Nan giải chống chuyển giá

13/12/2012 09:29

Liên tục báo lỗ trong nhiều năm, nhưng các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam vẫn tiếp tục rót vốn lớn vào thị trường.

Nan giải chống chuyển giá

Liên tục báo lỗ trong nhiều năm, nhưng các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam vẫn tiếp tục rót vốn lớn vào thị trường. Hàng loạt nghi án chuyển giá liên tục được phát hiện trong thời gian gần đây với các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), như: Coca-Cola Việt Nam, Metro... đã đặt ra yêu cầu cần kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc kiểm soát chống chuyển giá tại Việt Nam đang là thách thức không nhỏ khi các DN FDI đã lợi dụng những kẽ hở trong quản lý để trốn thuế. 

Doanh thu luôn tăng theo chiều thẳng đứng, nhưng chưa năm nào Coca-Cola Việt Nam phải đóng thuế do liên tục báo lỗ. Trong khi tổng doanh thu của hãng này đã tăng lên 1.000 tỷ đồng - gấp 2,5 lần, doanh số bán hàng thì tăng lên gần gấp 3 lần thì số lỗ lũy kế đến hết năm 2010 đã lên tới 3.700 tỷ đồng - lớn hơn cả số vốn mà hãng này đã đầu tư vào Việt Nam.

Dấu hiệu chuyển giá

Tương tự, hãng phân phối Metro Cash&Carry Việt Nam cũng bị liệt vào "danh sách đen" khi doanh thu tăng cao nhưng kết quả kinh doanh vẫn báo... lỗ triền miên.

Trái ngược với bức tranh kinh doanh thua lỗ kéo dài, trên thực tế, Coca-Cola đang là một trong những thương hiệu nước giải khát chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam.

Ngay trong chuyến thăm gần đây nhất, ông Muhtar Kent - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Coca-Cola, vẫn khẳng định Việt Nam là thị trường hấp dẫn. Do đó, sau khoản đầu tư 200 triệu USD trong 3 năm, ông Kent cho biết sắp tới tập đoàn này sẽ tiếp tục "rót" thêm 300 triệu USD vào Việt Nam.

Còn với Metro Cash&Carry, thua lỗ kéo dài và chỉ có chút lãi vào năm ngoái, nhưng cũng trong nhiều năm qua, hãng này đã liên tục mở rộng đầu tư, xây thêm hệ thống siêu thị bán buôn với 19 trung tâm trên cả nước tính đến năm nay.

Với "nghịch lý" thua lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư của Coca-Cola hay Metro, có không ít nghi vấn đang đặt ra về khả năng chuyển giá của các DN này nhằm trốn những khoản thuế lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Khó chống chuyển giá

Ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó trưởng ban cải cách, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho biết mặc dù các phương tiện truyền thông đã đặt ra nghi vấn chuyển giá của Coca-Cola, nhưng trên thực tế, các cơ quan thuế vẫn chưa thực hiện thanh tra để xác định nghi án chuyển giá của hãng này.

Tuy nhiên, đánh giá về quá trình đầu tư của Coca-Cola tại Việt Nam, ông Tiến cho biết hãng này có tốc độ phát triển khá nhanh, và trong trường hợp các DN kê khai lỗ triền miên mà vẫn mở rộng đầu tư, thì sẽ được xem là "có dấu hiệu" của chuyển giá.

"Thành lập vào năm 1993 - 1994 tại TP.HCM, nhưng phát triển thị trường rất nhanh. Lúc đầu theo hình thức liên doanh, nhưng sau đó sử dụng các chi phí quảng cáo và mua lại vốn để trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. Trong suốt quá trình hoạt động đến nay, hãng này đều báo lỗ.

Vừa rồi Cục Thuế TP.HCM mới thanh tra một năm 2006 và chỉ thanh tra doanh thu chi phí thông thường theo Luật Thuế thu nhập DN và đã giảm lỗ 951 tỷ đồng. Với tư cách là Tổ trưởng Tổ chuyển giá, chúng tôi sẽ tập trung thanh tra chuyên ngành nước giải khát như Pepsi, các nhà máy bia Việt Nam hoạt động đều báo lỗ cả.Trong trường hợp như vậy, kể cả lỗ thì phải giải trình nguồn tiền ở đâu, ngoài thanh tra, kiểm tra phải bổ sung thêm cơ chế pháp lý như vốn, lỗ liên tục, chuyển vốn ra ngoài nhưng vay của công ty mẹ...", ông Tiến nói.

Lý giải về nguyên nhân thua lỗ kéo dài, các DN FDI đều cho rằng do có sự chênh lệch về giá thu mua nguyên phụ liệu hoặc chi phí đầu tư lớn khiến cho DN khó thu hồi vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những cơ sở trên rất khó để xác định hành vi chuyển giá của các DN FDI.

Đơn cử với Coca-Cola, hương liệu mà công ty này nhập khẩu từ công ty mẹ chiếm đến 70% giá vốn là sản phẩm đặc thù. Ông Michael Palmer - chuyên gia về giá của Australia, cho rằng đây là trường hợp cá biệt, nên rất khó để tìm sản phẩm có giá so sánh thay thế.

Còn theo ông Nhan Đình, Giám đốc Viện Kế toán quốc gia Thượng Hải (Bộ Tài chính Trung Quốc), khi có nghi vấn về những giao dịch không công bằng về các sản phẩm nhập khẩu như của Coca Cola, có thể tiến hành so sánh với các giao dịch độc lập.

"Cần kiểm tra xem có các sản phẩm tương tự hay không, hương liệu đó có bán chỗ khác không, giá như thế nào. Hoặc có thể sử dụng biện pháp phân tách lợi nhuận và hoài nghi lại lợi nhuận của họ để đối chiếu quay ngược lại. Nếu có công tác thông tin và cơ sở dữ liệu tốt thì hoàn toàn có thể", ông Nhan Đình cho biết.

Theo các chuyên gia, việc kiểm soát chuyển giá của các DN FDI hiện gặp rất nhiều khó khăn do những quy định hiện hành chưa đầy đủ, trong khi năng lực của cán bộ chuyên ngành lại chưa đáp ứng được yêu cầu.

Do vậy, đây sẽ là thách thức lớn cho các cơ quan chuyên ngành trong quá trình chống chuyển giá của các DN FDI nhằm lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nan giải chống chuyển giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO