Quyền riêng tư trên internet tại Việt Nam còn rất yếu

THANH HUYỀN| 05/04/2018 03:14

Dự thảo Luật An ninh mạng nhiều khả năng được Quốc hội thông qua vào tháng 5 tới.

Quyền riêng tư trên internet tại Việt Nam còn rất yếu

TS. Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần xem xét kỹ hơn những nội dung liên quan đến chính sách, đặc biệt là quyền riêng tư của người dùng.

* Số liệu từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam và Bkav cho biết, năm 2017, internet Việt Nam đã bị đe dọa bởi 10.000 vụ tấn công mạng, thiệt hại khoảng 12.300 tỷ đồng. Ông nhận xét thế nào về tình trạng này?

- Không gian mạng rất dễ bị kẻ xấu tấn công hoặc sử dụng để phá hoại, trục lợi, xâm phạm, đe dọa xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, trong khi một đặc điểm thường thấy trong công tác quản trị hành chính ở Việt Nam là thiên về xu hướng bảo vệ lợi ích công hay lợi ích quốc gia, ít coi trọng đến quyền riêng tư của mỗi người.

Thông tin Phó bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - ông Đỗ Trọng Hưng bị tung tin đồn có "bồ nhí" trên mạng xã hội, có thể là fake, là bịa đặt, nhưng lại là ví dụ điển hình, thách thức cơ quan quản lý khi kẻ xấu dùng không gian số, internet, mạng xã hội để tấn công và gây mất ổn định xã hội.

Vấn đề là pháp luật phải bảo đảm cơ hội tạo ra từ không gian số cho các tổ chức, cá nhân sử dụng đồng thời bảo vệ được quyền riêng tư của người dùng.

Quyền riêng tư: Mảng rất yếu ở Việt Nam

TS. Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

* Nhưng đâu mới là vấn đề cần quan tâm nhất, thưa ông?

- Nước ta đã có Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Các chính sách liên quan đến Dự thảo Luật An ninh mạng của nước ta tương đối đầy đủ nhưng cũng có những vấn đề cần phải xử lý, điều chỉnh.

Đầu tiên, việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet như Google, Faceobok phải đặt máy chủ tại Việt Nam trong Dự thảo Luật An ninh mạng là quy định mang tính áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính. Thêm nữa, trong không gian số không có khoảng cách, việc đặt máy chủ ở Việt Nam hay Canada không có khác biệt.

Tuy nhiên, quy định đặt máy chủ ở Việt Nam sẽ làm tăng chi phí rất lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt khâu làm mát và hút ẩm.  Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Kế đó, bảo vệ quyền riêng tư cần được thể hiện rõ hơn trong các quy định chính sách về an  ninh mạng. Trên thực tế, bảo vệ quyền riêng tư đang là một mảng rất yếu ở Việt Nam, trong khi đó nước ta vẫn chưa có cơ quan chuyên về xử lý tranh chấp quyền riêng tư.

Những quy định liên quan đến quyền riêng tư có thể hiện ở một số luật liên quan, nhưng lại bị hạn chế bởi năng lực của các cơ quan thực thi. Do đó, những vướng mắc, kiện tụng liên quan đến quyền riêng tư vẫn chưa được xử lý rốt ráo. Với Dự thảo Luật An ninh mạng, nước ta cần chú trọng hơn đến bảo vệ quyền riêng tư của người dân.

* Như ông nói, đó là lý do doanh nghiệp không mặn mà với kinh tế số?

- Kinh tế số là nền tảng rất thuận lợi cho doanh nghiệp bởi nó không có khoảng cách. Nó tạo ra không gian mới mà các giao dịch ở trên đó, thậm chí dịch vụ được số hóa, chi phí nhân bản gần như bằng 0. Chẳng hạn, một bài hát đưa lên không gian số, người nghe phải trả tiền. Đứng ngoài không gian số, doanh nghiệp không thể kinh doanh thịnh vượng.

Tôi nghĩ, phát triển kinh tế số là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn. Vấn đề đặt ra là pháp luật phải bảo đảm sự tận dụng các cơ hội tạo ra từ không gian số cho các tổ chức, cá nhân phát triển, đồng thời bảo vệ được quyền riêng tư của mỗi người.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyền riêng tư trên internet tại Việt Nam còn rất yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO