Những ẩn số sắp tới của vàng

LÊ DUY KHÁNH/DNSGCT| 17/05/2013 06:07

Dư luận thời gian qua chóng mặt vì những phát ngôn bất nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về mục tiêu can thiệp vào thị trường vàng.

Những ẩn số sắp tới của vàng

Dư luận thời gian qua chóng mặt vì những phát ngôn bất nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về mục tiêu can thiệp vào thị trường vàng. NHNN tỏ ra rất “linh động” điều chỉnh, ban đầu là kéo giá vàng trong nước tiệm cận về giá vàng thế giới, sau đó chuyển sang bình ổn giá vàng, còn hiện nay NHNN lại cho rằng họ đang bình ổn thị trường chứ không phải bình ổn giá.

Đọc E-paper

Còn kết quả thực tế thì sau một năm triển khai Nghị định 24 và hơn một tháng triển khai đấu thầu vàng, thành công lớn nhất và đã đạt mục tiêu của chương trình này là thị trường không còn những con sốt, theo lời của Phó Thống đốc Lê Minh Hưng trong cuộc trả lời báo chí tại phiên họp báo của Chính phủ ngày 26/4/2013.

Bình ổn cái gì?

>>Bình ổn thị trường vàng: Ai đang có lợi?
>>Thống đốc NHNN khẳng định không bình ổn giá vàng

Vậy bình ổn giá vàng và bình ổn thị trường vàng giống hay khác nhau, và những gì NHNN đang thực hiện có thể bình ổn được điều gì?

Trước tiên cần phải nói rõ rằng, bình ổn giá vàng không phải là việc kéo giá vàng trong nước về sát với giá thế giới như cách hiểu của nhiều người.

Bình ổn theo nghĩa của từ điển tiếng Việt, đó phải là duy trì một thứ gì đó ổn định, không có những biến động lớn trong một khoảng thời gian nhất định.

Thực tế chúng ta đang dùng ngân sách để triển khai nhiều chương trình bình ổn giá, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm theo đúng nội hàm của khái niệm này. 

Trong khi đó, bình ổn thị trường tức duy trì cho thị trường nào đó trong trạng thái hoạt động ổn định, thông suốt trong một khoảng thời gian, không có/ít những cú sốc cung, không có/ít những cơn sốt cầu.

Có nhiều người cho rằng, bình ổn giá vàng thực chất cũng là bình ổn thị trường. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Giá chỉ là một trong nhiều yếu tố cấu thành nên thị trường, các yếu tố còn lại là cung, cầu và cạnh tranh.

Căn cứ trên những yếu tố này, điều quan trọng của việc bình ổn thị trường là bảo đảm nguồn cung sao cho đáp ứng được nhu cầu của thị trường, trong điều kiện cạnh tranh, qua đó duy trì giá cả một cách ổn định.

Thế nhưng, những chính sách của NHNN đang đi ngược lại những yêu cầu này theo hướng độc quyền nguồn cung và bóp chết cạnh tranh, khi mà nhu cầu của thị trường đang cao. Tuy nhiên giá vàng dù đang ở mức cao lại đang rất ổn định trong thời gian vừa qua. Vậy, lý do nằm ở đâu?

Vì sao giá vàng ổn định ở mức cao?

Giá vàng đang được NHNN duy trì ở mức khá cao so với giá vàng thế giới, hiện chênh lệch ở mức 4-5 triệu đồng/lượng nên xu hướng giảm trong thời gian tới khá chắc chắn khi giá vàng thế giới thiếu cơ sở để phục hồi.

Chính vì vậy, nhu cầu của người dân trong việc nắm giữ vàng để cất trữ, đầu cơ… ở thời điểm hiện tại là khá thấp. Khoảng gần 16 tấn vàng được giao dịch thành công qua các buổi đấu thầu của NHNN (tính đến hết ngày 9/5) chủ yếu được các tổ chức tín dụng mua và giữ lại để hoàn trạng thái vàng, chỉ một lượng ít được bán ra thị trường nhưng cầu hiện không đủ lớn để có thể tạo ra các cơn sốt.

Một yếu tố quan trọng khác, dường như “ngưỡng hỗ trợ” của giá vàng hiện nay vào khoảng 39 triệu đồng/lượng (xem biểu đồ giá vàng) và NHNN có vẻ như muốn né ngưỡng hỗ trợ này.

Khi giá vàng trong nước tiệm cận về mức này, đã ngay lập tức bật trở lại vì nhu cầu mua quá lớn (dù vẫn còn chênh lệch cao so với giá thế giới), cảnh xếp hàng rồng rắn vào giữa tháng Tư vừa qua ở các cửa hàng vàng đã cho thấy điều đó.

Thêm nhiều lý giải cho việc NHNN duy trì giá đấu thầu vàng ở mức cao, trong đó có yếu tố độc quyền, bởi đã độc quyền thì người bán có quyền quyết định giá. Bên cạnh đó có nguyên nhân vì lúc trước, giá vàng nguyên liệu nhập khẩu cũng cao.

Tuy nhiên, như đã đề cập, giá vàng hiện đang có ngưỡng hỗ trợ rất mạnh và NHNN không cho phép giá đấu thầu xuống dưới mức này, chỉ bằng ý chí chủ quan của một nhà cung cấp độc quyền. Bởi khi đó, gần như chắc chắn sốt vàng sẽ quay trở lại, và với lượng vàng mỏng manh trong dự trữ ngoại hối, NHNN sẽ dễ rơi vào tình trạng mất kiểm soát.

NHNN vẫn đang kiên trì thực hiện chính sách quản lý vàng của mình dù gần như không nhận được bất kỳ sự đồng thuận nào vì tin rằng, sau 30/6 thì nhu cầu vàng sẽ rất thấp, và khi đó giá vàng trong nước sẽ về sát với giá vàng thế giới.

Còn từ nay đến đó, lượng vàng trong kho của NHNN hoàn toàn có thể giúp các NHTM tất toán trạng thái (NHNN biết rõ nhu cầu này là bao nhiêu) với điều kiện phải “loại bỏ” nhu cầu vàng của dân cư.

Nếu giá vàng thế giới không giảm quá sâu, có thể tin rằng giá vàng đấu thầu sẽ không có cơ hội về dưới 38-39 triệu đồng/lượng trước 30/6. Hãy chờ xem.

Đã thành công và ai đang hưởng lợi?

Thời gian đầu độc quyền của NHNN, thị trường chưa có những con sốt vàng lớn cũng là điều có thể hiểu được. Lý do là người dân, giới đầu cơ tin rằng cơ hội để kiếm lời trong ngắn hạn là khó vì giá đang do NHNN quyết định, và NHNN vẫn còn đủ lực để kiểm soát giá vàng theo ý mình. Vì vậy, đừng vội vàng khi đưa ra kết luận về kết quả của một chính sách chỉ trong hơn một tháng thực hiện. 

Nếu thời gian kéo dài hơn, câu chuyện sẽ chuyển khác. Việc dùng ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu về sản xuất vàng miếng, đưa vào một thị trường vàng được xem là không đáy như Việt Nam là việc làm nguy hiểm.

Như thừa nhận của NHNN, trước Nghị định 24, hằng năm NHNN phải cấp phép nhập khẩu khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu, chưa tính đến lượng vàng nhập lậu đáng kể mà thị trường vẫn sốt triền miên, chứng tỏ nhu cầu thực tế về vàng của thị trường cao hơn con số 50-60 tấn/năm rất nhiều. NHNN sẽ lấy gì để đáp ứng nhu cầu này?

Hậu quả và những hệ lụy liên quan đến dự trữ ngoại hối, tỷ giá, nhập siêu… thế nào khi nhu cầu tăng cao mà nguồn cung độc quyền và khan hiếm thì nhiều người có thể hình dung được.

Trong thông báo phát đi vào ngày 8/5 vừa qua trong bài viết có tiêu đề “Ý kiến của NHNN về chính sách can thiệp bình ổn thị trường vàng”, NHNN cho biết “về tổng thể, toàn bộ vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng tiêu thụ tại Việt Nam phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu từ nước ngoài”.

Vậy rõ ràng NHNN đang hưởng lợi từ sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới (xin đừng nói người dân hưởng lợi mà tội nghiệp). Chưa hết, quá trình chuyển từ vàng phi SJC với giá thấp sang vàng SJC với giá cao phát sinh một khoảng chênh lệch lớn, số tiền này chảy vào đâu, cũng là NHNN.

Tiếp theo, đó là các ngân hàng thương mại. Giá vàng hiện nay dù còn chênh lệch so với giá thế giới, nhưng lại thấp hơn nhiều so với thời điểm giá vàng dao động ở mức 45 triệu đồng/lượng, thậm chí 48 triệu đồng/lượng.

Những thời điểm giá cao đó, nhiều ngân hàng đã tung vàng ra bán (trong và ngoài chương trình bình ổn của G5 + 1), hay những ngân hàng đã bị đối tác xử lý vàng cầm cố trong giai đoạn thiếu thanh khoản. Mua vàng hiện nay với mức giá 41-42 triệu đồng/lượng vẫn bảo đảm một khoản lợi nhuận đáng kể.

Làm gì có người dân trong vòng xoáy của thị trường vàng!?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những ẩn số sắp tới của vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO