Sao cứ phải là chủ đạo?

QUẾ THANH/DNSGCT| 03/11/2013 08:08

Từ trước đến nay, khu vực DNNN đã được hưởng rất nhiều ưu đãi từ các cơ quan nhà nước như chính sách, cơ chế, đất đai, nhà xưởng, tiếp cận vốn, lãi suất… để đóng vai trò chủ lực nhưng hiệu quả mang lại không tương xứng với nguồn lực mà họ được hưởng và ngày càng sa sút, đặc biệt là nếu so với khu vực tư nhân (tính cả FDI).

Sao cứ phải là chủ đạo?

Trong dòng thời sự gần đây, các câu chuyện liên quan đến doanh nghiệp nhà nước như vụ tham nhũng hàng chục tỉ đồng và gây thiệt hại đến hàng trăm tỉ ở Vinalines, hay vụ gây thất thoát tài sản lên đến 500 tỉ đồng tại Công ty cho thuê Tài chính II, còn trước đó là việc Chính phủ phải đứng ra trả nợ thay cho Vinashin hàng trăm triệu đôla Mỹ đã khiến rất nhiều người dân, nhất là những người nghèo, cảm thấy xót xa.

Đọc E-paper

Quan trọng hơn là cảm giác ấy có thể trở thành sự chán chường, khi mà bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, vốn đang được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, được bấm nút thông qua mà vẫn giữ quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo (tại khoản 1, Điều 51 của dự thảo).

Quốc doanh như Vinashin liệu có làm chủ đạo được không? Trong ảnh: Một góc nhà máy đóng tàu Vinashin

Báo Vneconomy ngày 24/10 tường thuật, khi tham gia thảo luận tại tổ Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa. Còn những gì chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn mà ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa, chưa nên đưa vào.

Trên quan điểm này thì quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo cần phải được xem lại và cân nhắc kỹ hơn.

Tại cuộc họp báo ngay trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã giải thích: ”Đương nhiên là kinh tế nhà nước phải chủ đạo. Không thể giao kinh tế tư nhân làm chủ đạo.

Nếu kinh tế nhà nước không chủ đạo thì ai lo công tác đảm bảo an sinh xã hội? Còn các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau, không phân biệt đâu là doanh nghiệp tư nhân, đâu là doanh nghiệp nhà nước, đâu là doanh
nghiệp nước ngoài”.

Thực ra cho đến nay, người viết chưa tìm thấy văn bản pháp luật nào quy định về khái niệm kinh tế nhà nước, chỉ được nghe một số chuyên gia kinh tế giải thích rằng kinh tế nhà nước bao gồm các hoạt động của ngân sách nhà nước, các quỹ có nguồn gốc ngân sách, đất đai, tài nguyên và chủ yếu là hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Trong các cuộc thảo luận tổ, một số đại biểu Quốc hội đồng thời là chuyên gia kinh tế cũng cho rằng không nên nhầm lẫn kinh tế nhà nước với DNNN.

Cách giải thích như trên dường như chưa ổn, bởi DNNN là một thành phần của kinh tế nhà nước, vì thế một khi hiến định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thì người dân cũng đương nhiên hiểu rằng DNNN cũng đóng vai trò chủ đạo.

Còn nếu không muốn có sự nhầm lẫn như lo ngại nêu trên, đồng thời để khẳng định mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, có lẽ trong dự thảo nên ghi rõ “kinh tế nhà nước, chứ không phải DNNN, giữ vai trò chủ đạo”.

Thiết nghĩ, trong những năm qua, thực tiễn đã chứng minh DNNN chưa từng, và trong tương lai, sẽ không thể nào đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Đã có rất nhiều chuyên gia phân tích về điều này, tại các diễn đàn, trên báo chí, có lẽ không cần lặp lại ở đây.

Tuy nhiên, có một điều rất đáng lưu ý là trong bản góp ý cho dự thảo Hiến pháp, đa số thành viên Chính phủ đã ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp lần đầu - là bản dự thảo mà trong đó không hề có cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Điều này cho thấy chính những người gắn bó trực tiếp, quản lý khu vực doanh nghiệp này, cũng thừa nhận là DNNN không nên và cũng không thể giữ vai trò chủ đạo.

Và như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói thì “cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa”, vậy thì dự thảo Hiến pháp cũng nên loại bỏ quy định gây nhiều tranh cãi này.

Quay trở lại với lời giải thích của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nếu kinh tế nhà nước không chủ đạo thì ai lo công tác đảm bảo an sinh xã hội. Thật vậy sao? Dù ở bất kỳ một đất nước nào, không phân biệt chế độ chính trị xã hội, một trong những chức năng chính của nhà nước là chăm lo công tác an sinh xã hội.

Ở những nước phát triển, DNNN đâu có chủ đạo mà các chế độ phúc lợi xã hội vẫn được thực hiện tốt đấy thôi. Đó chính là nhờ nhà nước đã sử dụng hiệu quả các công cụ có trong tay như tiền thuế, các quỹ xã hội… để tái phân phối thu nhập cho các thành viên trong xã hội, đảm bảo sự công bằng tương đối cũng như làm tốt chính sách an sinh.

Có lẽ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhận thấy sự nhầm lẫn trong nhận thức về vấn đề này nên trong bài phát biểu hôm khai mạc Quốc hội (ngày 21/10), ông có nói:

”Nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm đã được đề ra vẫn còn khác nhau dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là về vai trò của nhà nước và kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sở hữu và quyền sử dụng đất đai, giá cả một số mặt hàng và dịch vụ công thiết yếu… chưa tạo được đột phá để huy động mạnh mọi nguồn lực cho phát triển”.

Thực ra, việc quy định ai là chủ đạo không quan trọng, mà điều gây phản đối trong dư luận là cách thức để tạo ra vị trí chủ đạo đó, vì việc này liên quan đến chuyện phân bổ nguồn lực quốc gia vốn còn rất hạn hẹp.

Từ trước đến nay, khu vực DNNN đã được hưởng rất nhiều ưu đãi từ các cơ quan nhà nước như chính sách, cơ chế, đất đai, nhà xưởng, tiếp cận vốn, lãi suất… để đóng vai trò chủ lực nhưng hiệu quả mang lại không tương xứng với nguồn lực mà họ được hưởng và ngày càng sa sút, đặc biệt là nếu so với khu vực tư nhân (tính cả FDI).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sao cứ phải là chủ đạo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO