Liều thuốc chữa bệnh quan liêu, vô cảm

ANH THƯ| 06/01/2010 08:22

Từ 1/1/2010, người dân và tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường...

Liều thuốc chữa bệnh quan liêu, vô cảm

Từ 1/1/2010, người dân và tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (Luật).

Luật cho phép người dân yêu cầu, khởi kiện và Nhà nước phải bồi thường khi công chức, viên chức của mình có lỗi. Có thể nhìn nhận đây là quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, người dân được có vai trò, địa vị pháp lý ngang bằng với Nhà nước. Thúc đẩy quá trình này có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực cải cách tư pháp, cải cách hành chính.

Lâu nay người dân, doanh nghiệp chỉ biết than phiền trước những việc “giời ơi” của những “ông trời”. Khi thì “ông điện” cúp điện đột xuất, khi ông “giải tỏa” đền bù sai, khi ông “cấp phép” chây lỳ... Chính vì vậy, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước ra đời là trực tiếp đối đầu với những “ông trời” này. Phạm vi điều chỉnh của Luật đã có bước mở đáng kể, theo đó, xác định cả những trường hợp người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà gây thiệt hại thì Nhà nước phải bồi thường.

Chỉ riêng trong hoạt động quản lý hành chính, Luật xác định tới 11 nhóm hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra phải bồi thường. Chẳng hạn, trong quản lý hành chính là các hành vi sau sẽ có thể bị khởi kiện và đòi bồi thường: Không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép, văn bằng bảo hộ cho đối tượng có đủ điều kiện...

Về nguồn kinh phí đảm bảo trách nhiệm bồi thường theo luật, phải thành lập Quỹ Bồi thường nhà nước do Bộ Tài chính quản lý. Cũng có ý kiến khác đề nghị lấy nguồn ngân sách dự phòng làm kinh phí bồi thường. Tuy nhiên, theo trách nhiệm hoàn trả, người thi hành công vụ có hành vi sai phạm gây thiệt hại cho người bị hàm oan phải bỏ tiền túi đền lại khoản kinh phí này.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 1997 đến 2007, cả nước mới chỉ giải quyết 170 vụ việc đòi bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước gây ra (theo Nghị định 97) với số tiền bồi thường trên 16 tỷ đồng. Việc chậm cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư kéo dài nhiều năm làm mất một dự án, thậm chí xóa sổ cả một doanh nghiệp, nhưng lâu nay không ai phải chịu trách nhiệm, và khi đó “Nhà nước là tất cả nhưng không phải là của ai cả”.

Điều đó có thể quy cho thụ động, thiếu trách nhiệm của cán bộ, cũng có thể quy cho những công chức lợi dụng để gây khó dễ, trục lợi. Hay nói cách khác, những công chức nhà nước đã không thực thi bổn phận “công bộc” mà đã thể hiện quyền “ban phát” cả cho dân đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước. Những hành vi ấy vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp, vừa tạo ra môi trường nảy sinh tiêu cực, và nguy hại hơn là làm xói mòn tính công bằng, tính khả thi của luật pháp.

Nền hành chính nước ta còn đang trong quá trình hoàn thiện, hàng ngàn thủ tục đang cần được cải cách, thậm chí loại bỏ, năng lực, trách nhiệm cán bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế, tiêu cực... Trong bối cảnh này, nếu khởi kiện Nhà nước, chắc chắn sẽ phát sinh nhiều rắc rối và có thể gây áp lực lên ngân sách nhà nước. Mặt khác, Luật được đánh giá là rất phức tạp, quá trình hoàn thiện dự án luật này đã có không ít ý kiến lo ngại về tính khả thi khi ban hành.

Tuy nhiên, tiến tới một nền tư pháp và hành chính tiến bộ, không quốc gia nào lại chùn tay thực thi công bằng vì sợ “bồi thường” sửa sai cho những bất công bằng gây ra cho người dân của mình.

Thực chất Luật là sự cân nhắc giữa việc khuyến khích tinh thần dám chịu trách nhiệm vận dụng quyền chủ động được luật pháp cho phép với việc ngăn ngừa lạm dụng quyền lực nhà nước và sự vô trách nhiệm của công chức. Qua đó, từng bước xây dựng một xã hội có tinh thần biết chịu trách nhiệm.

Vì vậy, việc còn lại là thực thi Luật cho hiệu quả để “tiền lệ” Nhà nước bồi thường công dân trở thành phương thuốc hữu hiệu chữa căn bệnh quan liêu, vô cảm của không ít cán bộ, công chức hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liều thuốc chữa bệnh quan liêu, vô cảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO