Tạo các cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG(*)| 17/09/2018 04:18

Chỉ còn hơn một quý nữa là kết thúc năm 2018. Gần ba quý qua, tăng trưởng kinh tế phục hồi và đạt mức tương đối cao, chất lượng tăng trưởng có phần được cải thiện.

Tạo các cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Tuy nhiên, cách thức phân bố nguồn lực chưa thay đổi, nguồn lực về cơ bản chưa được phân bổ theo hướng nâng cao hiệu quả. Một số lĩnh vực như chuyển dịch nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch nông thôn sang thành thị, nhà nước sang tư nhân, chính thức sang phi chính thức và ngược lại còn chậm. Trong khi đó, chính những dòng chuyển động này mới là yếu tố tạo ra cơ cấu mới, động lực mới của tăng trưởng.

Tăng trưởng ở mức tương đối cao, nhưng 2018 là năm đầu tiên có tăng trưởng quý sau thấp hơn quý trước. Nhìn vào yếu tố, cấu phần của tăng trưởng, đặc biệt là động lực của tăng trưởng, có thể thấy năng suất được cải thiện (tăng 5,5-6%).

Tuy nhiên năng suất lao động là tính gián tiếp, lấy tốc độ tăng năng suất lao động cộng tốc độ tăng số lượng lao động để ra tốc độ tăng trưởng, do đó cứ tăng GDP cao, tăng năng suất lao động cao. Đáng lẽ phải tính ngược lại: tính năng suất lao động trước rồi mới tính đến đóng góp của năng suất lao động vào tăng trưởng.

Thêm nữa, nhìn vào cấu thành tăng trưởng GDP sẽ thấy, khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn là trục của tăng trưởng. Năm ngoái, ở mức độ nào đó, công nghiệp đã phục hồi từ âm sang dương và ở mức ổn định. Nhưng sang năm nay, chỉ số phát triển công nghiệp từng tháng bắt đầu giảm. Đóng góp của khai khoáng vào tăng trưởng giảm, dịch vụ vẫn duy trì ổn định đường tăng ngang, trong khi nông nghiệp có cải thiện, dù chỉ ở mức độ nào đó, để bù đắp một phần vào giảm sút của công nghiệp.

Đầu tư nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giảm sút, một phần do thủ tục khó khăn, một phần có thể do sự phân vân của doanh nghiệp (DN) đang trong quá trình chuyển đổi từ các bộ chuyên ngành về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, dẫn đến một số dự án rơi vào tình trạng chờ đợi. Đã có khá nhiều vấn đề xảy ra cùng lúc làm cho đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là DNNN giảm sút ở mức âm.

Tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực có vốn nước ngoài (FDI) tăng, đặc biệt là đầu tư của khu vực tư nhân. Song, dù đầu tư tăng, nhưng hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn, hay tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm) cũng cao lên, cho thấy hiệu quả đầu tư không được cải thiện trong hơn 8 tháng qua.

Hiệu quả của DNNN có xu hướng giảm, thậm chí nếu so với các DN khác, thì tỷ lệ này của DNNN vẫn cao hơn. Trong DNNN lớn có ba DN chiếm hơn 50% vốn nhà nước là EVN, PVN và Viettel, còn hơn mấy chục DN khác chỉ chiếm 50%. Như vậy, xét về các chỉ số dẫn đến hiệu quả cao là nằm ở các DN lớn này.

Tăng trưởng xuất khẩu rất cao, thậm chí quý II đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng cho thấy tăng trưởng GDP đang phụ thuộc khá lớn vào tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là đối tác hàng đầu đóng góp vào xuất khẩu cũng như nhập khẩu với tình trạng thâm hụt thương mại không đổi. Xu hướng kinh doanh vẫn được DN đánh giá là tốt lên, nhưng chỉ số mua hàng tháng 7 vẫn giảm nhẹ so với tháng 6, là một dấu hiệu về sự suy giảm của sự kém năng động hơn trong các hoạt động kinh tế.

Đến nay, tỷ lệ DN bị giải thể vẫn tăng, chiếm 60% tỷ lệ DN thành lập mới, thay cho các mức thấp hơn những năm trước đây. Kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại, cốt lõi của nó phải là cạnh tranh công bằng, bình đẳng trên tất cả các phương diện, quy mô.

Không có cạnh tranh thị trường, không thể có kinh tế thị trường. Không có cạnh tranh bình đẳng thì chỉ là thị trường nhỏ và sai lệch. Cho nên, cần tập trung vào các giải pháp thúc đẩy cạnh tranh. Việt Nam đã có Luật Cạnh tranh, nhưng phải thực thi được nó để đảm bảo cạnh tranh công bằng, chống cạnh tranh không lành mạnh.

Đáng lưu ý, đóng góp vào GDP của DNNN đang nhỏ dần, với mức tương đương DN ngoài nhà nước, dù vẫn đóng vai trò chủ đạo hoặc là một lực lượng vật chất chủ yếu. Trong khi đó, đóng góp lợi nhuận và thu nhập của người lao động trong khu vực DN tư nhân có đăng ký khoảng 19% GDP, mức cao hơn nhiều so với số đóng góp 9% GDP thường công bố. Về tiền lương thu nhập của người lao động chính thức trong khu vực DN đóng góp khoảng 26% GDP.

Riêng DN ngoài nhà nước khoảng 14%. Về nộp thuế, có 1.000 DN được vinh danh nộp thuế thu nhập DN nhiều nhất, DN ngoài nhà nước đóng góp 46% trong số này, khoảng 34% GDP, thấp hơn đầu tư nước ngoài nhưng cao hơn nhiều so với DNNN. Những con số này đặc biệt quan trọng trong việc xác định lại vị thế của từng loại hình doanh nghiệp, từng khu vực kinh tế, từng thành phần kinh tế.

Trên thực tế, những động lực phát triển kinh tế đã tới hạn và năng lượng đột phá cũng suy giảm. Do đó, để duy trì tăng trưởng 6,7% trong năm 2018, phải có những thay đổi khác biệt trong tư duy, trong cải cách thể chế, trong chỉ đạo điều hành, trong phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Đặc biệt là tạo ra những cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. 

(*) Tác giả là Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tạo các cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO