“Lương tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn năng suất lao động”

HẠ AN| 08/05/2018 03:26

Trong khi, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,96% (2004-2015) nhưng lương lại lên tới 6,67%.

“Lương tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn năng suất lao động”

Sáng 8/5, Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation Việt Nam đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018.

Báo cáo năm nay tập trung vào chủ đề "Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất", trong đó phân tích rõ năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, với quan điểm cho rằng cần phải hiểu rõ thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam.

Tốc độ tăng lương nhanh hơn tăng năng suất

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng: "Lương tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn năng suất lao động". Cụ thể, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh từ 25% năm 2007 lên 50% năm 2015.

Với toàn nền kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,96% (2004-2015) nhưng tốc độ tăng lương trung bình lại lên tới 6,67%.

Phân tích thực nghiệm cho thấy, tốc độ tăng tiền lương có liên quan đến sự điều chỉnh tăng nhanh của lương tối thiểu. Điều này làm giảm mức tăng trưởng việc làm và giảm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.

Song cũng cần lưu ý rằng, có sự khác biệt đáng kể về mức độ tác động với các thành phần kinh tế, phản ánh sự khác biệt về quy mô thị trường lao động và khả năng công nghệ, tài chính của doanh nghiệp trong việc đối phó với chi phí lao động gia tăng.

Lao động bị "cắt" bảo hiểm

Một trong những tác động tiêu cực của việc tăng tiền lương nhanh chóng là dẫn đến việc doanh nghiệp tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức (có đóng bảo hiểm) để đối phó khi lương tối thiểu tăng nhanh.

So sánh với các quốc gia khác, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu (tổng lương tối thiểu và đóng góp vào bảo hiểm) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan và cao hơn Indonesia. Đóng góp vào bảo hiểm ở Việt Nam khá lớn, điều này có thể tạo ra "khoảng trống thuế" giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Ngoài ra, theo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018, giai đoạn lương tối thiểu tăng nhanh khiến tốc độ tăng trưởng việc làm giảm mạnh. Tính trung bình lương tối thiểu tăng 1%, thì mức độ tăng trưởng lao động của doanh nghiệp quy mô lớn trên 100 lao động giảm 0,2%, còn doanh nghiệp 50 lao động giảm 0,1%.

Vì vậy, ông Thành cho rằng, điều chỉnh lương tối thiểu cần được thực hiện phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Ngoài ra, chính phủ cần lựa chọn thúc đẩy năng suất lao động như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn.

"Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động, nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn", ông Thành kết luận.

(Theo Bizlive)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Lương tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn năng suất lao động”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO