Làm sạch môi trường kinh doanh: Cách nào?

HẢI VÂN thực hiện| 29/07/2016 06:12

Tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch không chỉ là ban hành những văn bản chính sách, mà còn đòi hỏi sự vận động của bộ máy tổ chức thực hiện chính sách ấy.

Làm sạch môi trường kinh doanh: Cách nào?

Việc cấp khống giấy lưu hành cho hơn 800 loại thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Tú Anh khẳng định đó là "tín hiệu tốt cho thấy đang yếu ở đâu, từ đó có những biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh". 

Đọc E-paper

* Quyết tâm "làm sạch" môi trường kinh doanh của Chinh phủ đang gặp rào cản ở cấp dưới. Ông nói gì về điều này?

- Việc thực hiện cải cách bắt đầu lộ ra nhiều mảng tối của môi trường kinh doanh. Nếu không thực hiện triệt để Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 thì vụ việc như ở Tổng cục Thủy sản vẫn nằm trong bóng tối.

Nước ta đang thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan nhà nước, hoặc có nhưng không hiệu quả. Cấp khống lưu hành hơn 800 loại thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường trong một thời gian dài đã chỉ ra lỗi của hệ thống.

* Phải chăng đã có độ trễ khá lớn trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ, thưa ông ?

- Sai phạm ở Tổng cục Thủy sản cho thấy việc ban hành chính sách là một chuyện, thực hiện lại là chuyện khác. Nó phụ thuộc vào cả "phần cứng" và "phần mềm". Phần cứng là bộ máy, là các cơ quan nhà nước thực thi chính sách và trình độ, năng lực của cơ quan đấy. Phần mềm là quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ được giao cho các cơ quan thực thi chính sách và sự tương tác của cơ quan này đối với doanh nghiệp, người dân và đối với các cơ quan nhà nước với nhau.

Cụ thể, ở Tổng cục Thủy sản, người ta thiết kế ra bộ phận cấp giấy phép để đảm bảo sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn cho người tiêu dùng, an toàn về môi trường và thực hiện chiến lược phát triển ngành thủy sản. Tuy nhiên, từ trước đến nay không có ai chịu trách nhiệm cụ thể giám sát việc cấp các loại giấy phép như vậy, hay hệ thống giám sát ấy không cảnh báo khi bất cập xảy ra. Như vậy, điểm yếu nằm ở đây.

* Điểm yếu như ông nói, có làm trầm trọng thêm tình trạng "bôi trơn" trong bối cảnh nước ta triển khai các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh?

- Tiếng nói của doanh nghiệp được ghi nhận cho thấy bắt đầu có sự chuyển biến. Tuy nhiên, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, không chỉ là ban hành những văn bản chính sách, mà còn đòi hỏi sự vận động của bộ máy tổ chức thực hiện chính sách ấy.

Điều người ta hay nói là "làm đúng quy trình" nhưng nếu làm đúng quy trình mà kết quả sai thì phải biết sai ở đâu và ai chịu trách nhiệm. Chỉ khi đạt được quan điểm như vậy, quy trình mới có thể tốt hơn ở góc độ phát hiện ra hệ thống có lỗi và sửa ngay lỗi đó.

* Ông nhận định thế nào về cách xử lý những sai phạm tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản?

- Xử lý là quan trọng để răn đe những bộ phận khác, những người khác không vi phạm. Tuy nhiên, điều đó không làm tốt hơn cho môi trường kinh doanh và doanh nghiệp. Muốn làm tốt hơn, ngoài việc xử lý các cá nhân, phải biết được tại sao điều đó lại xảy ra và có giải pháp khắc phục được để không xảy ra trong tương lai.

Chuyện xảy ra ở Tổng cục Thủy sản không có nghĩa không xảy ra ở nơi khác, mà chỉ là chưa phát hiện được. Vụ việc này là một cảnh báo để xem xét lại toàn bộ hệ thống cấp phép, đánh giá lại môi trường kinh doanh. Đặc biệt, phải có kiểm tra, giám sát lẫn nhau trong bộ máy tổ chức thực hiện mới có thể đạt được mục tiêu đã thiết kế về môi trường kinh doanh.

* Cảm ơn ông!

>Cải thiện môi trường đầu tư của TP.HCM

>Mục tiêu tăng trưởng nên là kế hoạch mềm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm sạch môi trường kinh doanh: Cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO