Tái cơ cấu nền kinh tế: Cần phân bố lại nguồn lực

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương| 02/11/2016 06:40

Cách điều hành nền kinh tế hiện tại khiến nước ta không chú ý nhiều đến cải cách, trong khi chính những cải cách đó về bản chất là tái cơ cấu nến kinh tế, làm cho thị trường được mở rộng, lớn hơn.

Tái cơ cấu nền kinh tế: Cần phân bố lại nguồn lực

Trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, các kịch bản cải cách đều nhấn mạnh đến phân bổ lại nguồn lực bằng 2 việc: thắt chặt chi tiêu ngân sách nhà nước và đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất, ở quy mô tương đối lớn, dùng nguồn lực đó để đầu tư, cải thiện hạ tầng và giảm bội chi ngân sách xuống 3%.  

Đọc E-paper

Cách điều hành nền kinh tế ở nước ta bấy lâu nay dựa vào gia tăng số lượng vốn, gia tăng số lượng lao động, gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên, chưa chú ý đến vấn đề dài hạn và chất lượng tăng trưởng, như năng suất chẳng hạn.

Điều hành theo cách này khiến nước ta không chú ý nhiều đến cải cách, trong khi chính những cải cách đó về bản chất là tái cơ cấu nến kinh tế, làm cho thị trường được mở rộng, lớn hơn, bộ máy điều hành ít người hơn nhưng hoạt động hiệu quả hơn. Vì vậy, thay đổi mô hình tăng trưởng tới đây không chỉ chuyển từ số lượng sang chất lượng, mà còn thay đổi cả cách thức và tư duy điều hành của Chính phủ.

Kế hoạch năm 2016 - 2020 dự tính đầu tư phát triển khoảng 30 - 32% GDP, lạm phát 3% và tăng trưởng GDP khoảng 6%. Tổng GDP giai đoạn 2016 - 2020 khoảng hơn 30 triệu tỷ đồng. Như vậy, con số dự tính sẽ huy động được để đầu tư là 10 triệu tỷ đồng.

Những điểm phải làm mạnh trong tái cơ cấu nền kinh tế là thị trường phải phát triển, sản phẩm và dịch vụ phải cạnh tranh, sau tái cơ cấu thị trường không bị méo mó, sai lệch. Bản chất của tái cơ cấu nền kinh tế là phân bố lại nguồn lực bằng thị trường và bằng cơ chế thị trường.

Cần chú ý thị trường vốn, thị trường lao động, đặc biệt là thị trường đất đai. Phải chuyển được đất đai thành vốn, phải chuyển được tài sản thành vốn mới có thể phân bố lại được nguồn lực.

Tăng trưởng GDP nước ta liên tục giảm trong 30 năm qua, thập kỷ thứ nhất là 8%, thập kỷ thứ hai là 7% và đến nay - thập kỷ thứ ba, chỉ có 6%. Như vậy, mỗi một thập kỷ mức tăng trưởng giảm 1%. Nếu tăng trưởng giảm xuống nữa, ổn định kinh tế vĩ mô có thể không đạt được và khi đó tăng trưởng GDP có thể chỉ đạt 5%.

Tái cơ cấu lần này cũng sẽ cơ cấu lại danh mục tài sản hiện có. Ví dụ, Nhà nước đã đầu tư nhiều vào Vinamilk, Sabeco..., giờ bán đi lấy tiền xây dựng sân bay Long Thành chẳng hạn. Như vậy, vừa huy động được nguồn lực xã hội, vừa phân bố lại nguồn vốn cho nền kinh tế quốc dân. Tái cơ cấu kinh tế như vậy mới có thể làm cho nguồn lực được sử dụng hiệu quả.

Tái cơ cấu lần này đặt ra 3 trọng tâm, 3 đột phá. Lần cải cách trước, đột phá về thể chế là cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung cải cách thủ tục hành chính. Cải cách kinh tế lần này vẫn tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhưng nhấn mạnh hơn việc phải tạo được thể chế thị trường tạo điều kiện cho sản xuất và nâng cao mức độ cạnh tranh của thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Thêm nữa, trong trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế lần này, khu vực nhà nước không chỉ là doanh nghiệp nhà nước, không chỉ là đầu tư công, mà còn là khu vực dịch vụ công. Khu vực này hiện nay phần lớn đang bao cấp, nên phải thị trường hóa. Như vậy, tới đây nền kinh tế nên ổn định để tăng trưởng, không phải thúc đẩy tăng trưởng ngay.

Hy vọng lần tái cơ cấu này sẽ có tái cơ cấu lại bộ máy nhà nước, bên cạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu dịch vụ công. Tất nhiên, tái cơ cấu ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ dẫn tới tái cơ cấu về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu bộ máy nhà nước... Nếu không thay đổi được như vậy, rất khó thu hẹp được chi ngân sách.

Cải cách lần này phải thị trường hơn và cùng với đó là phải hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Hai cái này phải cân bằng với nhau, không thể bên ngoài là thị trường hơn, còn bên trong lại là hành chính nhiều hơn.

Vẫn biết những thay đổi này là cực kỳ khó khăn, không chỉ nằm ở tư duy, mà còn nằm ở sự chống đối. Bởi vì những thay đổi này làm thay đổi quyền và lợi của không ít người có liên quan trong cả bộ máy công quyền.

Tái cơ cấu nền kinh tế lần này cũng nhấn mạnh tái cơ cấu trong tổ chức thực hiện, nên đã có kiến nghị thành lập ban chỉ đạo trung ương về tái cơ cấu nền kinh tế.

HẢI VÂN ghi

>Tái cơ cấu ngân hàng: Nhìn từ cổ đông

>"Trụ đỡ" nền kinh tế đang lung lay?

>Tài sản công và yêu cầu cải cách DNNN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cơ cấu nền kinh tế: Cần phân bố lại nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO