Phí, phụ phí vận tải biển: Cần đưa về mức hợp lý

HẢI VÂN thực hiện| 13/04/2017 06:46

Cần sớm xem xét để đưa các loại phí, phụ phí vận tải biển và các loại phí, phụ phí khác về mức hợp lý".

Phí, phụ phí vận tải biển: Cần đưa về mức hợp lý

Ông Phan Thông - Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho rằng "Cần sớm xem xét để đưa các loại phí, phụ phí vận tải biển và các loại phí, phụ phí khác về mức hợp lý".  

Đọc E-paper

* Trước việc các doanh nghiệp phản ánh nhiều mức phí, phụ phí vận tải biển không hợp lý, ý kiến của ông thế nào?

- Phí, phụ phí vận tải biển gây khó cho doanh nghiệp suốt cả thời gian dài trong khi đơn hàng vận chuyển không tăng. 2 năm gần đây, đã có một vài biện pháp xử lý nên phần nào giảm bớt những bất cập ấy, nhưng vẫn tồn tại tình trạng nhiều loại phí, phụ phí bất hợp lý, mức thu cao. Có lúc chỉ trong vòng 8 tháng, một container thủy sản vận chuyển đi Bắc Mỹ tăng từ 2.300 lên 3.900 USD, trong đó có nhiều khoản phụ phí doanh nghiệp không nhận được hóa đơn, chứng từ.

Chưa hết, doanh nghiệp đang phải chịu nhiều khoản phí, phụ phí do cơ quan nhà nước và địa phương đặt ra. Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có liên quan đến xuất nhập khẩu mới đây đã đồng loạt "cầu cứu" Thủ tướng về mức thu phí hạ tầng biển của Hải Phòng.

Theo tính toán của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, nếu mỗi tháng xuất nhập 150 - 400 container loại 40 feet thì các doanh nghiệp sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đến 2,4 tỷ đồng một năm cho chi phí này, chưa kể chi phí đi lại và chờ đợi làm thủ tục.

Tình trạng phí, phụ phí tăng cao và bất hợp lý kéo dài khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu càng gặp khó do thu không bù nổi chi, trong khi vốn vay ngân hàng vẫn phải trả lãi suất định kỳ.

* Ông có thể nói rõ hơn về phí, phụ phí vận tải biển hiện nay?

- Chủ tàu vẫn tự tính và đưa ra mức phí, phụ phí cho chủ hàng. Các hãng tàu nước ngoài lạm thu cước phí cảng biển là có thật, chẳng hạn thay vì chỉ thu khoảng 40 USD/container thì đã thu tới 100 USD/container.

Thậm chí, các khoản phí như phí vệ sinh container hay phí khai báo hải quan, phí người nhận, dù các doanh nghiệp đều cho là bất hợp lý nhưng vẫn phải trả đủ nếu muốn được nhận hàng. Do đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang phải cõng chi phí rất cao trong bối cảnh thị trường thu hẹp.

* Chính phủ đã ban hành Nghị định 146 liên quan đến việc phải công khai các loại phí. Theo ông, văn bản này có đủ sức xử lý vấn đề phí, phụ phí hiện nay?

- Đó là một trong những giải pháp để hạn chế việc đưa ra những loại phí, phụ phí bất hợp lý. Lâu nay, một số hãng tàu công khai nội dung các loại phí, nhưng vấn đề ở chỗ công khai mức độ nào, cập nhật thông tin đến đâu. Hơn nữa, việc các chủ tàu đưa ra mức phí đó có hợp lý không, phù hợp với thị trường Việt Nam không và thời điểm các chủ tàu đưa ra mức phí đó thì họ thương lượng với chủ hàng như thế nào. Vấn đề doanh nghiệp quan tâm là sự phù hợp, tính minh bạch của các loại phí.

Tôi nghĩ, việc đưa ra phí, phụ phí phải giúp cho thị trường tăng trưởng, kinh doanh của chủ tàu và doanh nghiệp cùng phát triển, chứ không phải chỉ có các hãng tàu thu tiền còn gánh nặng lại đổ lên đầu chủ hàng. Nghị định 146 đã xử lý được một phần vấn đề ấy, nhưng cần phải có những quy định cụ thể, đi sâu vào chi tiết từng loại phí và xác định rõ loại phí, phụ phí nào phù hợp với thị trường Việt Nam.

Cách thức thương lượng về phí, phụ phí giữa các hãng tàu và chủ hàng cũng cần có những văn bản quy định cụ thể. Vì vậy, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam vẫn tiếp tục kiến nghị để tất cả các loại phí, cước vận tải biển được minh bạch, ổn định.

* Cám ơn ông!

Khi giao nhận hàng hóa, các công ty xuất nhập khẩu phải trả các khoản phí và phụ phí:

- Phí: Handling, chứng từ, C/O, lệnh giao hàng D/O, AMS cho hàng hóa đến Mỹ, Canada, ANB cho hàng hóa đến Mỹ, Canada, B/L xác định hàng hóa vận tải đường biển, đường hàng không, CFS cho dỡ lô hàng lẻ từ container đưa vào kho, chỉnh sửa nội dung B/L, chạy điện hàng lạnh tại cảng, chuyển phát nhanh qua DHL, FedEx hay UPS, thu hộ cước hàng nhập IFB, cân container.

- Phụ phí: Biến động giá nhiên liệu, biến động tỷ giá ngoại tệ, thay đổi nơi đến, giao hàng tại cảng đến, qua kênh đào Panama, qua kênh đào Suez, tắc ngẽn cảng, mùa cao điểm, xếp dỡ tại cảng.

>Vận tải biển thế giới: "Đắm tàu" vì Trung Quốc

>Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư cảng biển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phí, phụ phí vận tải biển: Cần đưa về mức hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO