Ngành giáo dục trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

NGỌC ANH/DNSGCT| 29/05/2017 06:27

Ngành giáo dục với chức năng đào tạo nhân lực đáp ứng chiến lược phát triển của đất nước lại chưa cho thấy sự quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngành giáo dục trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mấy năm qua đang là tâm điểm chú ý của các nhà làm chính sách của hầu hết các quốc gia bởi nó có thể làm biến đổi xã hội và nền kinh tế toàn cầu với tốc độ nhanh.

Đọc E-paper

Cuộc cách mạng này mang đặc trưng của mạng internet ngày càng phổ biến, trí thông minh nhân tạo và máy móc tự động hóa được nhiều nhà nghiên cứu gọi là “thời đại máy tính thứ hai”.

Thế nhưng không chỉ là máy móc và hệ thống thông minh được kết nối, mà phạm vi tác động của nó lớn rộng hơn nhiều liên quan đến nhiều lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, công nghệ sinh học, quản trị… và có thể nói đó là chìa khóa mở cánh cửa phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai không xa, liên quan đến tăng trưởng GDP, đầu tư, tiêu dùng, việc làm, y tế, giáo dục, quản lý nhà nước, năng suất lao động…

Ở nước ta, nhiều cuộc hội thảo thu hút các nhà nghiên cứu và giới làm ăn, đó là dịp tiếp cận với khái niệm “cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (cách mạng công nghiệp 4.0) đang diễn ra với tốc độ nhanh và hiệu suất cao. Thế nhưng có vẻ như ngành giáo dục với chức năng đào tạo nhân lực đáp ứng chiến lược phát triển của đất nước lại chưa cho thấy một sự quan tâm đến đề tài này, chưa có một cuộc hội thảo nào được tổ chức với quy mô lớn để bàn về một vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm của mình.

Chẳng hạn như lâu nay chúng ta vẫn thường nghe nói đến tình trạng hàng trăm ngàn sinh viên ra trường không có việc làm hoặc phải kiếm sống bằng nghề khác với những gì được đào tạo. Đó chẳng phải là trách nhiệm của ngành giáo dục hay sao? Và liệu rồi trong một thời gian không xa, cách mạng công nghiệp 4.0 đi vào đời sống kinh tế sẽ tạo ra ít công việc hơn thì tình hình thất nghiệp sẽ ra sao nếu không có những bước chuẩn bị về nhân lực ngay từ bây giờ?

>>3 kỹ năng cần có để không bị robot thay thế

Các nhà nghiên cứu của Trường ĐH Oxford đã lượng hóa tác động của đổi mới công nghệ với tình trạng thất nghiệp bằng cách xếp hạng 702 ngành nghề khác nhau bị nguy cơ tự động hóa đe dọa từ ít nhất đến nhiều nhất, đây là một tham khảo quý giá cho các nhà làm chính sách và chuyên gia ngành giáo dục.

Xin trích dẫn sau đây một vài ghi nhận:

Những ngành có khả năng tự động hóa nhất gồm: điện thoại viên, người khai thuế, các viên chức trong lĩnh vực thể thao, thư ký và trợ lý hành chính, tiếp viên hàng không, nhà hàng và quán cà phê, môi giới bất động sản, nhà thầu lao động, người đưa thư.

Những ngành nghề ít khả năng tự động hóa gồm: nhân viên xã hội và chăm sóc bệnh nhân, thầy thuốc và bác sĩ phẫu thuật, nhà tâm lý học, quản lý nhân sự, phân tích hệ thống máy tính, biên đạo múa, nhân chủng học, khảo cổ học, kiến trúc sư, quản lý bán hàng, giám đốc điều hành.

Danh sách này rất dài và có ích để tham khảo, cho thấy trong điều kiện của cách mạng công nghiệp 4.0 thì khả năng dự đoán xu hướng việc làm và nhu cầu kiến thức là vô cùng quan trọng, đó cũng là bài toán đặt ra cho hệ thống giáo dục của bất cứ nước nào, nhất là các nước đang đi tìm một mô hình phát triển phù hợp với hoàn cảnh như chúng ta. 

>>Tự động hóa - cuộc thôn tính thầm lặng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành giáo dục trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO