Quản lý nửa vời và món nợ 181.000 tỷ đồng

ANH THƯ| 30/07/2009 07:35

Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán năm 2008, kết quả 224/318 DN thành viên thuộc 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy nhiều DN ngập trong nợ nần.

Quản lý nửa vời và món nợ 181.000 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố kết quả kiểm toán năm 2008. Kết quả kiểm toán 224/318 DN thành viên thuộc 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy nhiều DN ngập trong nợ nần.

Kết quả kiểm toán năm 2008: "224/318 DN thành viên thuộc 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy nhiều DN ngập trong nợ nần."

Cho dù 208 DN kinh doanh có lãi, 16 DN lỗ, được xem là vẫn “ăn nên làm ra” trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song tổng số nợ của các DN nhà nước vẫn lên tới 181.000 tỷ đồng! Kết quả kiểm tra của 224 đơn vị thành viên thuộc 16 tập đoàn tổng công ty, số DN làm ăn thua lỗ chiếm gần 10%; tỷ lệ bình quân phải thu trên tổng tài sản là 10,8% và trên vốn chủ sở hữu là 29,03%; tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn bình quân hơn 60%.

Những món nợ khổng lồ ấy thật đáng lo ngại, nhưng theo KTNN, điều lo ngại nhất lại là hầu hết các báo cáo tài chính của các DN, tổ chức tài chính, ngân hàng... bị sai lệch, không phản ánh đúng thực tế tài sản, chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh. Những đơn vị được KTNN điểm mặt gồm một loạt các DN hùng hậu nhất: Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn...

Báo cáo không đúng thực tế cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng chi tiêu tiền ngân sách trong các DN nhà nước vẫn hết sức lãng phí. KTNN đã phải kiến nghị giảm chi 2.731 tỷ đồng, các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý để nộp vào kho bạc 616 tỷ đồng; các khoản phải nộp và hoàn trả cho ngân sách 7.715 tỷ đồng.

Theo đánh giá, những hạn chế trong việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án chính là thủ phạm gây thất thoát của công. Có những dự án phải thay đổi tổng mức đầu tư, tổng dự toán nhiều lần. Có dự án quyết định đầu tư nhưng không có tiền để triển khai; chọn địa điểm xây dựng không phù hợp, phải dừng cả dự án. Ngoài ra, tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún chậm được khắc phục dẫn đến tình trạng có dự án phải kéo dài gần 20 năm!

Có ai sẽ bỏ vốn đầu tư vào một DN mà không rõ lấy tiền đi đâu, làm gì, nợ chồng chất? Đó là câu hỏi về những bất hợp lý trong quản lý vốn DN nhà nước: phân tán quyền sở hữu cho quá nhiều cấp làm cho tài sản nhà nước bị xé nhỏ, manh mún; người đại diện chủ sở hữu đồng thời là người chủ quản quản lý...

Nhà nước giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) nhằm xóa bỏ triệt để tình trạng nhiều cấp, nhiều ngành quản lý vốn nhà nước, đồng thời quản lý vốn theo những tiêu chí của kinh tế thị trường một cách linh hoạt hơn. Tuy nhiên, thực tế SCIC đang phải quản lý một khối tài sản quá phân tán, quản lý gần 900 đầu mối ở khắp 63 tỉnh, thành phố. Mặt khác, hiện nay có đến hơn 3.000 DN nhà nước cổ phần hóa rồi nhưng mới giao cho SCIC khoảng gần 900.

Tình trạng quản lý nửa vời này nếu không khắc phục thì món nợ của các DN nhà nước cũng như tình trạng báo cáo mập mờ còn tiếp tục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản lý nửa vời và món nợ 181.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO