Những xu hướng chi phối ngành chế biến thực phẩm

BÍCH TUYỀN/DNSGCT| 01/06/2016 06:49

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm tại thị trường Việt Nam trong tương lai sẽ theo xu thế phát triển của xã hội công nghiệp.

Những xu hướng chi phối ngành chế biến thực phẩm

Việt Nam đang được xem là một trong những thị trường tiêu dùng triển vọng nhất châu Á đối với ngành chế biến thực phẩm và đồ uống. Tuy nhiên, trước làn sóng doanh nghiệp ngoại ồ ạt đầu tư vào nước ta, làm thế nào để doanh nghiệp nội tạo được lợi thế cạnh tranh khi sản xuất trong nước vẫn theo kiểu thô sơ, chưa đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm và nhu cầu người tiêu dùng… sẽ là những thách thức lớn của ngành hiện nay.

Đọc E-paper

Tại diễn đàn cấp cao của ngành sản xuất thực phẩm diễn ra ở TP.HCM ngày 19/5, ông Châu Thịnh Lân - Giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Việt Ấn nhận định, xu hướng tiêu dùng thực phẩm tại thị trường Việt Nam trong tương lai sẽ theo xu thế phát triển của xã hội công nghiệp. Theo đó, người tiêu dùng sẽ giảm sử dụng các sản phẩm thực phẩm theo lối truyền thống để chuyển dần sang các sản phẩm chế biến sẵn.

Riêng đối với thực phẩm chế biến ăn liền vẫn còn dư địa lớn, đây là phân khúc mà các doanh nghiệp nhỏ có thể tránh việc cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp lớn để có thể đi thẳng vào các kênh phân phối bán lẻ.

Xu hướng chế biến sẵn cũng đã xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường nước chấm và gia vị. Các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước liên tục tạo ra những sản phẩm mới theo hướng pha trộn sẵn, mang đến sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người dùng. Do đó, để cạnh tranh được trên thị trường, các doanh nghiệp nội phải tạo ra sự khác biệt thì mới có được phân khúc thị trường riêng.

Các chuyên gia nhận định, các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ cũng sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo ông Lân, nước ta có lợi thế để sản xuất các sản phẩm hữu cơ. Dù sản lượng của những sản phẩm này có thể không cao như sản phẩm công nghiệp nhưng giá trị gia tăng có thể gấp 5 lần. Đây sẽ là hướng đi cho các doanh nghiệp Việt muốn tránh cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn lớn.

Theo nhiều chuyên gia, thách thức lớn của ngành công nghiệp thực phẩm hiện nay ngoài việc sản xuất vẫn mang tính thủ công, chưa tinh chế sâu, chủ yếu cạnh tranh về giá, mạng lưới phân phối thiếu tính liên kết; vấn nạn sử dụng chất phụ gia, tẩy trắng, thuốc kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng xuất khẩu và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp.

Để gia tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, Phó giáo sư Chutima Waisaravutt (Đại học Kasetsart, Thái Lan) cho rằng, doanh nghiệp cần lắng nghe và thấu hiểu người tiêu dùng. Theo bà Chutima, người tiêu dùng hiện nay coi thực phẩm không chỉ để đưa vào dạ dày mà còn là phong cách sống. Bên cạnh đó, với sự phát triển của các ứng dụng công nghệ thông tin vào thương mại điện tử, thói quen mua hàng của người dùng cũng thay đổi. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có thể trực tiếp phân phối các sản phẩm của mình đến khách hàng qua internet. Tuy nhiên, cần hoàn thiện khâu tiếp thị sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và giao nhận.

Rõ ràng, để nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp thực phẩm nội sẽ còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc đầu tư vào khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), đẩy mạnh công nghệ. Theo các khảo sát, đầu tư cho R&D trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống thấp hơn so với các lĩnh vực khác từ 0,3 đến 0,8%.

>Thực phẩm organic: Khả quan chờ khả thi

>Cơ hội cho ngành thực phẩm đồ uống

>Thái Lan đầu tư gần 7 tỷ USD vào công nghiệp chế biến của Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những xu hướng chi phối ngành chế biến thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO