Sự thê thảm của chứng khoán chỉ ra việc tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gian nan đến mức nào.

Sống mòn

Sự thê thảm của chứng khoán chỉ ra việc tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gian nan đến mức nào.

Chứng khoán Việt Nam là nơi thử thách sự kiên nhẫn của nhà đầu tư, cho đến khi sự nhẫn nại trở thành mòn mỏi, thanh khoản ở mức không thể tưởng tượng nổi, người ta liên tưởng đến tựa đề tác phẩm “Sống mòn” của nhà văn Nam Cao.

Ngày 27/11/2012, chỉ số sàn Hà Nội rơi về đáy cũ, nhưng số điểm không có nhiều ý nghĩa khi tổng hợp giá trị khớp lệnh chỉ nhỉnh hơn 53 tỷ đồng. Thanh khoản của HoSe cũng không khá hơn, 163 tỉ đồng.

Giá trị giao dịch 2 sàn hơn 200 tỉ đồng, không bằng giá trị giao dịch của một bluechips hoặc một cổ phiếu đầu cơ thời điểm bình thường.

Nó cho thấy phần lớn nhà đầu tư đang đứng ngoài thị trường bất chấp sự rẻ mạt của cổ phiếu.

Sự thê thảm của chứng khoán chỉ ra việc tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gian nan đến mức nào. Việc thoái vốn của các khoản đầu tư ngoài ngành sẽ không thể thực hiện bởi không tìm được người mua.

Chứng khoán niêm yết, nơi ít ra sự minh bạch còn có nhiều chỗ đứng, mà người ta còn bỏ rơi, huống hồ những khoản đầu tư ngoài ngành không minh bạch của khối quốc doanh.

Phá băng bất động sản cũng gần như không thể làm được một khi chứng khoán chưa chuyển động. Đã thành quy luật, mỗi khi chứng khoán phục hồi, rồi tăng trưởng, nhà đầu tư chốt lời, lúc đó dòng tiền mới chảy từ cổ phiếu sang bất động sản.

Vì sao ư? Vì hầu hết các công ty niêm yết đều trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan đến bất động sản.

Mới đây trong cuộc họp với các ngân hàng ngày 26/11, cơ quan quản lý yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường xử lý tài sản thế chấp, xem đó như một giải pháp hàng đầu để giảm nợ xấu. Xử lý tài sản đảm bảo, nói thẳng ra là bán nhà đất thế chấp để thu hồi nợ.

Chỉ đạo thế không sai, nhưng cũng không thực hiện được. Nếu bán được, các ngân hàng đã không đợi NHNN thúc giục. Họ muốn thu hồi nợ, giảm nợ xấu lắm chứ, nhưng cách nào?

Bây giờ khi các kênh đầu tư tắc nghẽn, người ta chọn gửi tiết kiệm để hưởng lãi thay vì bỏ vốn làm ăn, mới thấy sự quý giá của tăng trưởng tín dụng thật sự.

Chứng khoán làm sao sống, bất động sản làm sao thở, tiêu dùng làm sao sôi động khi tăng trưởng tín dụng mười tháng đầu năm nay chỉ bằng mức tăng một tháng của những năm 2006-2007.

Tín dụng đã bị thắt quá đà thông qua một công cụ điển hình là lãi suất. Mặt bằng lãi suất cao suốt cả năm ngoái và quý 1 năm nay đã bức tử doanh nghiệp, đến mức khi lãi suất hạ nhiệt, doanh nghiệp không còn sức để hấp thụ nữa.

Lúc mà sức đã tàn, lực đã kiệt, chỉ còn xoay xở để trả nợ, rồi đến khi không trả được nợ nữa, buông xuôi, thì thử hỏi lãi suất có giảm cũng hữu ích gì? Chưa kể dù đã giảm, lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới.

Lãi suất đã bị lợi dụng không chỉ trên “mặt trận” chống lạm phát, nó còn trở thành cánh tay phải đắc lực của chính sách tiền tệ, trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Nếu không có lãi suất cao, khó có thể dồn nén các ngân hàng yếu kém tự nguyện sáp nhập, hợp nhất.

Lãi suất cao là “mồi lửa” mà ở đó những ngân hàng nhỏ và yếu, chủ trương đẩy tín dụng để “đốt cháy giai đoạn” tăng trưởng nhanh, đang bị “hơi nóng” vây quanh. Tác dụng của lãi suất cao là tạo ra hiệu ứng thanh khoản – hai từ được nhắc đến nheiefu nhất trong vòng 15 tháng qua.

Mọi thứ đều có giới hạn. Khi giới hạn của sự mòn mỏi đã điểm, hoặc sẽ có sự bật ngược trở lại, hoặc có sự phá vỡ để dấn về phía trước. Chứng khoán dường như đang trong tình trạng như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống mòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO