Nhiều vướng mắc về thuế cần tháo gỡ

THS. NGUYỄN ĐỨC NGHĨA| 19/10/2016 06:23

Nên kiểm tra quyết toán thuế hằng năm và áp dụng nguyên tắc bất hồi tố đối với trách nhiệm của DN khi đã kiểm tra quyết toán thuế. Nếu quá 5 năm thì không hồi tố trách nhiệm pháp lý nữa.

Nhiều vướng mắc về thuế cần tháo gỡ

Theo quy định hiện hành, có rất nhiều hành vi liên quan bị phạt hành chính, chẳng hạn hành vi chậm nộp hồ sơ thuế, thay đổi thông tin, hành vi khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế, cung cấp thông tin sai, khai thuế sai, trốn thuế, gian lận thuế... 

Đọc E-paper

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thuế cũng rất rộng, gồm công chức thuế, đội trưởng đội thuế, chi cục trưởng chi cục thuế, cục trưởng cục thuế, tổng cục trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân phường - xã, quận - huyện, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về thuế gồm có 2 loại: phạt cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm, ví dụ phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định, phạt tiền đến 8 triệu đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng)...

Các hành vi vi phạm trên không có hình thức khiển trách, chỉ có 2 tình tiết giảm nhẹ, còn nếu muốn áp dụng hình thức cảnh cáo phải giải trình trực tiếp với công chức thuế. Điều đó gây bức xúc đối với nhiều doanh nghiệp (DN) khi chỉ vướng lỗi rất nhỏ, như nộp chậm báo cáo, tờ khai cũng bị phạt tới 5 triệu đồng/tờ khai.

Vì thế, doanh giới đề nghị áp dụng hình thức khiển trách, nhắc nhở trước khi phạt tiền. Đồng thời giảm bớt việc gặp trực tiếp giữa công chức thuế và DN nhằm giảm bớt sự thông đồng giữa DN và công chức thuế, tránh tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ thuế.

Để không làm suy giảm tính minh bạch trong lĩnh vực thuế, theo chúng tôi, phải phát triển dịch vụ hành chính công về thuế là đại lý thuế theo quy định tại Điều 20 Luật Quản lý thuế - một mô hình hỗ trợ thu nộp thuế rất phổ biến, phát triển từ lâu đời ở khá nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...

Dịch vụ này làm giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế của DN đến mức thấp nhất, đồng thời làm giảm khối lượng công việc của cơ quan thuế, tạo sự minh bạch trong việc thực thi pháp luật thuế.

>>Những nội dung cam kết về thuế quan trong TPP

Theo Luật Quản lý thuế, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế 2 năm đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, 5 năm đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn.

Thời hạn truy thu thuế (không bị xử phạt nhưng vẫn bao gồm tiền chậm nộp thuế) là trong thời hạn 10 năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm (tức là vô thời hạn).

Trong tình hình DN bỏ trốn khá phổ biến, hóa đơn thật, giả khó phân biệt, trách nhiệm pháp lý của DN về thuế, hóa đơn dường như là vô hạn đã làm giảm động lực phát triển đối với DN hoạt động lâu dài, vì không thể chắc chắn đúng, sai.

Ảnh hưởng của quy định hồi tố trách nhiệm là rất lớn đối với các cổ đông (ví dụ trường hợp phải chịu trách nhiệm hồi tố của Bia Sài Gòn lên đến 408 tỷ đồng, hay Nhựa Bình Minh 71 tỷ đồng). Đây cũng là một nguyên nhân làm DN Việt Nam không thể lớn (hay là không muốn lớn) vì sợ bị hồi tố trách nhiệm. 

Trước tình hình ấy, đề nghị, một là kiểm tra quyết toán thuế hằng năm và áp dụng nguyên tắc bất hồi tố đối với trách nhiệm của DN khi đã kiểm tra quyết toán thuế. Nếu quá 5 năm thì không hồi tố trách nhiệm pháp lý nữa; hai là áp dụng rộng rãi Luật Phá sản, tạo cơ sở pháp lý cho DN tự do ra vào thương trường và không bị hồi tố trách nhiệm về sau.

Có rất nhiều lý do: DN thực tế đã ngưng hoạt động nhưng không giải thể, phá sản được và không có khả năng trả nợ vay và trả nợ thuế với các lý do bất khả kháng hoặc rủi ro trong kinh doanh. Pháp luật nên tạo điều kiện cho DN xóa bỏ trách nhiệm một cách hợp pháp để có cơ hội khởi nghiệp lần sau.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn (cổ đông công ty cổ phần) phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập DN trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN. Phạt tiền đến 10 triệu đồng nếu không góp đúng hạn, hoặc phạt đến 20 triệu đồng nếu không góp đủ số vốn như đã đăng ký.

Với những quy định ấy, đối với DN vừa và nhỏ thì góp đủ và đúng hạn vốn đăng ký là rất khó. Các DN có vốn đăng ký cao vài trăm tỷ, vài ngàn tỷ đồng nhưng dự án chưa triển khai, nhu cầu vốn chưa tới thì việc đóng băng vốn trong ngân hàng là không hiệu quả.

Hiện nay, rất nhiều DN không thực hiện, hoặc DN sử dụng thủ thuật kế toán (góp ảo, hoặc góp vô rồi rút tiền ra liền) để né tránh quy định này. Do đó, kiến nghị thời hạn góp vốn nên là 36 tháng như quy định đối với công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005.

>>Đề xuất giảm thuế của ông Trump và bà Clinton có gì khác?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều vướng mắc về thuế cần tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO