Mở hướng phát triển cho ngành du lịch

TS. NGÔ VƯƠNG ANH - Hội Sử học Việt Nam| 17/08/2016 06:41

Thủ tướng đã đồng ý thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch ngay trong tháng 8/2016, đổi mới xúc tiến quảng bá du lịch, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Mở hướng phát triển cho ngành du lịch

Ngày 9/8, Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch lần đầu tiên được Chính phủ tổ chức với quy mô lớn tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.   

Đọc E-paper

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị với tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các cơ quan quản lý, chuyên gia và nhiều doanh nghiệp (DN) ngành du lịch. Hội nghị được kỳ vọng mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ ngành du lịch.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Chính phủ đang xây dựng và sẽ trình Quốc hội ban hành luật mới về du lịch, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".

Thông tin từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy, năm 2015, du lịch đóng góp 6,6% GDP, tạo 2,25 triệu việc làm và xuất khẩu tại chỗ đạt giá trị 8,5 tỷ USD.

Cùng với sự tăng trưởng về lượng du khách đến Việt Nam thì DN lữ hành, khách sạn và cơ sở lưu trú cũng tăng đáng kể. Cả nước đã có 1.550 DN lữ hành quốc tế, tăng 1,7 lần so với năm 2010, hơn 20.100 cơ sở lưu trú, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2010. Đến tháng 5/2016, cả nước đã có 101 khách sạn 5 sao, 229 khách sạn 4 sao và 463 khách sạn 3 sao.

Tuy nhiên, đánh giá chung của quốc tế về du lịch Việt Nam là "giàu tiềm năng nhưng ít khả năng" trong khi cả nước có 20 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, 72 di tích quốc gia đặc biệt, 3.369 di tích quốc gia, hơn 8.000 lễ hội dân gian và hàng ngàn làng nghề truyền thống, thể hiện rõ bản sắc độc đáo của văn hóa Việt Nam...

Còn theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2015, Việt Nam được đánh giá cao về các chỉ số tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa và sức cạnh tranh về giá.

Tiềm năng du lịch của Việt Nam được xếp rất cao, đứng thứ 16, sức cạnh tranh về giá đứng thứ 22/141, tài nguyên văn hóa 33/141, chỉ số tài nguyên thiên nhiên xếp thứ 40/141 nước được đánh giá.

Tuy nhiên xếp hạng cạnh tranh về du lịch thế giới năm 2015, Việt Nam chỉ đứng thứ 75/141 nước được đánh giá. Trong khu vực, du lịch Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Do yếu kém trong quảng bá, còn thiếu điểm đến nổi trội, khác biệt để cạnh tranh với các nước trong khu vực nên khách du lịch các nước đến Việt Nam còn thấp. Công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch còn nhiều thiếu sót, nguồn nhân lực du lịch hạn chế về số lượng và chất lượng, công tác xã hội hóa phát triển du lịch chưa được đẩy mạnh.Hiện tượng chặt chém, ép giá, ép mua, đeo bám và chưa bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách còn xảy ra ở nhiều nơi. Thái độ ứng xử của một bộ phận người làm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp.

Có tới 70% khách đến Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.

Sự kết nối với các ngành khác như hải quan, thuế, ngoại vụ của du lịch Việt Nam cũng không mạnh. Mới chỉ có 22 nước và vùng lãnh thổ được miễn thị thực khi đến Việt Nam, trong khi các nước trong khu vực đã miễn thị thực cho từ 60 đến gần 160 nước và vùng lãnh thổ.

>>Việt Nam miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu

Để đạt mục tiêu trước mắt là đến năm 2020, du lịch Việt Nam có ít nhất 15 triệu khách quốc tế và 75 triệu khách nội địa, đóng góp 10 - 12% GDP, ít nhất 20 tỷ USD xuất khẩu tại chỗ, Thủ tướng đã đồng ý thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch ngay trong tháng 8/2016, đổi mới xúc tiến quảng bá du lịch, tháo gỡ khó khăn cho DN. Thủ tướng yêu cầu ngành du lịch nâng cao chất lượng cơ sở du lịch - dịch vụ tại các địa phương, đối xử thân thiện với du khách tại các sân bay, cửa khẩu...

Với tinh thần đó, Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì triển khai cấp thị thực điện tử từ ngày 1/1/2017, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp xây dựng để ban hành khung trình độ nghề du lịch, bộ tiêu chuẩn quốc gia về du lịch, thành lập hội đồng nghề du lịch quốc gia; giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ các dịch vụ, khu, điểm du lịch, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hướng tới tương lai phát triển bền vững là rất cần, nhưng trước hết phải coi du lịch là một ngành kinh tế - dịch vụ để tập trung cải thiện hạ tầng như giao thông, lưu trú và các vấn đề khác ở mỗi địa phương. Du lịch phải gắn với cộng đồng. Cộng đồng phải được hưởng lợi từ du lịch và phải xây dựng được nếp sống văn minh của cộng đồng dựa trên 3 chỉ số hoàn hảo: trật tự (kể cả giao thông), giá cả và công trình vệ sinh. Điều này có ý nghĩa lớn nếu muốn du khách quay lại.

Để ngành du lịch có tính chuyên nghiệp cao, đủ sức cạnh tranh, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc dân tộc còn cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời phải siết chặt quản lý đối với hoạt động du lịch lữ hành quốc tế.

Dù đường còn dài và còn nhiều việc phải làm nhưng Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch đã mở hướng cho ngành du lịch Việt Nam phát triển.

>>7 điểm du lịch kỳ thú nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở hướng phát triển cho ngành du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO