Quy luật cạnh tranh nhìn từ chuyện giá vé máy bay

NGỌC ANH/DNSGCT| 18/04/2017 06:23

Việc quy định giá sàn vé máy bay nội địa dù dưới hình thức nào cũng không phù hợp với Luật Cạnh tranh năm 2014?

Quy luật cạnh tranh nhìn từ chuyện giá vé máy bay

Hàng không giá rẻ hiện đang là xu thế được sự đồng tình, hưởng ứng của hành khách và cũng là một hướng kinh doanh mang lại nhiều ưu thế cho nhiều hãng máy bay.

Đọc E-paper

Đối với các hãng máy bay truyền thống, mức giá cao của khoang phổ thông chỉ chiếm 10% tổng số vé bán, mức giá thấp chiếm tới 60%, giá thấp như thế nào tùy từng hãng, tùy thời điểm và cách kinh doanh bảo đảm lợi nhuận mà không vi phạm luật cạnh tranh.

Điều này đã không còn xa lạ khi các hãng máy bay với chương trình khuyến mãi có khi đưa giá vé xuống đến mức 0 đồng. Tất nhiên hành khách phải chịu các khoản thuế theo quy định của nhà nước, nhưng đều nằm trong các quy định về khuyến mãi giảm giá của Luật Thương mại. Đây chẳng qua là hình thức đa dạng hóa trong kinh doanh hàng không.

Vậy mà mới đây Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức lấy ý kiến các hãng hàng không về một dự thảo liên quan đến khung giá vận chuyển hàng không hạng phổ thông trên các đường bay nội địa, nhằm thay thế cho một quyết định hiện hành.

Trong khi Cục hàng không đề xuất tăng giá trần của vé hiện nay lên 7 – 16% thì Vietnam Airlines và hãng Jestar Pacific có văn bản góp ý gửi Bộ Giao thông Vận tải về khung giá vé máy bay. Theo đó Hãng hàng không Quốc gia đề xuất giá vé hạng phổ thông thấp nhất (tức giá sàn) cho một chuyến bay nội địa là 1,54 triệu đồng, cao nhất (giá trần) là 4,2 triệu đồng. Jestar Pacific cũng kiến nghị áp dụng giá sàn từ 0,6 đến 1,2 triệu đồng tùy theo chặng bay.

Lý do các hãng này đưa ra là mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa đã tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không Việt Nam đã phải liên tục giảm giá vé, có khi thấp hơn cả giá thành để thu hút khách. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững không chỉ các hãng hàng không mà còn cả ngành hàng không.

Các hãng này cho rằng, có khi mức giá của hàng không thấp hơn đường sắt, đường bộ có thể tạo ra sự mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác. Đó là chưa kể tỷ giá đồng ngoại tệ đang tăng sẽ khiến chi phí đầu vào tăng, gây khó cho hoạt động các hãng hàng không.

>>Beeline “biến mất” vì cạnh tranh bằng giá rẻ?

Không đồng tình với lập luận này, VietJet Air – hãng hàng không giá rẻ rất thành công trong các chương trình khuyến mãi – cho rằng việc quy định giá sàn vé máy bay nội địa dù dưới hình thức nào cũng không phù hợp với Luật Cạnh tranh năm 2014. Đó là chưa kể trên thế giới quy định giá sàn cho vé máy bay không còn phổ biến trong điều kiện tự do kinh doanh.

Tranh luận vẫn còn diễn ra thì Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa trong một cuộc họp nội bộ của ngành hôm 7/4 đã bày tỏ quan điểm của bộ này rất rõ ràng: Không thay đổi quy định hiện nay về giá vé máy bay mà phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về điều hành bay.

Ông nhấn mạnh: “Hãng hàng không có thể giảm giá vé được thì tại sao không cho giảm? Công việc của quản lý nhà nước là kiểm tra, kiểm soát xem việc giảm giá, tung giá rẻ, giá khuyến mãi có phù hợp không, cách thức triển khai đã đúng pháp luật chưa?”.

Ý kiến của người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải khiến chúng ta nghĩ đến kiến nghị của ngành taxi liên quan đến hoạt động của 2 hãng Uber và Grap, cũng đang kinh doanh dịch vụ vận chuyển giá rẻ mà họ cho rằng gây thiệt hại cho các hãng taxi truyền thống và người lao động.

Phải chăng quy luật cạnh tranh đang bị thách thức bởi những cố gắng lobby chính sách quản lý nhà nước nhằm bù đắp cho những yếu kém về mặt quản trị doanh nghiệp? Chính sách nào cũng vậy, đều phải đứng trên 2 chân là quyền lợi của người dân và lợi ích của nhà nước. Đi lệch hướng này là quy luật cạnh tranh sẽ bị thách thức trước lợi ích cục bộ.

>>5 biện pháp cải thiện khả năng cạnh tranh cho nhà cung cấp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quy luật cạnh tranh nhìn từ chuyện giá vé máy bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO