Tham nhũng ở DNNN và đầu tư công

07/11/2013 06:20

Sẽ ít người phủ nhận, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư công là hai trong những lĩnh vực mà tham nhũng đang nảy nở nhất. Lỗ hổng pháp lý nào dẫn đến tình trạng này?

Tham nhũng ở DNNN và đầu tư công

Sẽ ít người phủ nhận, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư công là hai trong những lĩnh vực mà tham nhũng đang nảy nở nhất. Lỗ hổng pháp lý nào dẫn đến tình trạng này?

Hành vi tham nhũng của nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines chỉ được coi là “sai phạm” và không liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tham nhũng không phải cá biệt

“Cảm ơn em”, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines Dương Chí Dũng được mô tả đã nói đầy cảm xúc khi nhận hai va li đầy tiền trị giá 10 tỉ đồng. Số tiền này, ông Dũng khai đã dùng mua hai căn nhà cho “bạn gái” ở Hà Nội.

Cái giá đó - dù là rất lớn mà một người dân thường có thể hình dung - vẫn còn quá ít so với số tiền 19,5 triệu đô la Mỹ từ công quỹ quốc gia mà ông này, với sự tiếp tay của các đồng phạm ở Vinalines, đã ném qua cửa sổ để mua về đống sắt vụn mang tên ụ nổi 83M.

Như Luật Phòng chống tham nhũng định nghĩa “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”, thì hành vi của vị quan chức này phải được chỉ đích danh là tham nhũng.

Song, hành vi đó chỉ được gọi tên là “sai phạm”, và sai phạm dù không liên quan đến các bộ quản lý nhà nước, theo cách trả lời của các bộ trưởng tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 vừa rồi.

“Trong những sai phạm vừa rồi của Vinalines, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận rất rõ ràng, tất cả các mục đều có kết luận rõ ràng, là trách nhiệm chính trong sai phạm của Vinalines về đầu tư không có hiệu quả, vấn đề mua ụ nổi... là trách nhiệm của Chủ tịch tập đoàn và giám đốc các đơn vị thành viên.

Trong báo cáo của thanh tra không có câu nào nói đến trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Bộ Tài chính”, nguyên Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ từng khẳng định sự vô can của bộ này.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bổ sung thêm: “Về các sai phạm trong dự án này (của Vinalines) thì theo các luật quy định, họ quyết định và chỉ báo cáo cho người đại diện, họ không báo cáo lên các bộ, ngành”.

Còn ở cương vị “tư lệnh ngành”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng chỉ xin “rút kinh nghiệm sâu sắc” trước Quốc hội trong việc bổ nhiệm cán bộ.

Xét theo hệ thống luật pháp hiện nay có thể đúng là khó lòng quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước về các “sai phạm” của những vụ tham nhũng kỷ lục như vụ Dương Chí Dũng ở Vinalines.

Thế nhưng phải thấy đây là khe hở pháp lý để có thể xảy ra các vụ “Dương Chí Dũng” khác ở DNNN khác. Vấn đề là rà soát quy định sao cho những khe hở như thế không thể tồn tại và bị lợi dụng, để mọi hoạt động của DNNN chịu sự giám sát của bộ, ngành quản lý.

Những vụ tiêu cực, tham nhũng, thất thoát không chỉ ở các tập đoàn kinh tế lớn như Vinalines, hay Vinashin nay đã biến thành SBIC, mà đã xảy ra ở rất nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô nhỏ hơn.

Điển hình trong các doanh nghiệp loại này là vụ Công ty Vận tải Dầu khí Việt Nam phạm tội tham ô tài sản, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 1.800 tỉ đồng; vụ sai phạm tại Công ty Cho thuê tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gây thiệt hại cho Nhà nước ước tính trên 4.000 tỉ đồng; vụ vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng...

“Tình hình tham nhũng trong quản lý vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện khẳng định trước Quốc hội.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng được báo chí trích dẫn bổ sung thêm tại phiên thảo luận tại tổ về công tác phòng chống tham nhũng: “Một đồng chí ở doanh nghiệp còn nói phần các anh biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nó còn khủng khiếp hơn rất nhiều, khi nói lại vụ Dương Chí Dũng. Tôi giật mình khi nghe anh ấy nói hiện tượng của Dương Chí Dũng không phải là cá biệt”.

Hiện tại, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng tài sản 2,1 triệu tỉ đồng và đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu mét vuông (15.500 héc ta) đất, theo báo cáo gần đây của Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ.

Một khối tài sản lớn như vậy mà lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về đại diện sở hữu nhà nước thì “hiện tượng Dương Chí Dũng” tiếp tục là một lời cảnh tỉnh cho việc quản lý nhà nước trong khu vực kinh tế này, sau những gì xảy ra với các nguyên Chủ tịch EVN, TKV, Vinashin và Vinalines.

Thất thoát đầu tư công, ai chịu?

“Cá nhân nào có quyền ký phê duyệt dự án đầu tư mà không xác định rõ được nguồn vốn, để dự án triển khai kéo dài gây lãng phí thì cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm về cả hành chính và kinh tế” - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cảnh báo tới đại diện chính quyền các tỉnh phía Bắc khi ông phổ biến Chỉ thị 1792 của Thủ tướng vào trung tuần tháng 10-2011, chỉ hai tháng sau khi nhậm chức bộ trưởng.

Một khi tham nhũng không thể quy trách nhiệm cho cá nhân, không bị truy đến gốc rễ của sự việc, thì công việc phòng chống tham nhũng cũng chỉ là “nói cho vui”.

Nhưng hai năm trôi qua vẫn không một ai bị kỷ luật, như cảnh cáo của Bộ trưởng Vinh, không phải vì tình trạng lãng phí trong đầu tư công đã được khắc phục.

Kết quả Kiểm toán Nhà nước tại các bộ, ngành và địa phương cho thấy: việc bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối nguồn vốn. Đến hết năm 2011, các địa phương còn 7.335 dự án đã có quyết định đầu tư với tổng vốn hơn 273.000 tỉ đồng nhưng vẫn chưa bố trí được nguồn vốn.

Việc chi tiêu lãng phí của công như trong năm 2011, như báo cáo kiểm toán đã chỉ ra, không phải cá biệt. Báo cáo giám sát hồi tháng 5 vừa qua về vốn trái phiếu chính phủ bổ sung cho nhận định này.

Trong giai đoạn 2006-2012, trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, ký túc xá sinh viên, di dân tái định cư đã được bố trí vốn trái phiếu chính phủ để thực hiện 2.682 dự án, với tổng mức đầu tư ban đầu là 409.415,5 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm giao kế hoạch năm 2012, các dự án nêu trên đã điều chỉnh mức đầu tư lên đến 684.794,5 tỉ đồng. Hầu hết các dự án đều có phát sinh, phải điều chỉnh mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu.

Song, cũng như cảnh báo hồi triển khai Chỉ thị 1792, việc sử dụng lãng phí nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã không thể quy trách nhiệm cá nhân cho một ai.

Báo cáo thừa ủy quyền Thủ tướng do Bộ trưởng Vinh ký gửi các đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 6 đang diễn ra về việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2006-2012 đã không nhắc đến tên một cá nhân nào.

Bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2011 bộ chỉ phát hiện 145 dự án có thất thoát lãng phí, con số rất nhỏ so với tổng số 38.420 dự án đang thực hiện. Không một dự án nào được phát hiện có tham nhũng trong báo cáo gần đây nhất của bộ này.

Bộ trưởng Vinh giải thích tại kỳ họp thứ 4: “Chuyện có hay không có chạy dự án, tôi nói thật, nếu tôi bắt được tôi đã kỷ luật rồi, chắc chắn thế, không để cho ai yên; nhưng bảo không có, tôi cũng không tin”.

Thuyết trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp thứ 6 này về dự thảo Luật Đầu tư công, ông Vinh nói: “Lãng phí nhiều nhất là từ chủ trương đầu tư. Thủ tướng từng rất bức xúc chuyện có những con đường miền núi rộng 60-70 mét. Chủ tịch tỉnh không biết trong túi có bao nhiêu tiền, cứ làm cho hoành tráng, thiếu tiền thì xin trung ương. Nhiều nơi cứ vẽ ra dự án, sau đó đi chạy”.

Rõ ràng, một khi ngân sách còn cấp phát, xin - cho thì khó mà giải quyết được tình trạng “chạy”, mà sau đó hẳn là tham nhũng, thông đồng.

Hiện nay, hệ thống pháp luật về chống tham nhũng đã trở nên dày đặc: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 158 nghị định, 162 nghị quyết; 80 quyết định liên quan đến các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Song, một khi tham nhũng không thể quy trách nhiệm cho cá nhân, không bị truy đến gốc rễ của sự việc, thì công việc phòng chống tham nhũng cũng chỉ là “nói cho vui”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tham nhũng ở DNNN và đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO