Thanh tra chỉ để làm rõ hiện trạng nợ đọng

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH| 18/02/2014 06:55

Năm 2014, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra diện rộng về quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ.

Thanh tra chỉ để làm rõ hiện trạng nợ đọng

Năm 2014, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra diện rộng về quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ. Động thái này được chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho là: "Chỉ để làm rõ hiện trạng nợ đọng, không xử lý được vấn đề, bởi khoảng cách quá lớn giữa nhu cầu và nguồn lực đầu tư”.

Đọc E-paper

* Ông nhậnh định như thế nào về tình trạng nợ đọng hiện nay?

- Nguồn lực để đầu tư công hạn chế, thay vì có tiền mới đầu tư, các địa phương đã đầu tư trước với đảm bảo là ngân sách sẽ bố trí nguồn để trả nợ. Tuy nhiên, ngân sách ngày càng eo hẹp, mới "đẻ ra" nợ đọng xây dựng cơ bản, kể cả từ nguồn trái phiếu hay nguồn từ ngân sách.

Thực tế có mấy điểm vướng. Các địa phương không được phép vay quá mức vốn ngân sách để đầu tư. Theo Khoản 3 Điều 8 Luật Ngân sách, các địa phương chỉ được vay khoảng 30% trên vốn ngân sách bố trí cho năm đó, nhưng mức đó cách xa so với yêu cầu. Cho nên, các địa phương vẫn tìm cách này cách khác để đầu tư vượt quá nguồn lực có thể.

Nếu từ nguồn trái phiếu chính phủ, thì bản chất lại hơi khác một chút. Khá nhiều địa phương bày ra công trình đầu tư, dù không có nguồn. Ngân sách cạn, họ quay sang "xin" nguồn trái phiếu chính phủ, dù về mặt nguyên tắc, địa phương chỉ được sử dụng trái phiếu chính phủ đầu tư vào những công trình giao thông, thủy lợi, trường học, còn những công trình khác thì không được sử dụng nguồn này.

Trước đây, từng có báo cáo về việc địa phương phát hành trái phiếu, giữ một cục tiền nhưng không giải ngân được trong khi vẫn phải trả lãi, nhưng năm 2013 chưa thấy tổng kết vấn đề này.

* Vậy, ông nói gì về việc thanh tra diện rộng về quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ?

Kiểm toán Nhà nước đầu tháng 9/2013 công bố số nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương trên cả nước lên đến 91.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tiếp ban hành 3 chỉ thị yêu cầu các địa phương phải xử lý dứt điểm số nợ đọng này.

- Chỉ thị số 1792/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ quy định phải bố trí được vốn mới được đầu tư, nhưng chắc sẽ khó. Tôi cho rằng, nên thanh tra kỷ luật đầu tư. Nếu không muốn địa phương đeo gánh nặng nợ, phải kiểm soát lại chuyện đầu tư ở địa phương, nhất là đối với nợ đọng xây dựng cơ bản, không cho địa phương đầu tư vượt mức cho phép.

Nếu thanh tra nguồn trái phiếu, thứ nhất, nên thanh tra việc địa phương sử dụng nguồn trái phiếu đó như thế nào, có sử dụng hết không, trong bối cảnh các công trình đầu tư thiếu tiền. Thứ hai, cơ chế để phân chia nguồn đầu tư từ trái phiếu chính phủ khác với cơ chế phân chia đầu tư từ ngân sách nhà nước (cả ngân sách đầu tư và ngân sách chi thường xuyên), còn nguồn trái phiếu chính phủ hiện nay vẫn không rõ cơ chế phân chia.

* Theo ông, hậu thanh tra có xử lý dứt điểm nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản ?

- Thanh tra nhưng không hy vọng xử lý được những trường hợp vi phạm, bởi bản chất của thanh tra là để phục vụ công việc của Chính phủ. Việc xử phạt như thế nào là do Thủ tướng quyết định.

Việc thanh tra ở đây chỉ làm rõ hai điểm. Thứ nhất, làm rõ nợ đọng xây dựng cơ bản thực chất bây giờ là bao nhiêu, bởi chắc chắn là không phải con số mấy chục ngàn tỷ đồng như đã công bố. Thứ hai, làm rõ tại sao nợ xây dựng cơ bản lại lớn như vậy, cấp nào phải chịu trách nhiệm và dừng ở đó để báo cáo. Việc xử lý như thế nào, kỷ luật ai..., có lẽ không nằm trong công việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thanh tra chỉ để làm rõ hiện trạng nợ đọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO