Nhân lực AEC: Phòng vệ thế nào cho lao động Việt?

15/03/2016 06:15

Dù mở cửa thị trường lao động, nên chăng vẫn có một luật phòng vệ để bảo vệ người lao động trong nước trong bối cảnh hội nhập AEC.

Nhân lực AEC: Phòng vệ thế nào cho lao động Việt?

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập với hơn 600 triệu dân đang mở ra nhiều cơ hội việc làm và cũng không ít thách thức cho nhân lực trong nước. Trong đó, lực lượng nhân sự cấp cao đang đứng trước mối nguy “mất ghế” vào các đối thủ láng giềng.

Khi đối thủ tới từ… Campuchia

Theo Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), việc AEC hình thành sẽ gia tăng khoảng 10% cơ hội việc làm cho Việt Nam. Hiện có 8 ngành nghề lao động có thể tự do di chuyển giữa các nước đó là: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, kỹ sư, bác sĩ, y tá và cán bộ hộ sinh, trắc địa viên và các nghề liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, chỉ lao động có trình độ, có kỹ năng tay nghề cao mới có thể di chuyển trong AEC, số này chỉ chiếm khoảng 1% tổng lực lượng lao động của Việt Nam.

Trong khi đó, lao động Việt Nam vốn được biết đến với giá rẻ hoặc chưa qua đào tạo, trình độ chuyên môn thấp và tay nghề yếu. Lực lượng lao động này sẽ chẳng dễ dàng tận dụng được cơ hội việc làm trong AEC. Những vị trí quản lý cấp cao là nhóm lao động dễ nắm bắt cơ hội việc làm nhất khi gia nhập AEC, nhưng cũng là đối tượng dễ bị cạnh tranh trong hội nhập.

Theo ông Robert Trần - Giám đốc Công ty Robenny Corporation, từ trước khi AEC được thành lập (1/1/2016), công ty ông đã tiếp nhận khá nhiều đơn xin ứng tuyển vào các cấp quản lý tại Việt Nam từ các ứng viên người Campuchia.

Hầu hết các ứng viên này sau khi du học nước ngoài đều quay về Campuchia để làm việc, tuy nhiên thị trường Campuchia quá nhỏ (chỉ bằng 10% của Việt Nam và 3% của Thái Lan) nên họ lại “hành quân” đi các thị trường khác tìm kiếm cơ hội, trong đó có Việt Nam.

“Khi đã gọi là nhân sự cao cấp (mức lương từ 250.000 USD/năm trở lên) thì trình độ, tầm nhìn, kinh nghiệm… tương đồng nhau. Vì vậy, khả năng nhân sự cấp cao trong nước bị nhân sự trong khối AEC cạnh tranh về công việc là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra, ngoại trừ một số ngành đặc thù cần có chuyên gia người bản địa”, ông Robert Trần nhận định.

>>Nhân sự cấp trung: Nguy cơ chảy máu chất xám từ AEC

Chủ một resort 5 sao tâm sự, ông luôn muốn dùng người Việt cho các vị trí quản lý, muốn ưu tiên người Việt bởi sự tương đồng ngôn ngữ và văn hóa, nhưng trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn ông đang kinh doanh, trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm quản lý của nhân sự cấp cao của Việt Nam rất yếu, vì vậy ông buộc phải thuê nhân sự người nước ngoài.

Có một nghịch lý là, các nhân sự quản lý cấp cao trong khu vực đang sẵn sàng di chuyển đến các miền đất hứa để có cơ dụng võ thì các ứng viên ở cấp quản lý trong nước lại không sẵn sàng di chuyển quanh vùng Đông Nam Á. Bên cạnh trình độ tiếng Anh chưa tốt, việc học hỏi các ngôn ngữ trong khu vực như tiếng Thái, tiếng Lào… rất ít được lao động trong nước quan tâm.

Thực tế cho thấy, không dễ dàng gì để lao động cấp cao trong nước có thể “tản binh” đi các thị trường khác tìm kiếm cơ hội việc làm, bởi hầu hết các nước đều đưa ra những biện pháp phòng vệ khá chặt chẽ như yêu cầu phải thông thạo tiếng bản địa. Trong khi đó, điều đáng nói là tại thị trường lao động Việt Nam, hiện vẫn chưa có một quy định cụ thể nào được ban hành để bảo vệ cho lực lượng lao động trong nước.

Phòng vệ bằng ngôn ngữ

Trong khi lao động cấp cao trong nước ngại di chuyển đi các thị trường lân cận thì lao động cấp cao ở các thị trường khác lại tỏ ra thích thú với việc gia nhập thị trường việc làm tại Việt Nam. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đã có hơn 76.000 lao động nước ngoài của 74 quốc gia làm việc tại Việt Nam trong năm 2014. Trong số này, 58% là người châu Á và 29% là người châu Âu.

Kết quả một cuộc khảo sát khác được tiến hành bởi HSBC vào cuối tháng 12/2015 cũng cho thấy, Việt Nam được coi là quốc gia hấp dẫn nhất ở châu Á cho người nước ngoài. Khoảng 68% của 22.000 người tham gia cuộc khảo sát việc làm tại Việt Nam – những lao động nước ngoài đến từ khắp nơi trên thế giới – cho biết họ có thể tiết kiệm nhiều tiền hơn khi làm việc tại Việt Nam.

Vậy là mặc dù mở cửa thị trường lao động, nên chăng vẫn có một luật phòng vệ để bảo vệ người lao động trong nước. Ông Robert Trần cho rằng, Nhà nước nên vừa có chính sách kéo nhân sự giỏi, vừa có phòng vệ để tránh nhân sự trong nước mất ưu thế cạnh tranh trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực có chính sách tương tự.

Bên cạnh đó, cần định vị thương hiệu nhân sự quốc gia, chẳng hạn như ở Singapore, nhân sự trong ngành dịch vụ của họ chính là thế mạnh, nhân sự cao cấp cũng là một sản phẩm để bán ra toàn cầu.

>>10 thương hiệu quốc gia “hot” nhất thế giới

Đồng quan điểm, bà Tiêu Yến Trinh - Giám đốc Talentnet cho rằng, Việt Nam phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho nguồn nhân lực. Bởi hiện nay khi nói đến nhân sự trong ngành dịch vụ người ta nghĩ ngay đến Philippines, nói đến bác sĩ mọi người nghĩ đến Singapore, muốn tuyển nhân sự ngành tài chính kế toán, thì Anh quốc là nước đầu tiên được các công ty nghĩ đến, tiếp theo là Hong Kong, Malaysia.

Về biện pháp phòng vệ, ông Robert Trần cảnh báo, do trong nước không có luật phòng vệ ngôn ngữ, ai vào xin việc cũng được, nên nhân sự Việt Nam gặp rủi ro mất việc rất lớn. Trong khi đó một số nước đã đặt ra rào cản về vấn đề này. Chẳng hạn, muốn làm việc ở các công ty Thái Lan, người đó phải biết nói tiếng Thái với một trình độ nhất định hoặc muốn làm việc tại Singapore thì tiếng Anh phải đạt trình độ nào đó thì họ mới tiếp nhận.

Việc nên có hay không các biện pháp phòng vệ để bảo vệ thị trường lao động trong nước cũng đã được bàn đến nhiều lần. Việt Nam đã có quy định lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép và bằng đại học trở lên. Đến giữa tháng 1/2016, trong một hội thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đưa ra vấn đề nên đưa ra biện pháp phòng vệ bằng ngôn ngữ. Cụ thể, ông Thái Phúc Thành - Phó cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, Chính phủ nên đề ra quy định người nước ngoài làm việc ở Việt Nam phải nói được tiếng Việt.

Mặc dù vậy, mọi biện pháp phòng vệ đều mang tính chất “bảo hộ” và khá thụ động. Giải pháp tốt nhất là chủ động thích ứng với xu hướng. Theo ông Robert Trần, để vững chân trong hội nhập, nhân sự cao cấp trong nước buộc phải chịu luân chuyển qua những nước khác.

“Mặc dù những suy nghĩ của nhân sự cao cấp Việt Nam đều đúng, nhưng họ nên di chuyển qua các nước lân cận học hỏi để làm nền tảng, khi quay trở lại Việt Nam sẽ đảm nhận những vị trí cao hơn”, ông nói.

>>Lao động "thời AEC": Kinh doanh và Tiếp thị "nóng" nhất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhân lực AEC: Phòng vệ thế nào cho lao động Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO