Một vài ý kiến về quy định chống chuyển giá

Ths-LS. NGUYỄN ĐỨC NGHĨA| 19/11/2018 07:00

Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ là công cụ pháp luật nhằm chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) để kiểm soát tốt hơn việc chuyển giá, nếu có, của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, qua hơn một năm áp dụng vẫn còn một số điểm chưa đồng thuận, khó áp dụng.

Một vài ý kiến về quy định chống chuyển giá

Nên xem xét cụ thể từng trường hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu chống chuyển giá nhưng cũng tạo điều kiên cho DN mạnh dạn sử dụng đòn bầy tài chính, mở rộng sản xuất, kinh doanh

Cụ thể là quy định về chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thuế thu nhập doanh nghiệp theo Khoản 3 Điều 8: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.

Có hai vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng. Điều 8 quy định về việc "Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù”. Như vậy, quy định về lãi vay (Khoản 3) chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù. Tuy nhiên, Nghị định 20 không giải thích từ ngữ về "giao dịch liên kết đặc thù” nên khó xác định đối tượng. Hoặc áp dụng với tất cả các bên có quan hệ liên kết theo Điều 5.

Đây là cách hiểu của hầu hết DN hiện nay. Tuy nhiên, phạm vi bao quát của Điều 5 thì quá rộng, gần như bao quát hầu hết các loại hình DN. Bởi vì tất cả đều có quan hệ giao dịch liên kết thông qua các hình thức mua, bán, thuê, mượn, vay và thỏa thuận sử dụng chung nguồn giữa các DN, cụ thể bằng việc góp vốn, cho vay mượn hay điều hành.

Theo tôi, nếu áp dụng quy định của Khoản 3, Điều 8 đối với DN Việt Nam thì có thể dẫn đến việc giảm động cơ phấn đấu của họ. Bởi vì với xuất phát điểm từ một nền kinh tế nghèo nàn, kinh nghiệm thị trường hạn chế, hầu hết DN trong nước đều  mỏng về vốn và yếu về quản trị, sự chia sẻ về nguồn lực là tất yếu. Nếu vì sự chia sẻ nguồn lực này mà bị khống chế chi phí lãi vay thì rất khó để lớn mạnh.

Hơn nữa, Nghị định 20 là cơ sở pháp luật nằm trong lộ trình thực hiện BEPS của Việt Nam. Đây là công cụ đồng bộ với các hiệp định về thuế và các cơ quan thuế đối tác nhằm tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập ký kết giữa Việt Nam với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Như vậy, DN trong nước nên được gia hạn áp dụng Nghị định 20 (hoặc không thuộc đối tượng của nghị định này). Điều này giúp DN tập trung nguồn lực phát triển và phù hợp trình độ quản lý, đồng thời phù hợp xu thế bảo hộ mậu dịch của một số nước trên thế giới hiện nay.

Thứ hai, về phạm vi lãi vay áp dụng điều chỉnh 20%. Theo hướng dẫn của Cục Thuế Hà Nội (Công văn 1990 ngày 15/1/2018), Cục Thuế TP.HCM (Công văn 5772 ngày 15/6/2018) và gần đây là Công văn số 3790/TCT-DNL ngày 5/10/2018 của Tổng cục Thuế, tổng mức chi phí lãi vay của người nộp thuế được trừ theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 được tính trên tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ, không phân biệt lãi vay phát sinh với bên liên kết hay bên độc lập.

Có thể hiểu, quan điểm nhất quán của cơ quan quản lý thuế là khống chế toàn bộ lãi vay nhằm triệt để ngăn ngừa việc trốn lậu thuế thông qua giao dịch liên kết. Tuy nhiên, các DN cho rằng không phải tất cả các giao dịch vay mượn đều ẩn chứa giao dịch chuyển giá. Ví dụ chi phí lãi vay ngân hàng để kinh doanh của DN ít có khả năng liên quan đến chuyển giá. Do đó, việc khống chế 20% BEPS đối với tổng chi phí lãi vay sẽ gây khó cho nhiều DN Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các DN có tỷ lệ tiền vay cao.

Về vấn đề này, chúng tôi kiến nghị nên xem xét cụ thể từng trường hợp, nhắm đáp ứng yêu cầu chống chuyển giá nhưng cũng tạo điều kiên cho DN mạnh dạn sử dụng đòn bầy tài chính, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, ngăn ngừa việc trốn lậu thuế và chống chuyển giá đang là vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý thuế của các quốc gia. Đặc biệt, khi dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều và các hình thức thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh mẽ, đòi hỏi sự đồng hành, hợp tác, trách nhiệm của người nộp thuế cùng cơ quan thuế. Mặt khác, cộng đồng DN cũng mong muốn có một hành lang pháp lý thuế minh bạch, thông thóang, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN trong nước mau lớn mạnh để chung tay xây dựng nền kinh tế thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một vài ý kiến về quy định chống chuyển giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO