Tăng giá trị khu vực thủ công, làng nghề

20/05/2013 07:08

Theo tổng cục Hải quan, bốn tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ và ô dù của cả nước tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý là thành tích xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ và ô dù chủ yếu là nhờ khu vực thủ công, làng nghề và nguyên phụ liệu trong nước.

Tăng giá trị khu vực thủ công, làng nghề

Theo tổng cục Hải quan, bốn tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ và ô dù của cả nước tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý là thành tích xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ và ô dù chủ yếu là nhờ khu vực thủ công, làng nghề và nguyên phụ liệu trong nước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam năm 2012 chỉ đạt 1,5 tỉ USD, là con số khá khiêm tốn trong tổng số hơn 100 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khi mà Việt Nam có khoảng 2.790 làng nghề thủ công lớn nhỏ, giải quyết việc làm cho 24% lao động nông thôn trong tối thiểu mười tháng mỗi năm (theo một thống kê của hội Làng nghề Việt Nam).

Đó là chưa kể Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu những món hàng thủ công mỹ nghệ “độc đáo” và chất lượng. Chính GS.TS Naohiro Kurose (đại học Kaetsu – Nhật Bản) cũng phải ngạc nhiên khi việc sản xuất trang phục truyền thống kimono – trang phục truyền thống đặc biệt quan trọng của người Nhật – tại Ninh Bình đạt chất lượng cao hơn, thậm chí là được gia công “công phu” và “chất” hơn so với hàng được sản xuất tại Nhật.

Có nhiều lý do dẫn đến sự “bất đối xứng” giữa tiềm năng và giá trị thu được từ làng nghề truyền thống, mà trong đó yếu tố hiện nay được quan tâm đặc biệt chính là yếu tố về thương hiệu và bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đã có một vài điều luật như điều 24 luật Di sản quy định việc Nhà nước có chính sách khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống; thông tư số 1/2007/TT-BKHCN về hướng dẫn thi hành nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Sở hữu trí tuệ quy định về đăng ký sáng chế đối với tri thức truyền thống. Tuy nhiên các điều luật vừa ghi chưa thực sự mang về hiệu quả cao. Một bài học thấm thía từng diễn ra chính là vụ kiện tranh chấp mẫu mã gạch ngói ở Phú Phong (Bình Định). Điều đáng nói là cư dân Tây Sơn, những người sở hữu mẫu mã gạch Phú Phong từ 200 năm trước lại bị một doanh nghiệp bằng quân cờ “đăng ký thương hiệu” trước làm cho điêu đứng và có nguy cơ “đóng lò dẹp tiệm”.

Trong phiên họp lần thứ 50 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cuối năm 2012 tại Thuỵ Sĩ, ông Tạ Quang Minh, cục trưởng cục Sở hữu trí tuệ đồng thời là trưởng đoàn Việt Nam trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về tình hình đàm phán vấn đề bảo hộ tri thức truyền thống và văn hoá dân gian ở phạm vi toàn cầu đang được WIPO quan tâm. Ông Minh cho biết qua hai năm đàm phán, về hình thức đã có nhiều tiến triển khi các quốc gia đã “chịu ngồi vào bàn” và đưa ra quan điểm về lời văn của các dự thảo.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “vấn đề mấu chốt” nhằm xây dựng nội dung bộ luật thì vẫn “ì ạch” khi quan điểm của các bên vẫn chưa hài hoà về lợi ích. Theo đó, một số nước đang phát triển muốn sử dụng luật sở hữu trí tuệ để bảo hộ tri thức truyền thống và văn hoá dân gian, đồng thời chế tài các hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, một số nước phát triển lại muốn dùng hình thức “hợp đồng riêng lẻ” cùng hệ thống toà án dân sự hoặc hành chính để điều chỉnh những đối tượng trên.

Như vậy, nếu xét ở góc độ một quốc gia đang phát triển và có nhiều tiềm năng về ngành nghề thủ công, thiết nghĩ Việt Nam nên đẩy mạnh việc xây dựng luật bảo hộ tri thức truyền thống cho ngành nghề thủ công. Điều này sẽ mang về nhiều lợi ích cho Việt Nam trong “ngắn hạn” lẫn “dài hơi”.

Thứ nhất, bảo hộ tri thức truyền thống đảm bảo được tính bền vững của sản phẩm. Không ngoại trừ trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam nhập hàng từ các làng nghề “không tên tuổi” rồi mang về nước “gắn mác” để bán lại thu lợi. Đó là chưa kể các vụ kiện “khó phân” thắng bại do thiếu cơ sở pháp lý đối với đối tượng đặc biệt như sản phẩm làng nghề truyền thống sẽ gây bất ổn xã hội: tốn kém, thất nghiệp.

Thứ hai, việc xây dựng luật bảo hộ giá trị tri thức truyền thống sẽ giúp sản phẩm tăng giá trị. Một sản phẩm có đầy đủ “tên tuổi” sẽ tăng độ an tâm của khách hàng, tăng mức uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu, và tất nhiên sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu cho quốc gia. Kéo theo đó là đời sống người dân được cải thiện hơn khi ngoại tệ thu về không dừng ở mức 1,5 tỉ USD/năm.

Trong bối cảnh hội nhập, các giá trị tri thức truyền thống rất dễ bị “chảy máu” nếu không có biện pháp bảo vệ đúng đắn. Gợi ý xây dựng luật bảo hộ tri thức truyền thống cần được nghiên cứu và xem xét như một yêu cầu từ “tiếng gọi của thực tiễn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng giá trị khu vực thủ công, làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO