Muốn hội nhập, vốn phải thông

LINH CHI| 15/03/2016 01:55

Vốn đầu tư là yếu tố quyết định để có thể cải thiện được những yếu kém và đưa doanh nghiệp (DN) hội nhập dễ dàng hơn.

Muốn hội nhập, vốn phải thông

Vốn đầu tư là yếu tố quyết định để có thể cải thiện được những yếu kém và đưa doanh nghiệp (DN) hội nhập dễ dàng hơn.

Đọc E-paper

Nếu tính từ ngày 20/12/2015, khi Hiệp định Thương mại dự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, cho đến hết tháng 2/2016, tăng trưởng đầu tư nước ngoài của riêng Hàn Quốc đã tăng khoảng 17-18%. Cũng trong giai đoạn này, những dự án đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng tăng vọt.

Nghĩa là người Hàn đã tận dụng cơ hội rất nhanh, mạnh và trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ kinh doanh ăn uống, đến công nghiệp hỗ trợ...

Trong khi đó, DN tư nhân trong nước được đánh giá cao về nỗ lực, sự năng động nhưng vẫn còn hạn chế về trình độ quản trị cũng như yếu kém về vốn, dẫn đến một sự rụt rè nhất định và chưa tận dụng được các cơ hội đầu tư mở ra từ FTA.

Chưa thắng được trên sân khách thì ngay tại sân nhà, DN trong nước cũng gặp không ít thách thức. Sau khi gia nhập WTO, Chính phủ đã có lộ trình mở cửa thị trường phân phối, dịch vụ cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài và để chuẩn bị cho DN trong nước thích nghi.

Nhưng đã gần 10 năm trôi qua, lộ trình giữ thị trường bắt đầu hết nhưng khả năng cạnh tranh của DN trong nước vẫn để ngỏ. Thị trường phân phối hiện nay đã xuất hiện nhiều NĐT nước ngoài nắm giữ. Nhu cầu về những giải pháp hỗ trợ của Nhà nước dành cho DN phân phối, dịch vụ nói riêng và DN nói chung là rất cấp thiết.

Rõ ràng, với sức ép cạnh tranh gia tăng, DN không có nhiều thời gian để xoay xở, vừa làm vừa tích luỹ theo từng năm vì đơn giản là khi chưa kịp lớn đã có thể chết yểu hoặc bị thâu tóm. Tuy nhiên, như đã nói, mọi yếu kém của DN tính đến thời điểm này, nguyên nhân sâu xa vẫn là vốn.

Theo đó, một số ý kiến cho rằng, để có thể hội nhập, trước hết, tính toán về vốn hay nhu cầu về vốn phải đưa ra sao cho chi tiết và rõ ràng nhất. Bởi vì trong ngắn hạn, nếu có vốn mới có thể kịp bổ sung công nghệ, nhân sự, chất lượng quản trị nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh.

Nguồn vốn từ ngân hàng hay từ thị trường chứng khoán lúc này không chỉ đóng vai trò tài trợ, cấp tín dụng cho DN, mà trở thành đòn bẩy để giúp DN vững bước trên con đường hội nhập.

>>AIIB nỗ lực "giải khát" nguồn vốn cải thiện cơ sở hạ tầng châu Á

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, tỏ ra khá lo ngại khi lãi suất bắt đầu nhích lên. Mặc dù điều này chứng tỏ nền kinh tế có những sự khởi sắc nhưng cũng phải xác định rõ lãi suất tăng lên bởi vì đâu. Dồn vào cho sản xuất hay dồn vào bất động sản? Nếu lãi suất tăng lên do bất động sản thì đó không phải tín hiệu tốt.

Bên cạnh yêu cầu DN phải chứng tỏ được năng lực cạnh tranh, uy tín sản phẩm, mức độ ảnh hưởng, lòng tin đối với người tiêu dùng, ông Vũ kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải xác định giá tăng là vì nhu cầu hay là do đầu cơ.

Cũng có cái nhìn tương đồng, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết, trong năm 2016, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành, nhiều hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia có hiệu lực, nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ sớm được ký kết, đang tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các DN trong nước.

Trong khi lãi suất cho vay vẫn là mối quan tâm hàng đầu vì nguồn vốn vay chủ yếu của DN đến từ hệ thống ngân hàng thương mại. "Gần đây, dù DN vừa và nhỏ tiếp cận được vốn từ cơ chế vay tín chấp nhưng rất cần áp dụng mức lãi suất phù hợp, bởi trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn của DN không còn bao nhiêu, nếu lãi suất cao DN sẽ không chịu nổi", ông Hưng nói.

Tại những chương trình kết nối ngân hàng và DN gần đây, vấn đề được DN quan tâm hàng đầu cũng là lãi suất - nhất là lãi suất trung dài hạn cần ổn định để DN yên tâm đầu tư.

Đơn cử, với việc đổi mới máy móc, thiết bị, đầu tư nhà xưởng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất cần từ 3 - 5 năm, nhưng lãi suất vay trung dài hạn hiện chỉ ổn định trong năm đầu và thả nổi những năm tiếp theo.

Khi thị trường biến động và lãi suất tăng cao sẽ tác động rất lớn đến hoạt động của DN. Từ cuối năm 2015 đến nay, xu hướng tăng lãi suất huy động lan rộng khiến không ít DN thấp thỏm lo lãi suất cho vay sẽ "đu" theo.

>>Giảm lãi suất: “Chìa khóa” nằm ở kiềm chế lạm phát?

Ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ NHNN, thừa nhận, năm 2016, thị trường tài chính quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, dẫn đến chính sách kinh tế vĩ mô không nhất quán, thậm chí trái chiều, gây ra sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư.

Điều này thể hiện rất rõ qua việc thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm và bị chi phối mạnh bởi diễn biến nền kinh tế Trung Quốc có chiều hướng xấu đi.

Một số thị trường chứng khoán như Trung Quốc, Hàn Quốc thậm chí phải đóng cửa vài lần và cũng tạo ra những rủi ro nhất định cho thị trường Việt Nam.

Nhu cầu vốn của nền kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, thu ngân sách sẽ gặp nhiều thách thức dẫn đến việc phải phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi ngân sách sẽ cao hơn, đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ tăng và tác động đến lãi suất của các tổ chức tín dụng.

Trong năm 2015, mặc dù lãi suất giảm nhẹ nhưng một số đợt huy động trái phiếu chính phủ không thành công đã đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ tăng khoảng 0,6% và tạo áp lực lên mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong dài hạn.

Rõ ràng, thách thức đặt ra đối với DN vẫn là làm sao ổn định lãi suất, qua đó giúp DN có được nguồn vốn với chi phí tốt nhất để sản xuất, kinh doanh.

Bởi chỉ khi chính sách tiền tệ được điều tiết hài hoà, vừa để kiềm chế lạm phát, giữ ổn định mặt bằng lãi suất, vừa đảm bảo hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng (TCTD) đầu tư vào trái phiếu chính phủ, đồng thời, DN cũng kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục kiên định, điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, để thực hiện linh hoạt việc bơm-hút tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các kênh khác để điều tiết thanh khoản hợp lý, hỗ trợ các TCTD cung ứng vốn vào nền kinh tế, đồng thời cũng kiểm soát lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá...

>>Mười giải pháp ổn định tỷ giá

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Muốn hội nhập, vốn phải thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO