Nợ công sẽ dừng ở mức 65% GDP?

HẢI VÂN thực hiện| 07/06/2017 06:27

Với cách chi tiêu ngân sách hiện nay, không có gì đảm bảo nợ công sẽ dừng lại ở con số 65% GDP.

Nợ công sẽ dừng ở mức 65% GDP?

TS. Vũ Đình Ánh - Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) nói rằng: "Nợ công quá giới hạn an toàn sẽ trực tiếp tác động đến cân đối ngân sách nhà nước và gián tiếp tác động đến toàn bộ các vấn đề kinh tế, xã hội".  

Đọc E-paper

* Về đỉnh nợ công mà Bộ Tài chính cho là sẽ rơi vào năm 2017 - 2018, ông nhận xét thế nào?


- Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là quy mô nợ, trong đó có giới hạn an toàn, tức không quá 65% GDP. Thế nhưng Bộ Tài chính dự báo 2017 - 2018, nợ công đạt đỉnh 65% GDP cho thấy dù đã cố gắng kiềm chế, kiểm soát nhưng nợ công vẫn tiếp tục tăng.

Về nguyên tắc nợ công tăng đến đỉnh sẽ đứng ở đỉnh hoặc giảm xuống. Nhưng với cách chi tiêu ngân sách hiện nay, không có gì đảm bảo nợ công sẽ dừng lại ở con số 65% GDP.

Kế đến là nghĩa vụ trả nợ. Thông thường khi quy mô nợ công tăng lên thì nghĩa vụ trả nợ lãi cũng tăng theo. Hiện nay, quy mô trả nợ lãi đã vượt giới hạn an toàn của chi thường xuyên (bây giờ chi trả nợ được đưa vào chi thường xuyên).

Quy mô nợ công tăng, trong đó có một phần không nhỏ dành để trả nợ gốc, mà phần trả nợ gốc nằm trong cân đối ngân sách nhà nước hằng năm. Cho nên khi nghĩa vụ trả nợ tăng, trả nợ gốc cũng tăng sẽ gây áp lực lên các khoản chi khác trong bối cảnh chi rất ít cho đầu tư và không cắt giảm được chi thường xuyên.

Chưa hết, chi trả nợ gốc tăng cũng làm tăng thâm hụt ngân sách trong tổng cân đối ngân sách nhà nước. Thâm hụt ngân sách mấy năm gần đây không còn giữ được mức 5%, từ năm 2013, 2014, 2015 đều đã tăng trên 6%. Đến năm 2018 mới có quyết toán của 2016, nhiều khả năng thâm hụt ngân sách 2016 không dưới 6%.

* Như ông nói, nước ta đã cố gắng kiềm chế nợ công, nhưng nhìn vào thực trạng nền kinh tế hiện nay, các giải pháp này đã không đem lại hiệu quả như mong muốn.

- Kiểm soát nợ công liên quan đến lý do tăng nợ công và hạn chế tốc độ tăng quy mô nợ công. Nếu tăng quy mô nợ công, phải nhìn xem cái gì tăng.

Tháng 10/2016, Quốc hội thông qua kế hoạch cải cách kinh tế tới 2020. Theo đó, thâm hụt ngân sách năm 2020 giảm còn 3,5% GDP và nợ công không vượt quá 65% GDP, trong đó nợ chính phủ không vượt quá 54% GDP.

Trong nợ công của nước ta có 3 bộ phận: nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Tăng nhanh nhất trong nợ công là vay nợ chính phủ. Mới đây, giới hạn an toàn nợ chính phủ buộc phải điều chỉnh từ mức 50 lên 55% GDP do năm 2016 đã vượt trần, tăng lên mức 52,3% GDP.

Trong khi đó, nợ chính phủ bảo lãnh chủ yếu là cho các doanh nghiệp nhà nước, các công trình doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư. Quy mô vay bảo lãnh chính phủ hiện nay khoảng 25 tỷ USD, chiếm khoảng 1/5 tổng số khoảng trên 130 tỷ USD nợ công. Còn nợ của chính quyền địa phương vẫn ở mức thấp, hiện chỉ chiếm 1% trong tổng nợ công.

* Nhưng tại sao lại không giữ được trần nợ chính phủ?

- Chính phủ vay nợ là để bù đắp thâm hụt ngân sách. Mục tiêu thâm hụt ngân sách thường ở mức 5% GDP, nhưng năm nào cũng trên 6%, thậm chí có năm gần 7% GDP. Nếu thâm hụt mức 6% thì phải đi vay phần vượt trần và phải trả cả nợ gốc lẫn phần mới vay. Nước ta vẫn vay ODA hoặc thương mại để đầu tư do nguồn từ ngân sách nhà nước hạn chế.

Tuy nhiên, Việt Nam sắp hết thời hạn được vay ưu đãi ODA bởi năm 2018 sẽ chính thức trở thành nền kinh tế thị trường và trước đó, năm 2015 đã là nước có thu nhập trung bình thấp. Hiện WB, ADB và Nhật Bản là 3 chủ nợ ODA lớn nhất của Việt Nam. Cũng có thể đây là lý do để Bộ Tài chính tin rằng vay nợ để đầu tư sẽ giảm từ 2018. Tuy nhiên, đó chỉ là nhìn về bề mặt. Tới đây, khi Chính phủ chủ trương không bảo lãnh vay nợ, phần vay này có thể giảm nhưng phần đã bảo lãnh lại không trả được trong khi Chính phủ có nghĩa vụ phải trả cả gốc và lãi. Khó nhất là Chính phủ phải giải quyết hậu quả nợ trong bối cảnh không có nguồn trả nợ.

>>Phía sau quyết định tăng ngân sách quốc phòng của Nhật

Theo Luật Ngân sách, từ năm tài chính 2017, ngân sách mỗi một tỉnh được phép thâm hụt theo giới hạn nhất định so với tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Điều này làm thay đổi tỷ trọng nợ của chính quyền địa phương trong nợ công.

Nhưng tới đây, phần nợ bảo lãnh có thể không tăng nhưng phần nợ của chính quyền địa phương sẽ tăng, kể cả nợ công khai và nợ không công khai. Rốt cuộc, trong điều kiện ngân sách nhà nước đã thống nhất từ trung ương đến địa phương, toàn bộ nợ của địa phương, kể cả ngầm và công khai, sẽ lại dồn hết vào nợ của ngân sách nhà nước. Đã có nhiều trường hợp ngân sách trung ương phải trả nợ cho địa phương mà Hà Giang là một ví dụ.

* Việc xác định đỉnh nợ công như vậy mang ý nghĩa gì?

- Là căn cứ để xây dựng giới hạn nợ an toàn. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để giữ nợ công dưới giới hạn an toàn và làm gì để nợ công không vượt qua giới hạn an toàn.

* Cám ơn ông!

>>PBOC: Trung Quốc có thể tăng trần thâm hụt ngân sách trên GDP lên 4%

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ công sẽ dừng ở mức 65% GDP?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO