Lỗi nhịp Quy hoạch điện VII

TS. TRẦN VIẾT NGÃI| 23/05/2013 08:11

Việt Nam đã có Chiến lược Phát triển năng lượng Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch phân ngành: điện, than, dầu khí, năng lượng mới và tái tạo.

Lỗi nhịp Quy hoạch điện VII

Việt Nam đã có Chiến lược Phát triển năng lượng Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch phân ngành: điện, than, dầu khí, năng lượng mới và tái tạo.

Đọc E-paper

Tuy nhiên, việc thiếu một quy họach tổng thể hệ thống năng lượng quốc gia, đặt Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, gọi tắt là Quy hoạch điện VII (QHĐVII) đứng trước nhiều trở ngại.

Theo dự báo nhu cầu điện của QHĐVII, năm 2010 trên 100 tỷ kWh, năm 2020 là 330-362 tỷ kWh, năm 2030 là 695-834 tỷ kWh. GDP cả nước được dự báo tương ứng năm 2010 gần 100 tỷ USD, năm 2020 là 200 tỷ USD và 2030 là 400 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc tính toán cơ cấu nguồn điện, lưới điện, nguồn nhiên liệu chưa dựa trên cơ sở cân đối, phát triển các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, năng lượng thay thế...) đã làm giảm độ tin cậy về chất lượng QHĐVII.

Năm 2012 ghi nhận một số dự án như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Nhà máy Nhiệt điện An Khánh chậm tiến độ, còn Nhà máy Thủy điện Sông Tranh cũng không thể đưa vào vận hành thương mại.

Bên cạnh đó, khả năng chậm tiến độ, không thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2011-2025, diễn ra ở hầu hết các nguồn điện quan trọng, công suất lớn như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải...

Đó là chưa kể đến những dự án đến nay vẫn chưa xác định được chủ đầu tư như Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị, Lục Nam... Ngành điện đang hy vọng "thực hiện cơ chế thị trường đối với giá điện than và giá dịch vụ công chậm nhất vào năm 2013" để hoàn thành 46 trạm 500 kV, 288 trạm 220 kV, 57 đường dây 500 kV và 259 đường dây 220 kV... cho giai đoạn 2011-2020.

Nhu cầu điện ngày càng lớn, khả năng cân đối tài chính đề đáp ứng 55-58 triệu tấn than sau năm 2015 là rất khó khăn. Nhu cầu than riêng cho ngành điện theo QHĐVII, năm 2020 công suất các nhà máy điện than là 36 nghìn MW để sản xuất 154,44 tỷ kWh, tiêu thụ 67,3 triệu tấn than.

Năm 2030, công suất các nhà máy nhiệt điện than là 75.748,8 MW để sản xuất 391,980 tỷ kWh, tiêu thụ tới 171 triệu tấn than. Dự báo, từ năm 2014, khi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân II, Duyên Hải I đưa vào vận hành, ngành điện phải nhập khẩu than. Số lượng than phải nhập của các nhà máy nhiệt điện từ Hà Tĩnh trở vào sẽ ngày càng nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, chiến lược phát triển ngành dầu khí và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí không được triển khai đồng bộ với quy hoạch điện. Do đó, quá trình thực hiện quy họach tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến 2025 đã tác động trực tiếp đến thực hiện QHĐVII.

Khó khăn trong đàm phán với nhà thầu Chevron về chương trình đầu tư mỏ, giá khí... dẫn đến đường ống lô B-Ô Môn nhanh nhất cũng phải đến năm 2016 mới có thể hoàn thành, thay vì năm 2014 như phê duyệt.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển Trung tâm Điện lực Ô Môn. Nếu Trung tâm Điện lực Ô Môn xây dựng xong mà các nhà máy điện ở đây phải chạy dầu sẽ không kinh tế.

Để đảm bảo độ tin cậy, thời gian Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực hợp lý là phải sau thời gian phê duyệt quy hoạch phát triển các phân ngành năng lượng. Các quy hoạch phân ngành năng lượng được xây dựng đồng bộ trong thời gian 10 năm, có định hướng cho 10 năm tiếp theo.

Việc xây dựng chậm dự án Lô B Ô Môn đồng nghĩa với việc không thể hòa khí đúng tiến độ với dự án Lô PM3 - Cà Mau hình thành lưới khí miền Tây Nam Bộ tiến tới nối mạng với lưới khí miền Đông Nam Bộ, nhằm giảm giá thành sản xuất khí.

Hiện, giá khí bán cho Nhà máy Điện Cà Mau I và Cà Mau II rất cao, tới 8,96 USD/triệu BTU làm cho giá thành sản xuất điện của hai nhà máy này lên tới 9USD/kWh, trong khi giá bán điện chỉ khoảng 5USD/kWh.

Trong QHĐVII còn có dự án Sơn Mỹ, công suất 1.170 MW, dự kiến vận hành năm 2018. Nếu các công trình trong quy hoạch khí như hệ thống đường ống từ bể Phú Khánh về tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu... không đảm bảo tiến độ, chắc chắn tác động xấu đến ngành điện.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chưa có quy họach phát triển năng lượng thay thế có thời gian triển khai đồng bộ với QHĐVII. Mặc dù trong QHĐVII đã nêu: "Ưu tiên phát triển năng lượng thay thế cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% năm 2020 và 6% vào năm 2030", nhưng đích nhắm đến 2020 về phát triển NLTT của QHĐVII thấp hơn 0,5% so với chiến lược.

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cần khắc phục ba vấn đề sau.

Thứ nhất, những bất cập trong quá trình thực hiện quy họach của các phân ngành năng lượng. Cần bổ sung, hoàn thiện quy hoạch các phân ngành năng lượng với thời gian đồng bộ 2011-2020, có xét đến 2030. Các quy hoạch phân ngành gắn kết với nhau, hướng đến các mục tiêu của Chiến lược Phát triển năng lượng Quốc gia.

Thứ hai, lấy QHĐVII làm gốc, rà soát ngay tình trạng các nguồn điện, trước mắt là các nguồn điện đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2011-2020, từ đó tính toán lại nhu cầu điện các năm 2015-2020, có xét đến 2030, tầm nhìn 2050.

Thứ ba, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định về cơ chế khuyến khích năng lượng thay thế phát triển, với lộ trình chắc chắn; xây dựng giá hợp lý nhằm thu hút đầu tư; xây dựng luật về điện trình Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lỗi nhịp Quy hoạch điện VII
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO