Nhà đầu tư phải là "hiệp sĩ”?

HỒNG BÍCH| 01/08/2017 03:20

Bán đảo Sơn Trà kể từ ngày nóng lên với những hình ảnh phản cảm của một công trình du lịch xây dựng dở dang, cho đến nay vẫn là tâm điểm trong cuộc đấu tranh bảo tồn thiên nhiên.

Nhà đầu tư phải là

Bán đảo Sơn Trà kể từ ngày nóng lên với những hình ảnh phản cảm của một công trình du lịch xây dựng dở dang, cho đến nay vẫn là tâm điểm trong cuộc đấu tranh bảo tồn thiên nhiên.  

Đọc E-paper

Trong cuộc hội thảo của Viện Sinh thái học Miền Nam và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp tổ chức ngày 15/7 vừa qua, quy tụ 150 nhà khoa học và các nhà hoạt động xã hội, những thông số khoa học đưa ra đã chứng minh Sơn Trà là nơi độc nhất vô nhị về một hệ sinh thái rừng - biển vô cùng phong phú giữa một thành phố hiện đại, nên càng phải được bảo vệ nghiem ngặt.

Chẳng ai nghi ngờ điều đó. Bảo tồn thiên nhiên để phát triển bền vững đang là xu hướng của cả thế giới mà ngày nay cách thực hiện không còn ai xa lạ. Chủ tịch thành phố Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ cũng cho biết: "Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trong quá trình thảo luận và càng về sau càng nghiêng về quan điểm bảo tồn, giữ gìn hệ sinh thái Sơn Trà. Tất nhiên cũng phải tính toán mức độ phát triển Sơn Trà cho hợp lý”.

Nhưng lãnh đạo thành phố đang đứng trước việc phải làm thế nào với các dự án đã cấp phép, đã có sổ đỏ về quyền sở hữu đất, hoặc các hợp đồng thuê đất, giao quyền quản lý rừng? Theo Đề án Quy hoạch phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà vừa được Chính phủ phê duyệt, hiện trên bán đảo Sơn Trà có 32 công trình đã được xây dựng với diện tích 1.293,73ha, trong đó có 20 khu du lịch, một bảo tảng, một đài phát hình, một công trình tôn giáo, một trạm radar, một khu biệt thự, một cơ sở hàng hóa, ba khu đất quốc phòng.

Không những vậy, riêng chính quyền Đà Nẵng đã cấp phép cho 14 dự án du lịch trên bán đảo Sơn Trà với diện tích 1.247,45ha. Hàng ngàn tỷ đồng đã đổ vào đây. Ở một vài dự án, mỗi bước xây dựng đều đem lại sự bất bình cao độ khi người dân chứng kiến cảnh phá rừng, làm xói lở nền rừng và bê tông hóa khu bảo tồn sinh thái quốc gia. Đến thời điểm này, các dự án vẫn còn "địa lợi" nhưng "nhân đã không còn hòa".

Mười năm trước, trong cơn khát vốn đầu tư, Đà Nẵng mạnh tay cấp phép cho xây dựng nhiều sản phẩm du lịch. Nhưng với điều kiện tiếp cận dễ dàng các thông tin hiện nay, dư luận ngày càng giật mình và tỏ ra bất bình vì việc khai thác tài nguyên vô tội vạ để phục vụ lợi ích nhóm, làm ô nhiễm môi trường trầm trọng, tài nguyên cạn kiệt mà người dân địa phương ít được hưởng lợi, thì các doanh nghiệp có dự án cần thẳng thắn đối diện với vấn đề "nhân không hòa".

>>Quy hoạch bán đảo Sơn Trà: Khống chế mật độ xây dựng tối đa 5%

Cho dù các cơ quan chức năng về quản lý tài nguyên ở Đà Nẵng không lên tiếng đối với "điểm nóng" này, thì vẫn có các cơ quan nghiên cứu khoa học, các hiệp hội nghề nghiệp đủ sức tổ chức các hội thảo khoa học, gửi đi các bản kiến nghị độc lập đến các cơ quan cấp trung ương để đấu tranh bảo vệ bán đảo Sơn Trà. Và cuộc đấu tranh ngày càng mang tính khoa học, được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận.

Giải quyết những giấy phép đã cấp quả là rất khó đối với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vì không có quỹ đất, không có kinh phí để đền bù thu hồi các dự án. Các dự án đang được bảo vệ bởi tính pháp lý, nhưng thực tế triển khai hoạt động lại không còn hợp lý, không còn lợi ích cho sự phát triển bền vững của thành phố nữa.

Sự thiệt hại chính doanh nghiệp (DN) phải chịu khi dự án không được triển khai và vốn bị chôn trong giai đoạn đầu tư ban đầu. Nhưng cho đến nay, các chủ đầu tư có dự án du lịch tại Sơn Trà vẫn hoàn toàn im lặng. Chưa có bất cứ chủ đầu tư nào lên làm "hiệp sĩ” giải cứu Sơn Trà ra khỏi quy hoạch Khu Du lịch Quốc gia bằng những giải pháp giúp tháo gỡ bế tắc "giải giáp" dự án du lịch khỏi khu bảo tồn thiên nhiên.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói tại hội thảo tổ chức ngày 15/7: "Chúng ta phải vận động ngay chính các DN, vì thương hiệu, tinh thần yêu nước, tinh thần xã hội thì nếu có chịu thiệt hại, hy sinh một phần nào đó cho Sơn Trà, thì đó chính là vinh dự". Nói đến vấn đề này một khi DN đã bỏ vào hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, e rằng thật khó làm hiệp sĩ!

Cũng ngay lúc này, dư luận Đà Nẵng còn quan tâm tới một diễn biến giải tỏa 400 hộ dân ra khỏi khu vực gây ô nhiễm của hai nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý ở quận Liên Chiểu, trong đó đáng chú ý là hai DN này phải chịu 50% tổng kinh phí bồi thường giải tỏa và tái định cư cho người dân. Không tính đến rủi ro về môi trường, vi phạm các quy chuẩn văn hóa... hoặc cố tình chà đạp các quy tắc bảo vệ môi trường, thì DN sẽ tất yếu gặp khó khăn.

Hiện nay cả nước đang xảy ra rất nhiều điểm nóng về môi trường liên quan đến hoạt động của DN. Các DN phần lớn bám vào sự bảo vệ của pháp lý, của chính quyền địa phương. Nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể nảy sinh vấn đề pháp lý chưa thể bao quát hết thực tế, và lúc đó DN sẽ phải đối mặt với dư luận nặng nề, ảnh hưởng đến thương hiệu, chưa kể sẽ thiệt hại trong khắc phục hậu quả môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà đầu tư phải là "hiệp sĩ”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO