"Sự cố nước mắm": Trách nhiệm thuộc về ai?

B.TRÂM| 22/10/2016 01:29

Việc Vinastas công bố thông tin 67% mẫu nước mắm do Hội này khảo sát bị nhiễm arsen vượt mức cho phép đã gây ra tác động tiêu cực cho cả người tiêu dùng lẫn những doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống.

Việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố thông tin 67% mẫu nước mắm do Hội này khảo sát bị nhiễm arsen vượt mức cho phép đã gây ra tác động tiêu cực cho cả người tiêu dùng lẫn những doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống.

Cụ thể, chiều 17/10/2016, Vinastas đã công bố kết quả cuộc khảo sát toàn diện về nước mắm được thực hiện trên 150 mẫu đóng chai, thuộc 88 nhãn hiệu được mua trực tiếp tại siêu thị, đại lý, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng đặc sản trên 19 tỉnh thành phố cả nước.

Vinastas cho biết, “khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện arsen vô cơ”. Việc không giải thích về sự độc hại hay vô hại của arsen hữu cơ và arsen vô cơ đã vô tình gây ra sự nhầm lẫn trong tiếp nhận thông tin.

Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó tổng thư ký Vinastas cho biết, mục đích của khảo sát trên là thông tin cho người tiêu dùng biết thực trạng của nước mắm hiện nay và đánh động các nhà quản lý, chức trách vào cuộc quyết liệt hơn. Ông Tuấn cũng khẳng định việc công bố danh sách các nhãn hiệu nước mắm được khảo sát không thuộc thẩm quyền của Vinastas. Tuy nhiên, danh sách cụ thể này được cho là đã bị "rò rỉ" tại một số diễn đàn và mạng xã hội, càng làm dấy lên sự sợ hãi trên người tiêu dùng.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho rằng đây chỉ là một đợt khảo sát, không mang tính chất kiểm tra, thanh tra, tuy nhiên Vinastas nên công khai toàn bộ 150 nhãn hiệu nước mắm nói trên để tránh gây hoang mang cho người dân.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, việc Vinastas đưa ra kết luận “Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng arsen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/l. Tuy nhiên kết quả thử nghiệm arsen tổng cho thấy 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của QCVN này” đã gây ra sự sợ hãi, hoang mang cho người tiêu dùng. Đặc biệt, nhận định của Vinastas về việc “các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng” ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống, đã khiến cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt.

Trên thực tế, từ khi thông tin trên được công bố, nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nước mắm cho biết đã nhận được nhiều lời đề nghị phải giải trình từ các đối tác kinh doanh như các siêu thị, nhà phân phối và các hiệp hội, các cơ quan chức năng khác. Một bộ phận người tiêu dùng còn phản ứng mạnh bằng cách đem trả lại sản phẩm.

>>Nestlé gặp sự cố ở Ấn Độ: Bài học không mới

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, QCVN 8-2:2011/BYT giới hạn “lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được tạm thời” đối với 6 thứ kim loại nặng, trong đó có Arsen (As), nhưng bản Quy chuẩn có ghi rõ là tính theo Arsen vô cơ, không có quy định về Arsen hữu cơ hay “Arsen tổng” như Vinastas tự đặt ra.

Ông Trương Minh Tuấn giải thích thêm, Arsen vô cơ mới chính là thạch tín độc hại, còn Arsen hữu cơ là chất tồn tại tự nhiên trong hải sản hay các nguyên liệu làm nước chấm, không độc hại gì đối với cơ thể con người, vì vậy mà không quy định giới hạn. Ngay cả những nước rất chặt chẽ về an toàn thực phẩm như châu Âu hay Mỹ cũng không quy định giới hạn arsen hữu cơ.

Nói về trách nhiệm của báo chí trong vụ việc lan truyền thông tin chưa được xác thực cụ thể này, ông Trương Minh Tuấn nhận định: “Thông tin liên quan đến tâm trạng của hàng chục triệu người và công ăn việc làm của hàng chục vạn người lại được đưa một cách cẩu thả không kiểm soát, cơ quan báo chí đã đưa tin liệu có đáng được công chúng tin cậy? Đó là giả định những cơ quan báo chí và các nhà báo đưa tin chỉ cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp. Trong trường hợp có sự câu kết để cố ý tạo thành một chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm “con tin” nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này, gây hại cho doanh nghiệp kia thì trở thành một vấn đề khác. Đó không chỉ là sự bất lương mà còn vi phạm pháp luật”.

Đứng trước tình hình này, vào ngày 20/10 vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã phối hợp với Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết - Bình Thuận, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cùng một số doanh nghiệp nước mắm miền Bắc họp và đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất nước mắm truyền thống do hậu quả từ việc công bố thông tin về nước mắm nhiễm arsen.

Theo đó, các hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan kiểm tra và xử phạt nghiêm hành vi phát tán trái phép danh sách các nhãn hàng nước mắm có hàm lượng arsen, thực chất là không gây hại theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm của Bộ Y tế nhưng gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống.

Các hiệp hội đã cùng thống nhất kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ gây thiệt hại của thông tin mà Vinastas công bố đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống và cảnh cáo để không tiếp tục xảy ra trường hợp tương tự.

Diễn biến và mức độ ảnh hưởng của sự cố truyền thông lần này cho thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của việc công bố thông tin khảo sát, kết quả kiểm nghiệm một cách rõ ràng, đầy đủ, trên cơ sở các kết quả này đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận chính thức. Đồng thời, việc công bố các thông tin có liên quan đến doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng cần phải có một quy trình cụ thể, tránh trường hợp sau khi đã được tiếp nhận một cách mập mờ, các “thông tin chính thức” này mới bắt đầu được giải thích, làm rõ.

>>Cường Phạm và giấc mơ đưa nước mắm Việt ra thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Sự cố nước mắm": Trách nhiệm thuộc về ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO