Nhìn từ Ngôi nhà Đức tại Việt Nam

THANH NGÂN| 30/10/2015 01:58

Mối giao thương giữa Việt Nam và CHLB Đức cùng các hiệp định thương mại (FTA) giữa Việt Nam và EU cũng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN sắp thành lập đang mở ra nhiều cơ hội cho hai nước.

Nhìn từ Ngôi nhà Đức tại Việt Nam

Mối giao thương giữa Việt Nam và CHLB Đức cùng các hiệp định thương mại (FTA) giữa Việt Nam và EU cũng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN sắp thành lập đang mở ra nhiều cơ hội cho hai nước. 

Đọc E-paper

Lãnh sự quán Đức ngày 24/10 đã khởi công xây dựng Ngôi nhà Đức tại TP.HCM với kinh phí 100 triệu USD. Vào cuối năm 2017, dự án hoàn thành sẽ là trụ sở của Tổng Lãnh sự quán Đức tại Việt Nam đồng thời cũng là nơi để các doanh nghiệp (DN) Đức đặt văn phòng.

Ông Marko Walde - Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, Ngôi nhà Đức sẽ là nơi thu hút giao thương đối với DN hai nước. Do khoảng cách địa lý giữa 2 nước khá xa nên việc thành lập Ngôi nhà Đức sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Đức, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa đến làm quen thị trường trước khi quyết định đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Không chỉ có DN Đức, các DN Việt Nam làm ăn với DN Đức cũng có thể thuê văn phòng tại đây để tìm sự hỗ trợ từ phía Đức.

Trước khi Ngôi nhà Đức khởi công, vào tháng 10/2015, đoàn 10 DN Đức đã đến Việt Nam tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong khi các DN lớn của Đức quan tâm đến các lĩnh vực máy móc, thiết bị nặng, ô tô, thiết bị y tế thì các DN nhỏ của Đức lại quan tâm đến lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Ông Olaf Malchow - Phó tổng Lãnh sự Đức tại Việt Nam cho biết, hiện nay, nhiều DN Đức đã chọn Việt Nam là nơi để tiến vào thị trường 600 triệu dân của ASEAN. "Trong khu vực ASEAN, ngoài Singapore thì Việt Nam là nước thứ 2 hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Đức. Nền kinh tế của Việt Nam đang tốt lên và nhiều DN Đức rất quan tâm đến thị trường này", ông Olaf Malchow cho biết.

Cũng theo ông Olaf Malchow, hiện nay, có đến 6.000 DN Việt Nam có mối liên kết làm ăn với DN Đức và đã có văn phòng tại Đức. Các thương hiệu lớn như FPT, Vietinbank... đã mở chi nhánh tại Đức và rất thành công.

Vào cuối năm 2014, chi nhánh Công ty FPT Softwave tại Đức đã ký hợp đồng dự án cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm, kiểm thử và thiết kế giải pháp với DCI AG - một công ty của Đức chuyên cung cấp các giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử. Giữa tháng 3 năm nay, FPT Softwave tiếp tục ký với Tập đoàn Năng lượng E.ON phát triển phần mềm, kiểm thử và quản trị dự án lên đến 10 triệu USD.

Báo cáo tài chính quý 1/2015 của Tập đoàn FPT cho thấy, doanh thu từ kinh doanh tại các thị trường bên ngoài Việt Nam tăng 45% so với cùng kỳ 2014, đạt 954 tỷ đồng.

Năm 2014, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT (trong đó Đức là thị trường đóng góp quan trọng nhất) tăng 37%, lợi nhuận tăng 37%. FPT đặt kỳ vọng tăng trưởng doanh thu từ nay đến năm 2017 đạt mức 40%.

Trong khi đó, có mặt tại Đức năm 2011, VietinBank đối mặt với nhiều khó khăn bởi những tiêu chuẩn khắt khe, quy định luật pháp chặt chẽ của Đức. Nhưng xác định làm ăn lâu dài, bền vững và đặc biệt là định hướng tăng cường sự hiện diện thương hiệu nên chi nhánh VietinBank tại Đức đã có những bước đi sáng tạo, đẩy mạnh khai thác khách hàng và mở rộng hoạt động.

Sau gần 4 năm có mặt tại Đức, chi nhánh của VietinBank đã cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hữu ích cho cộng đồng người Việt và DN tại Đức. Đã có nhiều khách hàng DN tại Đức trở thành khách hàng thân thiết của chi nhánh này.

Còn tại Việt Nam, ông Michael Wiedmann - Phó chủ tịch phụ trách Chính sách công của Tập đoàn Metro, đánh giá cao hàng hóa cũng như thị trường Việt Nam. Những năm qua, Metro đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng xây dựng những trung tâm mua hàng tại địa phương để cung ứng hàng hóa chất lượng cao cho Metro phân phối trong nước cũng như xuất đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Đức. Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam như cá tra, cá basa... đang dần khẳng vị thế tại thị trường Đức và châu Âu.

Một thuận lợi nữa là FTA giữa Việt Nam và EU sẽ đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Đức. Việc bãi bỏ thuế quan và các hàng rào thương mại sẽ giúp Việt Nam cải thiện sức cạnh tranh và nhiều DN Đức sẽ chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Nhờ những cơ hội kinh doanh và việc cải thiện hạ tầng cơ sở, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn và đầu tư của Đức tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Số liệu thống kê cho thấy, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại EU, chiếm 20% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Đức trong năm 2014 là điện thoại và phụ kiện (26%), hàng dệt may (14%), giày dép (11%), cà phê (9%), thủy hải sản (4%). Trong khi đó, hơn 45% sản phẩm xuất khẩu của Đức vào thị trường Việt Nam năm 2014 là máy móc và thiết bị. Trong 5 năm qua, thương mại hai chiều từ mức 4,1 tỷ USD năm 2010 lên 7,8 tỷ USD năm 2014.

Dự kiến năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Đức sẽ tăng 10% so với năm 2014. Đầu tư của Đức tại Việt Nam cũng tăng gần 70% trong 5 năm qua, từ 824 triệu USD năm 2010 lên 1,38 tỷ USD hiện nay, đứng thứ 5 trong khối EU đầu tư vào Việt Nam.

Hiện có khoảng hơn 300 công ty Đức hoạt động và đầu tư tại Việt Nam, như Siemens, Bosch, Metro... Những dự án đang được hai nước tích cực triển khai như Ngôi nhà Đức, tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP.HCM, Trường Đại học Việt - Đức...

Ông Marko Walde cho biết, Đức nằm ở trung tâm châu Âu, giáp biên giới với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan, là điểm hấp dẫn và thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường châu Âu.

Bên cạnh đó, có khoảng 1.000 người Đức sống và làm việc tại Việt Nam và 120.000 người Việt đang sống tại Đức là cầu nối hữu hiệu cho hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa hai nước.

>Việt Nam - Đức hợp tác ngăn chặn tình trạng chuyển giá

>Việt Nam và Đức ký 2 hiệp định vay vốn

>Chính khách gốc Việt trở thành Phó thủ tướng Đức

>15 tỷ phú giàu nhất nước Đức năm 2014

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhìn từ Ngôi nhà Đức tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO