Mặt trái của mô hình đặc khu kinh tế

14/04/2015 07:05

Ngoài giúp các nhà xuất khẩu và đầu tư nhận ưu đãi thuế, chính sách thì mô hình trên cũng gây ra nhiều tác động méo mó cho nền kinh tế.

Mặt trái của mô hình đặc khu kinh tế

Theo nhận định của tờ The Economist, chưa bao giờ hình thái đặc khu kinh tế được ưa chuộng và phổ biến khắp thế giới như hiện nay, hoặc vì kinh tế, hoặc vì chính trị.

“Mốt” đặc khu kinh tế

Rwanda đã phát triển kế hoạch chiến lược cho các đặc khu kinh tế. Myanmar vừa mở cửa đã lập tức triển khai hình thái này. Các nước đã hâm mộ hình thái đặc khu từ lâu, từ Trung Quốc cho tới Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), thì đang tăng nhanh số lượng đặc khu.

Những kế hoạch của Ấn Độ về đặc khu giống như một cuộc “cách mạng”, với ước tính sẽ làm tăng 2% GDP nước này, theo một bộ trưởng.

Các đặc khu đang được các chính quyền ưu ái phát triển mạnh mẽ. Những “thiên đường” như thế thậm chí cũng được ưa chuộng ở chính các “thiên đường”: quần đảo Cayman cũng mới có một đặc khu. “

Đất nước nào 10 năm trước không có (một đặc khu) thì giờ cũng đã có hoặc cũng chuẩn bị có”, Thomas Farole của Ngân hàng Thế giới nói.

Nếu các bộ trưởng thương mại nghiên cứu kỹ lịch sử có lẽ họ sẽ chần chừ hơn. Đặc khu kinh tế - nơi các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư nhận ưu đãi về thuế, phí và chính sách ưu đãi khác - mang lại những tác động méo mó cho nền kinh tế.

Trong thực tế, nhiều đặc khu đã thất bại. Rất khó thu thập dữ liệu bởi hiệu quả của đặc khu rất khó tách ra từ các phần khác của nền kinh tế.

Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy có ba dạng đặc khu chủ yếu: một số ít thành công xuất sắc; một số lớn hơn mang lại những lợi ích ngoại biên khi đánh giá hiệu quả chi phí; và một danh sách dài các đặc khu kinh tế thất bại hoặc chưa từng vận hành, hoặc yếu kém, hoặc các nhà đầu tư hoan hỉ nhận các ưu đãi thuế khóa nhưng chẳng đem lại lợi ích về việc làm hay xuất khẩu như chính quyền mong đợi.

Đặc khu có lịch sử lâu đời: các vùng tự do thương mại đầu tiên xuất hiện từ thời Phoenicia cổ đại. Đặc khu hiện đại đầu tiên được dựng lại là sân bay Shannon ở Ireland năm 1959, nhưng ý tưởng về đặc khu chỉ thực sự cất cánh sau khi được người Trung Quốc bắt đầu thực hiện.

Hiện nay số lượng đặc khu là hơn 4.000, với ước tính có khoảng 68 triệu lao động, theo một khảo sát năm 2008. Các khu vực này có thể mang nhiều hình thức khác nhau, từ cơ bản là “khu chế xuất” cho đến “các thành phố tự trị”, các khu vực thành thị thiết lập hệ thống luật pháp liên quan đến kinh doanh riêng.

Thành công lớn nhất phải kể đến Trung Quốc, từ thập niên 1980 đã thành lập đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, sau này là một thành phố, trở thành bệ phóng xuất khẩu. Sau đó, hàng chục đặc khu đã mọc lên khắp đất nước. Tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thúc giục quá trình nhanh hơn nữa.

Các trường hợp thành công khác là UAE, Hàn Quốc và Malaysia. Philippines cũng thành công với các khu “PEZA”, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tại đây được đặc cách các thủ tục cấp phép, theo Shang-Jin Wei của Ngân hàng Phát triển châu Á.

Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng đặc khu đã thúc đẩy mở cửa kinh tế ở Trung Quốc, nơi đã dùng hình thái này để thử nghiệm các chính sách đổi mới. Ở Cộng hòa Dominica các đặc khu đã tạo ra khu vực công nghiệp lớn ở một nước vốn chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Về tổng thể tác động của đặc khu đối với thương mại rất khó nhận ra. Một báo cáo năm 2014 của các nhà kinh tế Đại học Paris-Dauphine đã kết luận, với một mức độ bảo hộ nào đó, các đặc khu tăng xuất khẩu cho đất nước đó và những nước cung cấp nguyên vật liệu, phụ kiện hay bán thành phẩm.

Điều này giải thích tại sao WTO thường nương nhẹ các đặc khu, dù nhiều nơi vi phạm các nguyên tắc bảo hộ của tổ chức này. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng kết luận rằng các đặc khu đôi khi là cái cớ để các nước duy trì hàng rào bảo hộ đối với phần còn lại của nền kinh tế.

>>Đặc khu kinh tế: “Nhanh không mất thời cơ”
>>
Loay hoay đặc khu kinh tế

Không dễ là “thiên đường”

Đặc khu cũng vấp phải những vấn đề thông thường, như quan liêu. Vấn đề cải cách thủ tục ít được đầu tư cải tổ, cũng như cơ sở hạ tầng như đường sắt, đường và cảng nối đặc khu với các nơi khác.

Nhiều đặc khu ở châu Phi đang đối mặt với vấn đề này. Một đặc khu ở Senegal đã thất bại do thủ tục quan liêu, giá điện cao và vị trí nằm cách xa một khu cảng tốt.

Các nhà đầu tư đã rút ra khỏi 61 trong số 139 đặc khu đã được phê duyệt ở bang Maharashtra, Ấn Độ vì các chính sách thay đổi thất thường, thủ tục rắc rối phiền hà và những lo ngại về nền kinh tế nói chung. Các cuộc biểu tình bạo động về đất đai ở đặc khu cũng khiến các nhà đầu tư e ngại.

Ngoài ra, đôi khi các chính quyền dùng đến đặc khu vì những lý do sai lầm: để được tiếng là cải cách và đổi mới, để có “thành tích” và được trúng cử, nhưng lại không dám mạo hiểm mở cửa hoàn toàn. Mở cửa kiểu “he hé” như vậy có thể là một cách để giữ những phần khác của nền kinh tế vẫn được bảo hộ khỏi cạnh tranh.

Nhiều quan chức lại xem đặc khu là chỗ “đào mỏ”. Năm 2005 khoảng 60% các công ty ở các đặc khu Ấn Độ phải trả các khoản phí “đặc biệt” cho chính quyền các đặc khu. Một lo ngại khác là các đặc khu cũng là nơi rửa tiền, bằng cách làm tăng giá trị hàng xuất khẩu.

Khái niệm đặc khu cũng có giới hạn tự nhiên. Đặc khu tự do thương mại Thượng Hải, khai trương năm 2013, tập trung vào hoạt động tài chính đã khiến các nhà đầu tư thất vọng.

Họ cho rằng không thể xoay xở hoạt động tài chính trong một đặc khu với sự kiểm soát của chính quyền trung ương Trung Quốc. Trong cuộc điều tra mới đây, ba phần tư các công ty Mỹ ở Thượng Hải nói họ không làm ăn gì được ở đặc khu tài chính.

Dù là do nhà nước phụ trách, các đặc khu ngày càng có xu hướng do tư nhân sở hữu và điều hành. Số đặc khu tư nhân ở Philippines nhiều gấp 10 lần so với đặc khu nhà nước.

Ý tưởng là tạo nên những khu vực có thể tự đưa ra các quy định trong mọi lĩnh vực kinh doanh, từ lao động đến các quy tắc chống tham nhũng - “để xem pháp luật như một loại dịch vụ theo nhu cầu các doanh nghiệp”, Lotta Moberg của Đại học George Mason nói.

Những hình thái như vậy sẽ làm tăng tính cạnh tranh hiệu quả hơn các đặc khu chỉ chú trọng vào ưu đãi tài chính, theo Shanker Singham, người sáng lập Enterprise Cities.

Ông Singham đang thuyết trình phát triển các khu vực như vậy ở Cộng hòa Dominica, Colombia, Morocco, Bosnia, Ấn Độ và Oman. Nhưng những khu vực này chỉ ở giai đoạn sơ khởi.

Dự án thành phố tự trị cao cấp nhất là ở Honduras. Nhưng dù chưa bắt đầu, nó đã gây tranh cãi: nhiều người Honduras lo ngại nó sẽ tạo ra một quốc gia trong một quốc gia, bị bóp méo theo các nhóm lợi ích kinh tế.

Ở hầu hết các quốc gia, những khu vực như vậy gặp nhiều rào cản về chính trị.

Dù những hình thức như vậy có phát triển mạnh hay không, các nước vẫn đang thử nghiệm các kiểu đặc khu mới. Hàn Quốc và Thái Lan đang phát triển các khu sinh thái công nghiệp. Một số nước khác đang cân nhắc đặc khu cho người tị nạn.

Dù tốt hay xấu, lượng đặc khu trên toàn cầu đang sắp tiến đến đến con số 5.000.

>>Đặc khu kinh tế: Hành trình đang viết dở
>>
Phú Quốc xin trở thành đặc khu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mặt trái của mô hình đặc khu kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO