Nâng cao năng lực cạnh tranh: Chọn cách tiếp cận nào?

NGUYỄN MINH THẢO - Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - CIEM (HẢI VÂN ghi)| 16/02/2017 06:28

Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2017 vừa được ban hành.

Nâng cao năng lực cạnh tranh: Chọn cách tiếp cận nào?

Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2017 vừa được ban hành. Tại Nghị quyết này, Chính phủ lựa chọn cách tiếp cận của quốc tế để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đọc E-paper

Chính phủ muốn có những cải cách trong thu hút đầu tư, đặc biệt là sự tương quan giữa các yếu tố phát triển và thứ hạng của các chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh. Chính phủ cho rằng nếu nước ta lựa chọn cách tiếp cận của quốc tế có thể cải thiện được môi trường kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh và qua đó nâng cao GDP bình quân đầu người.

Hiện Việt Nam đang nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, thậm chí có những chỉ số như tự do kinh tế còn nằm ở nhóm dưới. Vì vậy, để tạo ra động lực tăng trưởng, cần phải cải cách và cải cách không chỉ ở môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh mà còn phải cải cách cả những nội dung liên quan.

Những vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh không thể chỉ một cơ quan là có thể xử lý bởi các chỉ số của nó liên quan đến nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau. Từ năm 2014 đến nay, môi trường kinh doanh của nước ta được cải thiện mạnh mẽ, tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với 5 chỉ số tăng hạng. Đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh chỉ là một chỉ số của năng lực cạnh tranh. Vì thế, dù môi trường kinh doanh tốt hơn, nhưng năng lực cạnh tranh của nước ta lại bị giảm thứ hạng trong năm 2016 do các yếu tố khác ngoài môi trường kinh doanh vẫn không được cải thiện, trong khi nhiều quốc gia khác có sự cải thiện tốt hơn.

Chính phủ đặt ra mục tiêu năm 2017 phải cải cách không chỉ yếu tố môi trường kinh doanh mà cả năng lực cạnh tranh. Chỉ số đổi mới sáng tạo được xác định là yếu tố vô cùng quan trọng trong năng lực cạnh tranh, nên buộc phải cải cách, nhất là sau sự sụt giảm thứ hạng trong năm 2016. Năm qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện được 9 bậc nhưng vẫn có khoảng cách rất xa so với Thái Lan. Còn nếu so với Malaysia thì còn xa hơn nữa và càng không thể so sánh được với Singapore.

>>Top 10 nước năng lực cạnh tranh tốt nhất thế giới

Hiện các quốc gia trong khu vực đã có những cải thiện tốt hơn và tiếp tục vươn lên trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, Brunei vươn lên 25 bậc hay Indonesia lên tới 15 bậc. Áp lực này là rất lớn đối với Chính phủ. Việt Nam muốn vào được ASEAN 6 phải vươn lên vị trí 56 từ vị trí 82 hiện nay và khoảng cách này là rất dài, đòi hỏi các bộ ngành, địa phương phải cải cách nhiều hơn nữa.

Trong Nghị quyết 19/2017, Chính phủ đã đưa ra 230 chỉ tiêu cụ thể và xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan cũng như đơn vị chủ trì thực hiện. Sau này, Chính phủ sẽ dựa trên đánh giá của các tổ chức để xác định các bộ, ngành dựa trên các chỉ số có liên quan. Nghị quyết 19/2017 với 5 phụ lục chi tiết và các chỉ tiêu cụ thể, như năng lực cạnh tranh có 114 chỉ tiêu, năng lực cạnh tranh đổi mới sáng tạo có 82 chỉ tiêu, chính phủ điện tử cũng có 9 chỉ tiêu...

Tất cả những chỉ tiêu này, Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, cơ quan liên quan để triển khai thực hiện. Theo đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư được giao xử lý những vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Bộ Khoa học và Công nghệ được giao những vấn đề về đổi mới sáng tạo, hay Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nội dung chính phủ điện tử... Nghị quyết cũng tập trung vào vấn đề thực thi của các địa phương nhằm đạt được sự mong đợi của người dân và doanh nghiệp.

Cũng trong năm 2017, Chính phủ sẽ thành lập một đơn vị giám sát, đánh giá độc lập để thường xuyên theo dõi những đơn vị thực thi. Đầu mối tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp là Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Hằng quý, các tổ chức này sẽ có những đánh giá về quá trình thực hiện, xử lý những vướng mắc của doanh nghiệp hay những nội dung cần sửa đổi, những thủ tục hành chính có liên quan...

Đó là thách thức cho cơ chế giám sát mà Chính phủ đặt ra để làm sao nước ta có được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó có 5% là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Triển khai Nghị quyết 19/2017, Chính phủ cũng muốn thực hiện "cuộc cách mạng 4.0" về năng lượng tái tạo, chính phủ điện tử cũng như nhấn mạnh việc xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.

>>Làm sạch môi trường kinh doanh: Cách nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nâng cao năng lực cạnh tranh: Chọn cách tiếp cận nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO