Lấy nông dân làm bình phong

10/07/2012 04:21

Thời gian gần đây, ngoài việc tạm trữ lúa gạo như thường thấy, xuất hiện thêm nhiều yêu cầu Nhà nước hỗ trợ vốn mua tạm trữ trong các ngành càphê, điều, cao su, đường và cá tra. Lời gọi hỗ trợ đến từ phía doanh nghiệp nhằm giúp người sản xuất giảm nhẹ thiệt hại khi đầu ra chưa được khai thông.

Lấy nông dân làm bình phong

Thời gian gần đây, ngoài việc tạm trữ lúa gạo như thường thấy, xuất hiện thêm nhiều yêu cầu Nhà nước hỗ trợ vốn mua tạm trữ trong các ngành càphê, điều, cao su, đường và cá tra. Lời gọi hỗ trợ đến từ phía doanh nghiệp nhằm giúp người sản xuất giảm nhẹ thiệt hại khi đầu ra chưa được khai thông.

Nông dân thu hoạch lúa thường phải bán ngay, nên khi giá lúa tăng trở lại, lợi nhuận về tay người khác. Ảnh: Đặng Hoàng

Ở Việt Nam, từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu gạo liên tục nhận hỗ trợ hàng chục ngàn tỉ đồng vốn ưu đãi lãi suất để mua tạm trữ. Mục tiêu chính là giữ giá ở mức đảm bảo có lãi cho nông dân.

Mặc dù chính sách tạm trữ lúa gạo thực hiện nhiều năm, nhưng chưa có đánh giá hiệu quả mà chương trình này mang lại cho nông dân là bao nhiêu. Ở đâu đó, vẫn còn ý kiến băn khoăn người nông dân không hoàn toàn được hưởng lợi từ các chính sách này.

Đại bộ phận nông dân phải “vay trước trả sau” và khi thu hoạch nhiều người đã phải bán tống bán tháo nên khi giá tăng trở lại, lợi nhuận chỉ rơi vào một nhóm người.

Ngoài ra, giá sàn thu mua cũng chưa được tính đúng, tính đủ các khoản chi phí đầu vào mà nông dân bỏ ra. Vậy nên mục tiêu giúp nông dân trồng lúa có lãi tối thiểu hầu như không năm nào đạt được trọn vẹn.

Nếu bỏ qua sự không rõ ràng trong bài toán lợi ích người trồng lúa, thì hiệu quả việc mua tạm trữ lúa gạo còn phụ thuộc vào khả năng tạm trữ.

Tính đến thời điểm này, việc xây hệ thống kho chứa bốn triệu tấn, theo kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2011 coi như thất bại. Sớm nhất là tới cuối năm 2013 mới đủ kho chứa theo kế hoạch.

Với các ngành đang có yêu cầu hỗ trợ vốn để mua tạm trữ, tạm trữ ở đâu có thể là vấn đề cần giải quyết. Chưa kể tới, trong một số mặt hàng doanh nghiệp yêu cầu mua tạm trữ, ngoài yếu tố khách quan khiến thị trường suy giảm, còn có nguyên nhân do chính doanh nghiệp tạo ra. Đơn cử như mặt hàng cá tra.

Vừa qua, do giá cá giảm còn 17.000 – 18.000 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng nên doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ vốn tạm trữ 100.000 tấn cá. Tuy nhiên, việc giảm giá cá tra hiện nay không hẳn do thị trường đầu ra gặp khó khăn, mà chính là do cách kinh doanh, làm ăn chụp giật kéo dài nhiều năm nay của doanh nghiệp ngành này.

Nghĩa là nguyên nhân khiến người nuôi thua lỗ, ngoài yếu tố thị trường, còn một phần do doanh nghiệp thu mua, chế biến tạo ra. Nay người gây ra hậu quả còn nhân danh người nuôi để tìm cách giảm bớt thiệt hại.

Nếu không xây dựng chính sách hợp lý, bảo đảm sự vận hành theo nguyên tắc thị trường, nghĩa là làm sai phải trả giá, nguồn lực xã hội giao cho Nhà nước quản lý, dù vô tận, cũng không đủ khả năng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lấy nông dân làm bình phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO