Phát triển thị trường điện cạnh tranh: Khẩn trương tái cơ cấu EVN

PGS-TS. NGUYỄN MINH DUỆ (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam)| 30/12/2015 06:25

Phát triển thị trường điện cạnh tranh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường, mang lại lợi ích chung cho người cung cấp và người tiêu thụ điện.

Phát triển thị trường điện cạnh tranh: Khẩn trương tái cơ cấu EVN

Phát triển thị trường điện cạnh tranh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường, mang lại lợi ích chung cho người cung cấp và người tiêu thụ điện. 

Đọc E-paper

Tuy nhiên, theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình này phải trải qua 3 cấp độ từ năm 2005 đến 2023 là quá dài, các cấp độ thực hiện không có sự đan xen, xong cấp độ này mới chuyển sang cấp độ khác. Như vậy, phải sau gần 20 năm thực hiện, đến năm 2023, Việt Nam mới có được thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Thực chất đây được xem là một dự án đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong ngành điện nhằm chuyển đổi từ cơ chế hoạt động độc quyền lạc hậu kém hiệu quả sang cơ chế thị trường cạnh tranh hiện đại. Đành rằng, hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh ở nước ta là phức tạp và mới mẻ, tuy nhiên nếu không có giải pháp khẩn trương thì những hậu quả xấu của cơ chế độc quyền vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, sẽ gây nên những tổn thất khôn lường cho ngành điện và nền kinh tế.

Hiện nay, việc quản lý thị trường điện của Nhà nước, mà chủ yếu là Bộ Công Thương còn hạn chế về việc xây dựng mô hình, tổ chức, cơ chế hoạt động và giao dịch giữa các đối tượng mua bán điện. Sau gần 10 năm nghiên cứu và thực hiện, thị trường phát điện cạnh tranh vẫn chưa có mô hình đúng theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh: hiệu quả, bình đẳng, lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện.

Hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị chiếm phần chi phối lớn nhất trong khâu phát điện, Tổng công ty Mua bán điện, đơn vị vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường đều thuộc EVN. Trong Điều 19 Luật Điện lực quy định phải có: đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, chịu trách nhiệm điều hòa, phối hợp mua bán điện và dịch vụ phụ trợ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đơn vị này mà EVN điều hành hết thảy.

"Vấn đề vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn của EVN là quá trình xử lý văn bản của các bộ, ngành liên quan. Dù nghị định hướng dẫn thông thoáng nhưng thời gian xử lý việc thoái vốn ở các ngành, lĩnh vực như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng… thường rất lâu. Có thời điểm 3 tháng các cơ quan này mới ra được một văn bản, sau đó lại yêu cầu bổ sung văn bản liên quan, trong khi Chính phủ chỉ đạo phải làm nhanh", theo ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN.

Sự hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh là cần thiết, đúng theo quan điểm của Chính phủ và Luật Điện lực. Đề án tái cơ cấu EVN đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1782/QĐ-TTg giai đoạn 2012 - 2015, có hai nội dung cần làm ngay.

Thứ nhất, tách các tổng công ty phát điện (GENCO) ra khỏi EVN và cổ phần hóa, hoạt động độc lập với EVN. Yêu cầu trước tiên để thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh là các nhà máy điện tham gia thị trường phải bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các nhà máy điện thuộc EVN và các nhà máy điện thuộc các ngành khác như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam,...

Muốn vậy, ngoài một số nhà máy điện lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, Nhà nước tiếp tục nắm giữ, cũng như phải tổ chức lại các nhà máy điện thuộc EVN thành một số tổng công ty phát điện độc lập với EVN.

Ngay cả đối với các nhà máy điện khác thuộc sở hữu nhà nước cũng nên tổ chức lại thành các tổng công ty phát điện. Trước mắt các công ty phát điện này do Nhà nước sở hữu, sau đó sẽ cổ phần hóa để thu hút các nguồn vốn khác vào khâu phát điện. Giải pháp này thực hiện sớm sẽ tạo điều kiện phát triển thị trường phát điện cạnh tranh.

Thứ hai, tách các đơn vị tổng công ty mua bán điện (SB), điều độ hệ thống điện quốc gia (SO) ra khỏi EVN. Các tổ chức này có vai trò quyết định tính minh bạch đối với các thành viên tham gia thị trường điện cạnh tranh, rõ ràng không thể nằm trong một đơn vị vừa điều hành, vừa tham gia thị trường, cần tách khỏi EVN.

Cạnh đó, cần thành lập đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực dưới sự quản lý của Bộ Công Thương. Cùng với đó, để thực hiện thị trường bán buôn, bán lẻ cạnh tranh cần tổ chức lại các tổng công ty điện lực các miền, các tỉnh thành những công ty kinh doanh bán buôn, bán lẻ theo cơ chế thị trường cạnh tranh.

Việc thực hiện thị trường bán buôn, bán lẻ điện canh tranh tới đây sẽ mở rộng sự tham gia đối với các đợn vị trong và ngoài EVN. Hiện EVN đang nắm giữ hầu như toàn bộ bán buôn và bán lẻ điện. Theo xu hướng phát triển thị trường cạnh tranh, khâu phân phối và bán lẻ, các công ty cần được cổ phần hóa và hoạt động độc lập; khách hàng có quyền lựa chọn nhà cung cấp điện.

>Xóa bỏ độc quyền ngành điện: Vẫn còn những nỗi lo

>Chính sách hấp dẫn, ngành điện sẽ có đầu tư tư nhân

>Vốn trong ngành điện và bài toán giá

>Các yêu cầu đối với tái cơ cấu ngành điện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển thị trường điện cạnh tranh: Khẩn trương tái cơ cấu EVN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO