phân công lao động xã hội, sở hữu tư nhân bị lép vế và sở hữu nhà nước là chủ đạo. Như vậy, so với những tiêu chuẩn mà Mác nói, nền kinh tế thị trường cũng không đạt.

Hiện nay, trên thế giới không có một nền kinh tế thị trường nào giữ quan điểm kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Trung Quốc, Nga đều là những nền kinh tế chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Cái giá cho công cuộc cải cách chuyển đổi có thể cao, thấp khác nhau, nhưng không thể không có trả giá.

Nga đã phải trả giá đắt cho công cuộc chuyển đổi, với gần một niên kỷ suy thoái, lạm phát cao, mức sống của người dân giảm. Kinh tế Trung Quốc đang chậm lại sau gần hai thập kỷ tăng trưởng, minh chứng của giải pháp "dò đá qua sông".

Chặng đường chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ kéo dài bởi cải cách DNNN không dễ, nợ xấu ngày càng tăng trong khi cái cách hệ thống chính trị, hành chính gặp nhiều trở ngại.

Chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một bước phát triển quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn tồn tại những khiếm khuyết, các yếu tố của thị trường chưa hình thành đồng bộ, các thị trường tiền tệ, vốn lao động, bất động sản... còn sơ khai, trong khi độc quyền nhà nước còn khá phổ biến.

Việt Nam đang bí trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào vốn, lao động giá rẻ và thị trường bên ngoài. Các thành phần kinh tế khác, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân, sẽ càng khó vươn lên nếu tiếp tục giữ kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Trong một thị trường cạnh tranh, không nên đặt vấn đề chủ đạo, mà nên cho các thành phần kinh tế bình đẳng như nhau, cạnh tranh như nhau, chỉ như vậy, mới đúng là kinh tế thị trường.

Việt Nam cần phải phát triển, hoàn thiện các yếu tố của thị trường, đồng thời để cho thị trường tự điều tiết tỷ giá, lãi suất, kiểm soát độc quyền và khuyến khích cạnh tranh.

Đây là bước quan trọng để hoàn thiện và phát triển thị trường, tạo ra những điều kiện để thị trường có thể điều tiết kinh tế hiệu quả, giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước. Sự phát triển đúng hướng là cơ sở quan trọng giúp Việt Nam đạt được những thành tựu và là cơ sở để tiếp tục đổi mới nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường và vai trò chủ đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO