Nghị quyết 19 và nhiệm vụ "mở đường" đến kinh tế thị trường

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)/HẢI VÂN ghi| 05/08/2015 06:00

Nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong Nghị quyết 19 nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Nghị quyết 19 và nhiệm vụ

Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ bàn về những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn 2015 - 2016 có phạm vi rộng và bao gồm nhiều vấn đề, trong đó nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường tuy chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng.

Đọc E-paper

Cụ thể, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường bao gồm 4 yêu cầu căn bản sau:

Một là phải sửa đổi, bổ sung những văn bản đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Thứ hai, cần cải cách toàn diện những quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh. Theo đó, có hai việc chủ yếu các cơ quan chức năng cần phải làm, đó là tập hợp, bãi bỏ tất cả những điều kiện kinh doanh hiện nay không còn hợp pháp, những điều kiện kinh doanh được ban hành bởi các bộ, UBND các tỉnh thành trực thuộc trung ương.

Cũng theo thống kê của CIEM, có tới gần một nửa điều kiện kinh doanh được ban hành hiện nay thuộc diện không còn hợp pháp, đó là còn chưa kể đến việc cần phải rà soát tính hợp lý của những quy định kinh doanh hợp pháp.

Tiếp đến, Nghị quyết cần phải cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước chuyên ngành về xuất nhập khẩu.

Hiện nay, có tới hơn 300 văn bản luật, nghị định, đặc biệt là thông tư liên quan đến vấn đề quản lý chuyên ngành về xuất nhập khẩu có nội dung không hợp lý, không rõ ràng và không đầy đủ, khiến cho việc thông quan của DN diễn ra chậm và tốn kém.

Trước mắt, nhiệm vụ này tuy không dễ nhưng lại không thể không làm và đầu tiên, các cơ quan chức năng phải xác định được danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu, có tên và mã phân loại hàng hóa (HS).

Bên cạnh đó, việc ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành nên theo hướng hậu kiểm, ít nhất phải có tên hàng hóa có xác định mã HS; cách thức và quy trình quản lý nhà nước chuyên ngành; đơn vị chịu trách nhiệm quản lý.

Hiện tại, gần như các quy định về quản lý chuyên ngành chưa đạt được ba yêu cầu này.

Cuối cùng là cần nâng cấp năng lực quản lý của các tổ chức, đơn vị quản lý chuyên ngành, trong đó có áp dụng công nghệ thông tin.

Cụ thể, việc thực hiện hải quan một cửa tại các cửa khẩu phải có các đơn vị kiểm định, kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để thực hiện các dịch vụ quản lý nhà nước, cung cấp các dịch vụ đó nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Đồng thời, các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong khuôn khổ Nghị quyết 19 cần phải được rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho DN, người dân, đặc biệt là những thủ tục hành chính liên quan đến chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Trên thực tế, môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều điều kiện thuận lợi. Những DN muốn gia nhập thị trường đều gặp rất nhiều rảo cản trong quá trình xin các loại giấy phép, đáp ứng các điều kiện kinh doanh.

Đối với những DN hoạt động trên một nền tảng kinh doanh chưa vững chắc, trên vai lại đè nặng thêm nhiều loại chi phí thì doanh nghiệp đó khó có thể vượt qua những rào cản kể trên, và không dễ gì phát triển lớn mạnh được.

Định hướng trong việc thực hiện Nghị quyết 19 là phải xây dựng được nền tảng kinh tế thị trường vững chắc, tạo nhiều thuận lợi hơn cho DN kinh doanh, đặc biệt trong vấn đề giảm gánh nặng chi phí.

Các nguyên tắc tính phí như hiện nay cũng đang gây sức ép lên DN, cụ thể trong việc tính phí trong khâu chứng nhận kiểm định hàng hóa xuất khẩu. Thậm chí có cơ quan còn lý giải rằng, đó là nhu cầu của DN để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, không phải yêu cầu của cơ quan Nhà nước, nên DN phải trả tiền, và việc thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm của Nhà nước.

Tuy Nhà nước đang thu thuế để thực hiện những công việc kể trên nhưng cũng không nên tính phí trong mọi hoạt động của DN. Mặt khác, nếu quản lý theo hướng các DN làm gì cũng phải trả tiền thì sẽ gia tăng động lực "được thu" của cơ quan Nhà nước và rất dễ để xảy ra tham nhũng.

Hệ thống luật pháp, đặc biệt là điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu hiện nay như một cuộn chỉ rối. Việc một vài người tháo gỡ nó là điều không thể, thậm chí còn làm thắt thêm nút.

Do đó, cần có công cụ để tháo gỡ, đó là phải "cắt bỏ", "làm lại", chỉ như thế mới tạo ra được một thể chế mới, thực sự hướng đến thị trường, phục vụ người dân, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

Đó là yêu cầu cao nhất của Nghị quyết 19, và làm được điều này hay không là phụ thuộc rất nhiều vào Chính phủ, các bộ ngành và cấp tỉnh - thành phố.

>Cải cách môi trường kinh doanh: Nghị quyết 19 bị thờ ơ

>Doanh nghiệp với Nghị quyết 02/NQ-CP

>Chính phủ ra nghị quyết "cứu" doanh nghiệp

>Hơn 1.000 dự án triển khai trái tinh thần nghị quyết 11

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghị quyết 19 và nhiệm vụ "mở đường" đến kinh tế thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO