Nhà sản xuất và người tiêu dùng đều khó

07/05/2013 09:44

Một số hãng như Sony, LG đã đưa ra thị trường các loại tivi có tích hợp đầu thu tín hiệu truyền hình kỹ thuật số mặt đất để đón đầu việc thực hiện quy định bắt buộc tích hợp thiết bị này hiệu lực từ 1/4/2014. Nhưng đến nay, nhiều nhà chuyên môn vẫn cho rằng quy định trên còn nhiều bất cập gây nhiều khó khăn cho nhà sản xuất và người tiêu dùng.

 Nhà sản xuất và người tiêu dùng đều khó

Một số hãng như Sony, LG đã đưa ra thị trường các loại tivi có tích hợp đầu thu tín hiệu truyền hình kỹ thuật số mặt đất để đón đầu việc thực hiện quy định bắt buộc tích hợp thiết bị này hiệu lực từ 1/4/2014. Nhưng đến nay, nhiều nhà chuyên môn vẫn cho rằng quy định trên còn nhiều bất cập gây nhiều khó khăn cho nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Mua chiếc tivi bình thường, ai thích công nghệ truyền dẫn nào thì mua thêm thiết bị tương ứng sẽ giúp người dùng tiết kiệm hơn.

"Từ ngày 1/4//2014, tất cả các máy thu hình (gọi tắt là tivi) có kích thước màn hình trên 32 inch sử dụng công nghệ màn hình LCD, PDP, LED, OLED và các công nghệ màn hình tiếp theo được sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất thế hệ thứ hai (DVB–T2) – tiêu chuẩn mã hoá tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4”, đó là nội dung chính của thông tư 07/2013/TT-BTTTT của bộ Thông tin và truyền thông.

Dời nhiều lần

Thông tư trên là một hướng dẫn chi tiết trong việc thực hiện đề án số hoá truyền hình đến năm 2020. Để thực hiện đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình mặt đất, từ năm 2011 thông tin này đã được truyền đạt đến doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quy định trên vẫn gặp nhiều phản ứng từ các nhà sản xuất khi cho rằng, phải cần có thời gian để các hãng sản xuất thay đổi thiết kế phù hợp. Các nhà nhập khẩu cũng cần có thời gian chọn lựa những mẫu mã phù hợp với quy định trên.

Theo một nguồn tin, lẽ ra, giữa năm 2013, quy định trên phải được thực hiện nhưng một lần nữa, các nhà sản xuất cho rằng sản xuất những dòng sản phẩm mới theo tiêu chuẩn trên chưa phù hợp với thị trường nên trong thông tư 07, lùi lại 1/4/2014 mới thực hiện việc tích hợp chức năng thu tín hiệu DVB-T2, riêng các dòng tivi có kích thước màn hình từ 32 inch trở xuống, hạn chót là ngày 1/4/2015.

Một chuyên gia về điện tử chia sẻ: “Chúng ta đang thực hiện quy trình ngược. Lẽ ra, các nhà đài phải phát sóng theo chuẩn trên trước, sau đó mới quy định những thông số kỹ thuật cho các hãng sản xuất”.

Phí phạm

Tại một cuộc họp để bàn về việc tích hợp đầu thu DVB-T2 vào tivi, đại diện Toshiba tại Việt Nam cho biết, chi phí thấp nhất để tích hợp đầu thu vào tivi khoảng 30 USD/chiếc. Cũng có hãng sản xuất nói rằng, chi phí có thể là 50 USD/chiếc.

Như vậy, khi những chiếc tivi có tích hợp đầu thu DVB-T2 xuất hiện trên thị trường, giá tivi sẽ tăng tương ứng. Bà Nguyễn Phan Hoài Phương, đại diện truyền thông của Sony Electronic Việt Nam cho biết những dòng tivi của Sony có ký hiệu KDL là những dòng tivi đã được tích hợp đầu thu DVB-T2. Tuy nhiên, thực tế chức năng thu tín hiệu DVB-T2 của những chiếc tivi trên chưa thể hoạt động.

Trong năm 2012, theo thống kê của GfK Việt Nam, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 600.000 chiếc tivi LCD. Giả định rằng năm 2014 sức mua mặt hàng này duy trì con số trên, người tiêu dùng Việt Nam phải “móc túi” chi cho các nhà sản xuất là 18 triệu đôla Mỹ.

Ngoài những khách hàng sẽ sử dụng DVB-T2. Còn những khách hàng dùng các phương thức truyền dẫn tín hiệu khác như truyền hình cáp, vệ tinh... đầu thu DVB-T2 trong chiếc tivi sẽ trở thành “của thừa” vì không thể bắt được tín hiệu của các phương thức truyền dẫn khác.

Chưa kể, nếu nhà đài phát DVB-T2 theo hình thức trả tiền, người tiêu dùng buộc phải mua thiết bị riêng của nhà đài đó mới có thể thanh toán cước hàng tháng vì đầu thu DVB-T2 không có chỗ để gắn thiết bị thanh toán.

Theo nhiều chuyên gia, cách làm tốt nhất hiện nay có liên quan đến đầu thu trong chiếc tivi là nên “xã hội hoá”, kêu gọi các nhà sản xuất trong nước phối hợp với các đài truyền hình sản xuất đầu thu.

Giám đốc công ty điện tử Biên Hoà (Belco) Đỗ Khoa Tân cho biết: “Về kỹ thuật sản xuất đầu thu không có gì khó khăn. Belco sản xuất với giá thành dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/ đầu thu”. Ông Tân cho rằng, giải pháp sản xuất đầu thu rời sẽ hợp lý hơn, ai cần thì mua.

Ông Lê Văn Chính, cố vấn công ty SoncaMedia còn đi sâu hơn khi cho rằng các đài truyền hình cần công bố rộng rãi mã để các nhà sản xuất liên kết với nhà đài sản xuất đầu thu có tích hợp khe cắm thẻ thanh toán cho dịch vụ truyền hình trả tiền.

Ông Nguyễn Bá Tín, phụ trách nhóm hàng điện tử của hệ thống bán lẻ Dienmay.com ủng hộ việc sản xuất đầu thu rời thay vì tích hợp bên trong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà sản xuất và người tiêu dùng đều khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO