Nhân lực thời kỳ công nghiệp 4.0

LÊ MINH TRÍ/DNSGCT| 25/07/2017 00:21

Một trong những lợi thế thu hút vốn FDI vào Việt Nam đó là chi phí sản xuất thấp với nhân công giá rẻ, điều này sẽ không còn, nhất là trong thời kỳ hội nhập đòi hỏi năng suất cao...

Nhân lực thời kỳ công nghiệp 4.0

Mới đây, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố báo cáo về hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2016, trong đó có một chi tiết đáng chú ý là mức lương chi trả cho lao động Việt đã tăng khoảng 2,2 lần so với năm 2010, thế nhưng cũng chỉ bằng một nửa lương trả cho lao động các nước khu vực, chỉ cao hơn chút ít so với Lào, Campuchia và Myanmar.

Đọc E-paper

Đại diện của JETRO lý giải, chi phí nhân công phản ánh năng suất lao động và hiệu quả làm việc. Mức chi phí lao động tại Việt Nam, Lào và Campuchia thấp do hầu hết các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào đây là lắp ráp, gia công đơn giản. Để cải thiện mức lương cần nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của người lao động.

Thời gian qua, một trong những lợi thế thu hút vốn FDI vào Việt Nam đó là chi phí sản xuất thấp với nhân công giá rẻ, điều này sẽ không còn, nhất là trong thời kỳ hội nhập đòi hỏi năng suất cao thì điểm yếu của giá nhân công rẻ chính là sự thiếu bền vững.

Mức lương ngành dệt may hiện tại từ 402 đến 604 USD, tương đương từ 8,4 đến 12 triệu đồng mỗi tháng – tăng 12% so với năm 2015. Con số này chỉ bằng gần một nửa so với Malaysia (725-1.019 USD/tháng) và bằng một phần tư so với mức lương trung bình ngành dệt may tại Singapore.

Nhưng đồng lương chỉ phản ánh một cách tương đối chi phí nhân công, bởi ngoài lương còn phải tính đến các chế độ khác mà người lao động được hưởng. Về khoản này người sử dụng lao động tại Việt Nam phải trả nhiều hơn các nơi khác.

Trong khi đó, tiền lương ở Việt Nam lại cao hơn so với chi phí nhân công của Lào, Campuchia, Myanmar, Bangladesh hay Sri Lanka. Các nước này sẽ cạnh tranh về chi phí nhân công và sẽ ngày càng làm suy giảm thị phần chi phí thấp của Việt Nam.

Đề cập đến lợi thế thu hút đầu tư thì chi phí nhân công vẫn chưa đủ mà phải tính đến năng suất. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 84,5 triệu đồng/người lao động (tương đương khoảng 3.853 USD/người lao động), chỉ bằng 4,4% của Singapore, đồng nghĩa với việc mỗi người dân đảo quốc này làm việc có năng suất bằng 23 người Việt Nam cộng lại. Ngoài ra, năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan, 48,5% so với Philippines và Indonesia.

Đánh giá này được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) làm rõ hơn qua một báo cáo cho thấy năng suất lao động của nước ta thuộc nhóm thấp nhất trong các quốc gia của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nguyên nhân được ILO đưa ra là do nước ta chỉ có khoảng gần 20% lao động được đào tạo bài bản, đa số không có đủ chất lượng chuyên môn, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường. Và nếu so sánh tương quan năng suất lao động và giá nhân công một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sẽ thấy lao động giá rẻ không còn là một lợi thế của Việt Nam mà nếu không cải thiện được tình trạng trên, chúng ta khó có khả năng thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng tốt.

Gần hai thập niên qua, thế giới nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nền sản xuất dựa vào công nghệ cao, điện toán hóa trong đó có sự xuất hiện của robot trí tuệ nhân tạo có thể thay cho con người trong nhiều lĩnh vực.

ILO đã chỉ rõ có khoảng 137 triệu lao động sẽ đứng trước nguy cơ mất việc làm do các kỹ thuật tự động hóa vào hai thập niên tới, trong đó khoảng 86% số công nhân dệt may của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm vì xu hướng tự động hóa.

Điều này buộc các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy để có thể cạnh tranh với các quốc gia khu vực, thay vì bằng cách sử dụng lao động giá rẻ như trước đây, nay cần chú trọng đổi mới công nghệ, quản trị và tuyển chọn nhân tài, đáp ứng thời kỳ công nghiệp 4.0.

>>2 vấn đề thách thức nâng cấp ngành công nghiệp Việt Nam

Thực tế, robot đã xuất hiện ở nhiều nhà máy sản xuất trong nhiều năm qua, đảm nhiệm các công việc như: lắp ráp các linh kiện, hoàn thiện các công đoạn cuối cùng trong ngành dệt may và một số ngành cơ khí, dịch vụ khách sạn. Như vậy, viễn cảnh robot dần thay thế con người trong các nhà máy không còn xa. Bởi giá thành các cảm biến thông minh sử dụng cho robot giảm dần, công nghệ ngày càng phát triển. Đó là lúc bộ phận nhỏ như cánh tay hoặc robot hoàn chỉnh càng gần con người hơn.

Những robot với công nghệ tiên tiến ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng việc làm của con người trong nhà máy sản xuất. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực tế, nhất là trong các ngành sản xuất thâm dụng lao động.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân – Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – cho biết Cục Việc làm đã đề ra hai giải pháp tổng thể nhằm ngăn viễn cảnh robot giành lấy việc làm của người lao động Việt Nam.

Đầu tiên là tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao thay vì các sản phẩm, các ngành sản xuất thâm dụng lao động. Nếu chậm trễ trong đào tạo nhân sự phù hợp, nhiều nhà máy nước ngoài sẽ có thể chuyển đến bất cứ nơi nào tận dụng được lợi thế công nghệ robot và khi ấy lao động giá rẻ trở nên vô nghĩa.

Tiếp theo là chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nơi thu hút phần lớn lực lượng lao động hỗ trợ các ngành sản xuất chính, nơi công nghệ sản xuất được tự động hóa ngày càng cao.

Theo bà, người lao động trước tiên cần phải nghiêm túc đánh giá trình độ của bản thân, phải vừa học vừa làm để không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, giỏi một nghề, biết nhiều nghề để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của công việc trong thời đại mới. Mỗi lao động rèn luyện kỹ năng để vừa có thể lao động độc lập lại vừa có thể lao động tập thể, thậm chí có thể kết hợp làm việc cùng robot.

Bất cứ trong thời kỳ nào của phát triển xã hội, con người cũng là yếu tố trung tâm. Thế giới trải qua nhiều cuộc cách mạng kỹ thuật và lần nào con người cũng bị đặt trước nguy cơ mất việc, nhưng điều đó đã không xảy ra nhờ vào khả năng thích ứng với nhiều công việc mới ra đời.

Thế nhưng làm sao có thể thích ứng khi công tác giáo dục và đào tạo cứ vận hành theo quán tính cũ. Hậu quả là chúng ta vẫn phải nghe mãi một điệp khúc số sinh viên tốt nghiệp không có việc làm ngày càng tăng mà ngành giáo dục có vẻ như vô cảm trước thực tế này. Chúng ta nói nhiều đến cụm từ cách mạng giáo dục nhưng thực chất vẫn đi theo lối mòn, thỉnh thoảng xuất hiện vài chương trình cải cách tập trung vào khả năng sáng tạo thì lại không được sự đồng tình của ngành chức năng.

Giáo dục của chúng ta từ trước đến nay chỉ nhằm vào đối tượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp và có việc làm là xem như hoàn thành nhiệm vụ. Nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi có những người từ công nhân, kỹ sư nhà quản lý đều phải cập nhật kiến thức, kỹ năng ở mức độ cao hơn. Làm sao để sản phẩm do trí tuệ chiếm phần lớn trong GDP.

Đã từ lâu có nhiều ý kiến đề nghị các trường đại học của chúng ta hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian giảng dạy những môn cơ bản nặng yếu tố lý luận chính trị để dành thời gian nhiều hơn cho nội dung đáp ứng nhân lực thời kỳ mới. Nhưng đến nay những đề xuất này vẫn không được quan tâm.

Hy vọng trước áp lực của cuộc cách mạng 4.0, không cách nào khác là phải có một cuộc cách mạng giáo dục tương ứng để nâng cao vị thế cạnh tranh của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhân lực thời kỳ công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO