Thất nghiệp: Chuyện trước mắt và lâu dài

HUỲNH BỬU SƠN| 22/05/2009 01:06

Một trong những hậu quả khó chịu, phức tạp, kéo dài, không dễ giải quyết và gây ra nhiều hệ quả phụ khác của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là tình trạng thất nghiệp. Suy thoái kinh tế dẫn đến thất nghiệp và thất nghiệp làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế.

Thất nghiệp: Chuyện trước mắt và lâu dài

CTA: Lớp dạy nghề may tại Trung tâm dạy nghề Vạn Ninh - ẢNH TTXVN

Đặc điểm của tình trạng thất nghiệp lần này là cường độ lây lan mạnh mẽ của nó không khác gì một trận đại dịch. Khởi phát từ Mỹ, cường quốc kinh tế số một thế giới, cơn đại dịch thất nghiệp nhanh chóng lan sang các nước công nghiệp Tây Âu, các nền kinh tế lớn ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ và tấn công các nước đang phát triển, các nước nghèo ở Trung Á và châu Phi.

Tính chất lây lan nhanh chóng của hiện tượng thất nghiệp không có gì khó hiểu trong một thế giới hội nhập. Mất công ăn việc làm đồng nghĩa với mất nguồn thu nhập và giảm chi tiêu. Khi người tiêu dùng tại các nước công nghiệp giảm chi tiêu, nhiều xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tại các nước đang phát triển phải đóng cửa, ngừng sản xuất và sa thải công nhân.

Trong phạm vi mỗi nước, con virus mất công ăn việc làm tại khu vực xuất khẩu sẽ nhiễm sang các khu vực khác của nền kinh tế. Cuối cùng là một tình trạng tồi tệ mà cả thế giới đều giảm tiêu dùng và sản xuất, trượt dài vào con dốc suy thoái kinh tế chưa thấy điểm dừng. Không nước nào được miễn nhiễm, và cũng như trong các trận đại dịch, các nước nghèo là các nước dễ bị tổn thương nhất và chịu nhiều thiệt hại nhất vì thiếu vắng một hệ thống bảo hộ, ở đây là hệ thống an sinh xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.

Chống đại dịch thất nghiệp cần nỗ lực của mỗi nước

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã cảnh báo rằng số lao động mất công ăn việc làm trên toàn thế giới sẽ không ngừng lại ở con số 50 triệu người vào đầu năm 2009. Thật ra, các biện pháp giải quyết vấn đề khủng hoảng tài chính, cứu các ngân hàng và các tổ chức tài chính xuyên quốc gia, bơm tiền vào hệ thống tài chính này để tránh một tình trạng phá sản dây chuyền chỉ là phần nổi của tảng băng.

Sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế giới đã lôi theo nó sự tan rã của các doanh nghiệp lớn nhỏ trên toàn cầu và hệ quả không tránh khỏi là cơn đại dịch thất nghiệp và đó mới là mục tiêu lớn phải khắc phục của các nước. Điều này đòi hỏi một nỗ lực xuyên quốc gia, một sự hợp tác chặt chẽ của các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế lớn.


Tuy nhiên mỗi nước cũng cần có những biện pháp tự cứu, trước khi nhận được một tác động nâng đỡ cộng hưởng từ sự hồi phục của các nền kinh tế lớn, các thị trường lớn, nhất là Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, một sự hồi phục có thể xảy ra trong nay mai, hoặc có thể sau nhiều tháng, nhiều năm. Không ai có thể dự đoán chắc chắn thời điểm chạm đáy và đi lên của nền kinh tế thế giới.

Chỉ có một điều phải làm là mỗi quốc gia phải tự mình thực hiện các chương trình kích thích kinh tế nhằm ngăn chặn tình trạng mất công ăn việc làm tức thời và những hệ quả không mong muốn của nó về mặt kinh tế xã hội như tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, tệ nạn xã hội gia tăng, đời sống người dân và mức thụ hưởng vật chất tinh thần của họ xuống thấp, nguy cơ bất ổn xã hội có chiều hướng tăng.


Thực trạng thất nghiệp của nền kinh tế nước ta chịu tác động của khủng hoảng toàn cầu như thế nào? Theo báo cáo gần đây nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, con số lao động bị mất công ăn việc làm tại các thành phố trong cả nước trong năm 2009 sẽ lên đến 400 ngàn người, tăng gấp năm lần so với năm 2008.

Một báo cáo khác của Hiệp hội làng nghề truyền thống cũng cho biết 50% số lao động thủ công 11 triệu người tại hơn 3.000 làng nghề có thể không còn việc làm, do sự sút giảm thị trường tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ của họ trên thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn nền kinh tế nước ta được công bố chính thức hiện nay là 4,65%, nhưng theo nhận xét của một số nhà phân tích, con số này có thể sẽ lên đến 5,4% trong năm 2009, trong đó riêng thất nghiệp tại nông thôn là 6,1%.

Thật ra, nếu so sánh với một số nước cùng chịu tác động của khủng hoảng, tỷ lệ này không cao. Trong ASEAN, nước ta hiện có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn Indonesia, Philippines và Myanmar. Tại Mỹ, từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu cho đến nay, số người mất công ăn việc làm lên đến 6 triệu người, nâng tổng số người thất nghiệp tại Mỹ lên 13,7 triệu người, chiếm tỷ lệ 8,9% lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc cũng ước tính lên đến 9% trong năm 2009.

Tuy nhiên, trên thực tế, số người thiểu dụng lao động (có việc làm bán thời gian, không ổn định, thu nhập thấp và bất thường) ở nước ta khá đông, tập trung nhiều ở nông thôn hoặc sống lang thang trong các khu nhà ổ chuột tại các thành phố, không thống kê được. Số người này không được kể vào số người chịu ảnh hưởng của đại dịch thất nghiệp (vì tình trạng không có hoặc thiếu công ăn việc làm của họ là kinh niên) nhưng vẫn bị tác động của nó một cách gián tiếp khiến cho mức sống của họ vốn đã thấp lại càng thấp hơn.
Mấu chốt vấn đề là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực


Như vậy, vấn đề thất nghiệp trong nền kinh tế nước ta cần được giải quyết bằng cả hai phương sách: trước mắt và lâu dài. Trước mắt là giải quyết tình trạng mất công ăn việc làm do hậu quả của suy thoái kinh tế toàn cầu mà khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là xuất khẩu. Tuy nhiên, nhận xét của ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt nay thêu đan và Hiệp hội Da giày Thành phố Hồ Chí Minh có thể cho thấy một viễn cảnh khá lạc quan, “cuộc khủng hoảng kinh tế khiến sức mua của các thị trường lớn giảm mạnh”, “khách hàng của chúng ta buộc phải tìm mọi cách để cắt giảm chi phí và thay vì đặt hàng từ nhiều nhà cung cấp họ tập trung đơn hàng vào một vài nhà cung cấp nhất định” và do đó xảy ra “tình trạng nơi này làm không hết việc, phải đỏ mắt tìm lao động, trong khi nơi khác lại không có đơn hàng khiến thừa lao động”.

Rõ ràng, tuy khu vực xuất khẩu có bị ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng này nặng nề hơn tại các doanh nghiệp không đạt chuẩn, trong khi những doanh nghiệp làm ăn tốt, sản phẩm đảm bảo chất lượng và có uy tín thì vẫn nhận được đơn hàng, duy trì được nhịp độ sản xuất và số lượng công ăn việc làm, tuy vẫn phải cắt giảm chi phí, giảm giá thành để sản phẩm có giá cạnh tranh hơn, dễ được chấp nhận hơn trong điều kiện thị trường co cụm như hiện nay. Bà Bùi Thị Thúy Quỳnh, một viên chức ở Cục Việc làm TP. Hồ Chí Minh cũng xác nhận có đến 70% lao động bị mất việc từ các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã tìm được việc làm tại xí nghiệp mới.


Đối với các ngành hàng nông thủy hải sản, khả năng duy trì và tăng trưởng nhẹ kim ngạch xuất khẩu so với năm trước là hiện thực, do đó cũng sẽ không có sự giảm sụt lao động quá lớn trong các ngành hàng này. Chỉ có một vấn nạn là áp lực cạnh tranh của các mặt hàng nhập khẩu đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nội địa đang ngày càng mạnh vì giá rẻ và chất lượng tốt hơn. Áp lực này trong tương lai sẽ mãnh liệt hơn và sẽ dẫn đến một hệ quả là chỉ có những doanh nghiệp trong nước làm ăn đàng hoàng, bài bản, chuyên nghiệp, với một lực lượng lao động giỏi, năng suất cao mới có thể cạnh tranh được để tồn tại ngay trên thị trường nội địa.


Chính phủ đã triển khai gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 1 tỉ USD và đang sắp triển khai những gói khác có tổng giá trị lên đến 8 tỉ USD mà một trong những mục tiêu là ngăn chặn tình trạng mất công ăn việc làm do suy giảm kinh tế, tăng cường hỗ trợ cho những người mất việc đồng thời giúp tạo ra những công ăn việc làm mới. Chắc chắn những gói kích cầu này - với quy mô lớn chưa từng có trước đây - sẽ được mọi người kỳ vọng đạt được một cách khả quan các mục tiêu đề ra.

Mặt khác, những thông tin đáng lạc quan gần đây cho thấy đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn đang gia tăng và đó là một yếu tố quan trọng góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp trước mắt. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam cũng có cơ chế phòng vệ tự nhiên để đối phó với vấn đề này theo cách riêng của nó. Quay về nông thôn và/hoặc sống trong sự cưu mang đùm bọc của gia đình sẽ là giải pháp tối ưu cho số người mất việc. Họ có thể trở thành một gánh nặng chấp nhận được của gia đình nhưng sẽ không là gánh nặng của xã hội. Hệ thống an sinh truyền thống này tuy không được tổ chức nhưng phổ quát và rất hữu hiệu về mặt xã hội trong việc giải quyết vấn đề thất nghiệp, nhất là thất nghiệp tạm thời.


Như vậy, bài toán cơ bản của tình trạng thất nghiệp trong nền kinh tế nước ta không phải là chuyện trước mắt mà là vấn đề lâu dài, đó chính là vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong tương lai, chúng ta luôn phải đối mặt với một vấn đề lưỡng nan: vừa thừa vừa thiếu nhân lực. Trong nỗ lực phát triển nhanh nền kinh tế quốc gia, vấn đề bức xúc nan giải chính là vấn đề thiếu nhân lực.

Còn trong việc triển khai các chương trình an sinh xã hội, bài toán thất nghiệp sẽ luôn luôn là bài toán khó giải quyết. Với 75% lực lượng lao động còn ở nông thôn (gần 35 triệu người) không được đào tạo chuyên môn, năng suất thấp, luôn luôn muốn ra thành thị để kiếm sống nhưng chỉ có thể đi trên các ngõ hẹp, vấn đề thất nghiệp ở nước ta, bao gồm thiểu dụng, thất nghiệp trá hình vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thất nghiệp: Chuyện trước mắt và lâu dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO