Ngành nuôi tôm hướng đến phát triển bền vững

CẨM TÚ| 21/12/2013 09:46

Những tháng cuối năm 2013, nhiều tin vui liên tiếp về giá, sản lượng và vấn đề kiểm soát dịch bệnh đã đến với ngành tôm Việt Nam.

Ngành nuôi tôm hướng đến phát triển bền vững

Những tháng cuối năm 2013, nhiều tin vui liên tiếp về giá, sản lượng và vấn đề kiểm soát dịch bệnh đã đến với ngành tôm Việt Nam.

Đọc E-paper

Bên cạnh đó, rào cản vào thị trường Mỹ, Nhật cũng được nới lỏng bớt. Sau một thời gian dài lâm vào khó khăn, đến nay ngành nuôi tôm coi như đã phục hồi và hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2014.

Vẫn còn đó nỗi lo lâu dài

Ước tính từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu tôm đạt khoảng 2,5 tỉ USD, tăng gần 33% so cùng kỳ 2012 và chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đối với diện tích tôm nuôi thu hoạch đúng tuổi người nuôi có lãi bình quân từ 100-150 triệu đồng/ha chỉ sau vài tháng thả nuôi.

Đánh bắt tôm ở Quảng Ninh

Hội nghị Tổng kết nuôi tôm các tỉnh phía Bắc năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 5/12 tại TP. Vinh, Nghệ An đánh giá rằng điểm nổi bật trong vụ nuôi tôm 2013 là Việt Nam được hưởng lợi từ sự sụt giảm sản lượng của các nước trong khu vực do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp khiến nhu cầu nguyên liệu tăng, kéo theo giá tôm tăng cao.

Dự đoán cho năm 2014 cho thấy sản xuất tôm của Thái Lan khó có thể hoàn toàn khôi phục trước quý II. Mới đây chính phủ Ấn Độ cũng cho ngừng nuôi tôm trên toàn đất nước này ít nhất cho đến hết tháng 2/2014. Năm 2013, sản lượng tôm toàn cầu dự kiến giảm 23% và cần từ hai đến ba năm nữa để phục hồi mức sản lượng cũ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh rằng dù năm nay ngành tôm Việt Nam được mùa, được giá nhưng sẽ là chủ quan nếu người trong ngành sớm vui mừng. Những thuận lợi trước mắt sẽ dễ khiến nhiều người ồ ạt thả nuôi phá vỡ quy hoạch, đặt ra nhiều vấn đề cho việc phát triển bền vững.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng dự đoán sang năm 2014 lãi suất, tín dụng, các cơ chế chính sách sẽ tốt hơn, đó là điều kiện để ngành tôm phát triển. Tuy nhiên khi bước sang năm này lợi thế về giá có thể sẽ không còn do một số nước xuất khẩu tôm bị dịch bệnh trong năm 2013 sẽ khắc phục và tăng sản lượng tôm nuôi.

Thêm vào đó, hiện nay, dù Việt Nam đã có biện pháp khắc phục bệnh hoại tử gan tụy nhưng tình trạng tôm chết vẫn còn cao, nguyên nhân là do thời tiết bất ổn, mưa bão, lũ lụt thường xuyên, chất lượng con giống, thức ăn không đảm bảo…

Đặc biệt là việc thiếu áp dụng khoa học kỹ thuật, hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển của ngành dẫn đến môi trường nuôi dễ bị ô nhiễm. Ngoài ra, việc các hộ nuôi không theo quy hoạch cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm lan rộng, dịch bệnh gia tăng. Để duy trì khả năng cạnh tranh, ngành tôm Việt Nam cần sớm khắc phục những vấn đề vẫn tồn tại từ lâu.

Nâng cao ý thức cộng đồng của người nuôi tôm

Theo TS Trần Hữu Lộc, người tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục bệnh hoại tử gan tụy cấp thì khó khăn lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam là sự phát triển quá nhanh khiến quy hoạch, cơ sở hạ tầng, tín dụng và cả công tác quản lý, khoa học không chạy theo kịp dẫn đến nhiều nguy cơ và rủi ro. Để giải quyết các vấn đề trên ngành cần đến một nhóm tổng thể các giải pháp.

Trong đó, vai trò về quy hoạch, điều tiết, dự đoán và đầu tư cho hạ tầng, khoa học, công nghệ và cả tín dụng của Nhà nước với sự tham gia của các bên như doanh nghiệp, giới khoa học thủy sản là rất quan trọng. Quan trọng hơn nữa là ngành phải có được sự hợp tác của các hộ nuôi tôm nhằm thực hiện cho tốt các quy hoạch và định hướng.

Mấy tháng gần đây, trước lợi nhuận lớn của việc nuôi tôm, nhất là tôm thẻ trắng, nhiều hộ dân đã tự ý chuyển đổi diện tích trồng trọt kém hiệu quả sang nuôi tôm bất chấp quy hoạch chưa cho phép và cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm chưa được đầu tư tương xứng.

Chẳng hạn như ở Bến Tre đang có hiện tượng nông dân chặt dừa để lấy đất nuôi tôm. Ở những nơi này, người dân cũng chưa thật sự hợp tác với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong phòng chống dịch bệnh.

Hiện nay, trên cả nước, phần lớn các hộ nuôi trồng thủy sản đều làm theo kinh nghiệm, việc sử dụng các loại chế phẩm, thức ăn cũng trên tinh thần tự tìm hiểu, còn sử dụng lao động thì phụ thuộc vào sự quen biết nên vấn đề bảo đảm an toàn cho môi trường nuôi đã bị bỏ qua.

Để giảm nguy cơ bùng phát bệnh trên tôm, người nông dân cần biết được tường tận quy trình sản xuất, tiêu thụ an toàn. Từ đó mới nâng cao ý thức, trách nhiệm với xã hội trong việc bảo vệ môi trường xung quanh vùng nuôi, trong chế biến áp dụng biện pháp xử lý nước thải, chế độ cho người lao động…

Tháng Mười vừa qua, quy chuẩn VietGAP với những quy phạm thực hành áp dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm đã được đưa vào Việt Nam.

Tuy nhiên quá trình triển khai VietGAP gặp khá nhiều khó khăn như phải thay đổi nhận thức và tập quán của người sản xuất, người tiêu dùng, sự đáp ứng về cơ sở vật chất của các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, người nuôi thiếu thói quen ghi chép…

Những hy vọng từ Đề án Tái cơ cấu ngành

Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản với mục tiêu là duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, đề án này được kỳ vọng là sẽ giúp cải thiện cơ bản những bất cập của ngành thủy sản trong thời gian qua với hàng loạt các giải pháp như tập trung sản xuất thâm canh, áp dụng công nghệ cao, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp hạ tầng vùng nuôi, liên kết và tổ chức theo chuỗi sản phẩm.

Theo đó, Bộ sẽ tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho ngành thủy sản từ 7% của tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 lên 10% trong giai đoạn 2016-2020. Nguồn vốn bổ sung sẽ tập trung vào nghiên cứu sản lượng và dự báo, quản lý nghề cá, cơ sở hạ tầng, phòng chống dịch bệnh và các hệ thống sản xuất thử nghiệm.

Theo mục tiêu của đề án, ngành thủy sản phấn đấu đến năm 2020 giữổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 2,4-2,6 triệu tấn/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 11%/năm. Để đạt được những mục tiêu này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, ngành thủy sản phải thực hiện đồng bộ bảy giải pháp về quy hoạch, tổ chức, đầu tư, chính sách, khoa học công nghệ, thị trường và hợp tác quốc tế.

Cùng những giải pháp cơ bản của Bộ trưởng đưa ra, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng yêu cầu cụ thể là tới đây, Tổng cục Thủy sản cần tập trung quy hoạch vùng nuôi và ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản sẽ cùng các tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ; trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức theo chuỗi sản phẩm. Việc thiết lập được chuỗi liên kết này sẽ tạo cơ sở để các bên liên quan thảo luận, thương lượng về cơ chế lợi nhuận.

Sau một thời gian dài điêu đứng do phải đối mặt với hậu quả của quá trình phát triển manh mún, tự phát, ngành nuôi tôm đang đứng trước cơ hội khắc phục những thực trạng đáng tiếc từ nhiều năm nay. Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra. Tuy nhiên để không lặp lại những vấn đề trước đây thì cả Nhà nước lẫn người dân đều phải có sự quyết tâm thay đổi lớn.

Từ năm 2012 trở về trước, Việt Nam thường đứng ở vị trí thứ ba trong năm quốc gia châu Á dẫn đầu về sản xuất nuôi tôm (sau Trung Quốc và Thái Lan). Riêng năm 2013, Việt Nam qua mặt Thái Lan với sản lượng gần 476 ngàn tấn. Lý do là Thái Lan chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp khiến sản lượng tôm của nước này giảm mạnh từ mức 550 ngàn tấn năm 2012 xuống còn 250 ngàn tấn vào năm 2013. Tôm Việt Nam có mặt ở hơn 90 nước trên thế giới nhưng thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, Nhật, châu Âu với tỷ trọng khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu. Tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá với các nước đối thủ như Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan. Giá tôm xuất khẩu của Việt Nam luôn cao hơn từ 15 – 20% so với giá của tôm Ấn Độ và tôm Indonesia.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành nuôi tôm hướng đến phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO