Người Việt ngày càng ít đọc sách: Chuyện không có gì là lạ!

13/05/2013 08:37

Theo thống kê thì người Việt đọc không nổi đến một cuốn sách/năm.

Người Việt ngày càng ít đọc sách: Chuyện không có gì là lạ!

Theo thống kê thì người Việt đọc không nổi đến một cuốn sách/năm. Nhiều người giật mình trước thông tin này, tuy nhiên chuyện đó không có gì lạ, bởi lâu này người ta đã nói mãi về chuyện văn hóa đọc xuống cấp!

Mấy ngày qua dân tình ồn ào từ kết quả thống kê người Việt không chịu đọc sách mà Bộ VH-TT&DL công bố trước thềm Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2013. Cụ thể, dựa trên báo cáo hàng năm của các thư viện gửi về Bộ VH –TT&DL, trung bình người Việt đọc 0,8 cuốn sách/năm trong khi đó ngay tại các thư viện công cộng tỷ lệ này cũng chỉ đạt 0,38 cuốn.

Dù người mua sách nhiều nhưng số người đọc thật sự vẫn rất ít

Số liệu này là rất thấp tuy nhiên nó phản ánh đúng thực tế hiện tại. Trong nhịp sống hiện đại với quá nhiều các thiết bị điện tử, quá nhiều phương tiện giải trí nghe nhìn khác nhau thì văn hóa đọc đang giảm đi rõ rệt.

Hơn nữa, văn hóa đọc chưa được xây dựng đúng nghĩa cho thói quen của người Việt. Vì thế chuyện ngày nay người Việt không đọc nổi một cuốn sách/năm xem ra cũng không có gì là lạ!

Nếu như trước kia sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin và văn hóa, tri thức. Thì ngày nay với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, ngoài sách, con người còn tiếp nhận thông tin của các phương tiện đại chúng như: truyền hình, phim ảnh, Internet…

Đặc biệt là khi Internet phát triển nhanh chóng, người ta có thể dễ dàng tra cứu và có ngay thông tin muốn tìm. Thế nên với những người bộn bề công việc cơ quan, gia đình thì dần dần sẽ không có mấy người dành được chút thời gian trong ngày để đọc sách. Văn hóa đọc dần trở nên yếu thế là vậy.

Ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng dự án “Sách hóa nông thôn” năm 2011 khảo sát việc đọc sách của người nông dân cho thấy quá nửa kết quả là nhận được câu trả lời là 0.

Đối với giới trí thức, sinh viên, học sinh, những người thường xuyên phải đọc sách để bổ sung kiến thức mà tỷ lệ còn thấp, thì việc người nông dân, cả năm không đọc cuốn sách nào cũng là lẽ đương nhiên.

Ngoài sự ảnh hưởng của truyền hình, Internet đến văn hóa đọc thì những số liệu mới công bố trên cũng không đáng để giật mình bởi lẽ từ trước đến nay ở nước ta chưa xây dựng được một nền văn hóa đọc đúng nghĩa.

Cùng với gia đình, giáo viên chính là đối tượng có ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa đọc của con trẻ. Tuy nhiên, theo như thực tế hiện nay thì cả hai đối tượng này cũng đều đang ngày càng lười đọc sách.

Vì giáo viên không đọc sách nên trong lớp học từ tất cả các cấp học từ tiểu học, học sinh chỉ chăm chỉ được học hết kiến thức trong sách giáo khoa, giáo trình mà không được giáo viên khuyến khích thói quen đọc sách hay hướng dẫn cách lựa chọn sách, cách đọc sách hiệu quả.

Bậc phụ huynh cần khuyến khích trẻ đọc sách

Ở gia đình thì do bậc phụ huynh vì bận rộn với công việc cơ quan, những lo toan về cuộc sống gia đình nên cũng ít có thói quen đọc sách, họ không là tấm gương để có thể ảnh hưởng và vun đắp cho con mình sự yêu thích sách.

Bên cạnh đó, không ít cha mẹ không cũng không biết khuyến khích hay hướng dẫn con đọc sách nên chúng cứ lao vào truyện tranh, trò chơi điện tử, mạng xã hội, chương trình truyền hình… những thứ có sức hấp dẫn lớn hơn và đang là xu hướng.

Điều này không phải là võ đoán, thực tế một cuộc khảo sát gần đây của ngành giáo dục chỉ ra rằng: Có 79% phụ huynh không cùng con đọc sách, 86% phụ huynh không hề đọc một tác phẩm văn học thiếu nhi nào kể cả họ có con trong lứa tuổi thiếu nhi.

Vậy văn hóa đọc sẽ không thể phát triển trong xã hội hiện đại? Câu trả lời là không phải như vậy!

Trong xã hội hiện đại, văn hóa đọc sẽ vẫn phát triển nếu chúng ta có cách tiếp cận đúng đắn, để sách trở nên gần gũi và dễ đọc, dễ tìm hơn với người đọc. Hay nói đúng hơn là chúng ta biết xây dựng lại văn hóa đọc phù hợp, đặc biệt là ở thế hệ trẻ, mà hai đối tượng có ảnh hưởng nhiều nhất là trong nhà trường và gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Việt ngày càng ít đọc sách: Chuyện không có gì là lạ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO