Nhật Bản hạ nhiệt, cơ hội cho Việt Nam

08/10/2013 06:27

Cuộc chơi nào cũng vậy, mọi người phải có lợi thì cuộc chơi mới lâu bền, nhưng anh nào giỏi, anh nào mạnh sẽ được nhiều hơn”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) với PV khi bàn về vấn đề đàm phán hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại hội nghị cấp cao APEC 21.

Nhật Bản hạ nhiệt, cơ hội cho Việt Nam

“Cuộc chơi nào cũng vậy, mọi người phải có lợi thì cuộc chơi mới lâu bền, nhưng anh nào giỏi, anh nào mạnh sẽ được nhiều hơn”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) với PV khi bàn về vấn đề đàm phán hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại hội nghị cấp cao APEC 21.

>Nông nghiệp trước ngưỡng cửa TPP
>Đàm phán TPP còn khó
>TPP - Một góc nhìn khác

Nhận định trên đặt ra vấn đề “chủ động” của Việt Nam trong việc tranh thủ liên kết lợi ích với các quốc gia khác, trong đó nổi bật và tiềm năng là Nhật Bản trong vấn đề nông nghiệp.

Nhật Bản: “lưỡng nan lợi ích”

Một nông dân Nhật Bản đang thu hoạch lúa trên đồng ruộng

Tính đến nay, Nhật Bản chưa có động thái nào cho thấy nước này sẽ nhượng bộ các nước đàm phán TPP trong vấn đề bảo hộ nông nghiệp quốc gia. Điều này khiến các nước khác “bít cửa” khi muốn xâm nhập thị trường khá rộng lớn và tiềm năng này.

Tuy nhiên, quyết tâm đàm phán thành công TPP được Chính phủ Nhật thể hiện khá rõ ràng và quyết liệt. Tính đến nay, nước này đã tổ chức các cuộc thảo luận song phương với Mexico, Việt Nam, Canada, Malaysia và New Zealand, và dự định sẽ tiếp tục thảo luận với các nước còn lại trong TPP nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình đàm phán.

Theo nhận định của hai chuyên gia Matthew Goodman và Michael Green từ trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) thì TPP được xem là một nhân tố khách quan, mang tính tất yếu trong chiến lược làm vực dậy nền kinh tế Nhật Bản vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Theo nhiều dự báo, hiệp định TPP có thể sẽ đưa nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 2,5% đến năm 2025 hoặc cao hơn nữa.

Tuy nhiên, nông nghiệp mà điển hình là lúa gạo vẫn còn là vấn đề “nhạy cảm” mà chính quyền Tokyo vẫn chưa nhượng bộ. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khả năng cạnh tranh còn kém – đặc thù của Nhật Bản, quốc gia không được ưu đãi về tài nguyên và điều kiện tự nhiên – so với các quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp trong khối TPP.

Thế nên, hiện có hai kịch bản mà Nhật Bản có thể sẽ phải đối mặt về vấn đề đàm phán TPP, bao gồm:

i) Nhật Bản tiếp tục tư duy bảo thủ để bảo vệ nền nông nghiệp và lợi ích của người nông dân – vốn được xem là tầng lớp có sự ủng hộ cao đối với chính quyền Shinzo Abe, nhưng đổi lại chỉ số phát triển kinh tế 2,5% sẽ là con số khó lòng đạt được với tình hình kinh tế Nhật Bản hiện tại;

ii) Nhật Bản sẽ phải nhượng bộ, chấp nhận thách thức của nền kinh tế thị trường để gia nhập TPP, và nguy cơ nền nông nghiệp quốc gia và lợi ích của những người nông dân bị ảnh hưởng mạnh là hoàn toàn có thể xảy ra theo quy luật thị trường.

Tất nhiên, trước thế lưỡng nan về lợi ích, nếu có thể, Nhật Bản sẽ lựa chọn một chính sách – kịch bản thứ ba để dung hoà lợi ích của người dân lẫn lợi ích chung của nền kinh tế quốc gia mà không phải hy sinh hoàn toàn bộ phận nào.

Và cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam

Một trong nhiều các giải pháp được đề xuất nhằm giúp Nhật “thích nghi” với sân chơi TPP trên lĩnh vực nông nghiệp chính là việc tìm kiếm các đối tác xuất khẩu lương thực lớn, thông qua ký kết các hình thức hợp tác kinh tế song phương.

Đây được xem là giải pháp hứa hẹn nhằm ổn định và đa dạng hoá việc nhập khẩu lương thực song song với quá trình tự do hoá thương mại đa phương. Nói một cách dễ hiểu, thay vì để nền nông nghiệp phải chiến đấu “không cân sức” với các đối thủ, Nhật Bản có thể biến đối thủ thành “đối tác” dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Trong tương lai, có thể Nhật Bản sẽ chấp nhận những quy định “ngặt nghèo” về nông nghiệp mà TPP thách thức. Tuy nhiên, ngay bây giờ những biện pháp “tình thế” nhằm kéo dài thời gian để chuẩn bị nội lực là hoàn toàn phù hợp với chiến lược của quốc gia này.

Thế nên, sẽ không ngạc nhiên khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Nhật bắt đầu triển khai nhiều dự án “thuê ngoài” tại các quốc gia vùng lãnh thổ có lợi thế nông nghiệp, trong đó có Việt Nam.

Việc thuê ngoài sẽ mang lại cho Nhật Bản nhiều lợi ích, trong đó phải nói đến lợi ích trong việc đảm bảo chính sách an ninh lương thực trong dài hạn; đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn về nông sản theo thị trường Nhật Bản.

Một triết lý quan trọng trong nền kinh tế thị trường được nhắc đến chính là “Cuộc chơi nào cũng vậy, không ngoại trừ TPP, mọi người phải có lợi thì cuộc chơi mới lâu bền, nhưng anh nào giỏi, anh nào mạnh sẽ được nhiều hơn”.

Cần hiểu, “giỏi” ở đây không chỉ là năng lực, mà còn là tính chủ động. Thế nên trong quan hệ song phương trong vấn đề nông nghiệp giai đoạn đàm phán TPP, Việt Nam cần chủ động đón nhận, thậm chí là đưa ra đề nghị để cả hai cùng xúc tiến mô hình hợp tác.

Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng và nguồn lực phù hợp để phát triển ngành nông nghiệp, trong khi Nhật Bản là quốc gia đứng thứ ba trong các quốc gia TPP có nhu cầu nhập khẩu lúa gạo. Bên cạnh đó, Việt – Nhật với mối quan hệ chính trị – xã hội trong 40 năm qua cũng là tiền đề quan trọng để cả hai cùng nghĩ đến một hợp tác song phương mà cả hai cùng có lợi.

Có ít nhất ba khả năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong vấn đề nông nghiệp.

Một là, Nhật Bản chuyển toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý nông nghiệp của mình sang Việt Nam để tiến hành sản xuất trong điều kiện giá cả lao động, chi phí sản xuất nông nghiệp thấp hơn nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác.

Hai là, Nhật Bản có thể chủ động chuyển một phần hệ thống sản xuất bao gồm máy móc, quy trình sản xuất để kết hợp với lao động, tài nguyên nông nghiệp tại Việt Nam để đổi lại một nguồn cung ổn định, giá rẻ.

Ba là, Nhật Bản có thể “đặt hàng” các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất gạo “theo chuẩn” mà thị trường Nhật ưa chuộng với giá cả hợp lý, số lượng phù hợp với nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, khả năng này là khó xảy ra trong bối cảnh gạo Việt Nam khó có thể đảm bảo quy trình sản xuất gạo Nhật Bản trong thời gian ngắn, hơn nữa Nhật Bản sẽ “đề phòng” tình trạng phụ thuộc an ninh lương thực quốc gia.

Dù là mô hình nào, điều quan trọng là Việt Nam phải chủ động và tính toán hợp lý để có thể “nhanh chân” liên kết với Nhật Bản, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản hạ nhiệt, cơ hội cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO