Phá vòng luẩn quẩn

TS.TRẦN DU LỊCH - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách - tiền tệ Quốc hội| 11/10/2012 05:13

Năm 2012 quá khó khăn, do tích tụ những khó khăn của năm trước cộng thêm nhiều thay đổi trong chính sách điều hành nền kinh tế vĩ mô, khiến doanh nghiệp (DN) đã không còn sức đề kháng mà chết dần.

Phá vòng luẩn quẩn

Năm 2012 quá khó khăn, do tích tụ những khó khăn của năm trước cộng thêm nhiều thay đổi trong chính sách điều hành nền kinh tế vĩ mô, khiến doanh nghiệp (DN) đã không còn sức đề kháng mà chết dần.

Đọc E-paper

Làm nhiều, kết quả ít


Ngay từ đầu năm, Chính phủ đưa ra thông điệp tập trung ổn định vĩ mô, nhưng vẫn chưa tạo được niềm tin cho thị trường về triển vọng một nền kinh tế ổn định. Kỳ vọng lạm phát cao, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa theo tinh thần Nghị quyết 11 (áp dụng từ quý I/2011). Kết quả, tổng cầu của nền kinh tế giảm nhanh; thể hiện qua mức tăng GDP quý I/2012 chỉ có 4% (chỉ bằng khoản 2/3 mức tăng của quý IV/2011).

Sang quý II, Chính phủ triển khai Nghị quyết 13 nhằm kích thích tăng tổng cầu và hỗ trợ thị trường với các biện pháp như giãn thời gian nộp thuế thu nhập DN cho một số đối tượng; hoãn nộp tiền sử dụng đất năm 2011 cho DN bất động sản. Chính sách tiền tệ tiếp tục thận trọng theo chiều hướng xem xét tín hiệu chỉ số CPI và có 5 lần giảm lãi suất huy động tiền gửi; kéo giảm lãi suất cho vay; đồng thời tập trung xử lý thanh khoản của NHTM thông qua việc bơm thêm tiền cho hệ thống bằng các công cụ của NHNN. Ổn định tỷ giá VNĐ, tăng dự trữ ngoại hối.

Chính sách tài khóa nỗ lực thực hiện giải ngân theo kế hoạch; tăng lương cơ bản vào 1/5/2012 và nới lỏng đầu tư công theo mức bộ chi ngân sách và phát hành trái phiếu trong kế hoạch. Có những nỗ lực trong việc giải quyết tín dụng cho DN trong một số lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, nông nghiệp... Tuy nhiên, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đã dừng lại trong quý I và đã tăng trở lại từ quý II, dù mức tăng khá yếu ớt: GDP quý I tăng 4%; quý II tăng 4,66%; ước quý III tăng 5,6% và ước cả năm 2012 tăng 5,3-5,5%.

Lãi suất khó có thể giảm sâu hơn, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Kế hoạch tăng dư nợ tín dụng cả năm từ 8 - 10% như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tuyên bố trước đây khó có thể đạt được. Tình trạng nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải nhất trong vấn đề kinh tế vĩ mô hiện nay, nên khả năng hấp thụ tín dụng của DN là rất hạn chế. Chín tháng đầu năm, có hơn 40 ngàn DN giải thể hoặc dừng hoạt động, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011.

Cách nào để cứu vãn?


Những khó khăn trước mắt sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2013. Do đó, trong năm 2013, kinh tế nhìn chung vẫn ở trong trạng thái trì trệ. Muốn cải thiện, Chính phủ phải có những thay đổi trong chính sách điều hành vì tình hình hiện nay khác rất nhiều so với khủng khoảng năm 2009. Cái gốc của vấn đề hiện nay là tổng cầu giảm mạnh nên không thể áp dụng biện pháp như 2009 được. Hơn nữa, phải xác định rõ, bất ổn hiện nay có lỗi của DN chứ không chỉ do Nhà nước và NH. DN cũng phải chịu trách nhiệm một phần vì đầu tư thiếu chiến lược, bốc đồng, đánh lẻ trong thời gian qua.

Cách đây mấy tháng, NHNN đưa ra việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia thì dư luận bàn nhiều quá nên NHNN im luôn. Tuy nhiên, phải nhìn nhận quan điểm người ta nói đúng, phải có dòng tiền từ bên ngoài chứ bản thân NH không làm được. Đã đến lúc phải phá được vòng luẩn quẩn: tăng nợ xấu - DN không vay được tiền, không trả nợ được - nợ xấu lại tăng...

Bản thân NH phải làm 2 điều, đó là NH phải lập quỹ dự phòng rủi ro nợ xấu, không để tình trạng “lời giả lỗ thật”. Khi giảm được rủi ro một phần khối nợ xấu được bảo đảm. Thứ 2, NHNN phải có chỉ đạo chuẩn về tín dụng, cho phép NHTM chủ động hơn trong việc khoanh nợ. Một khi NHTM có thể chủ động, không bị ghép vào tội danh “cố ý làm trái” thì DN mới tháo được khó khăn. Một điều đáng tiếc hiện nay là Quỹ Bảo lãnh tín dụng Trung ương hoạt động rất kém hiệu quả. Do vậy, để cứu DN cũng như NH thoát khỏi mớ bòng bong thì NHNN phải nâng cao vai trò trách nhiệm của tổ chức này lên.

Bên cạnh đó, phải hạn chế sự thật đau lòng đang tồn tại kiểu NH và DN mất niềm tin vào nhau. Ví dụ, một DN ngành nhựa nói rằng: “Chúng tôi làm ngành nhựa, nhưng muốn vay được vốn NH thì công ty phải trích khoảng 5-7 tỷ đồng để mua một căn nhà, căn hộ nào đó. Sau đó, dùng tài sản này thế chấp vay tiền chứ không còn cách nào vay tiền”. NHTM phải kiểm soát được tín dụng sau khi ra khỏi NH. Phải cho vay đúng địa chỉ, không kiểm soát thái quá dòng vốn sẽ khơi thông, mọi vấn đề được gỡ. Được vậy, năm 2013 tình hình sẽ êm dịu hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phá vòng luẩn quẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO