Lạm phát 10% là có thể

HẢI ANH thực hiện| 25/04/2013 08:21

Về việc nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nói: "Ngoài việc thuế tiếp tục giãn, giảm đến giữa năm 2014, Quốc hội cần có chính sách hạ thuế lâu dài, giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp (DN) và cải thiện môi trường kinh doanh".

Lạm phát 10% là có thể

Về việc nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nói: "Ngoài việc thuế tiếp tục giãn, giảm đến giữa năm 2014, Quốc hội cần có chính sách hạ thuế lâu dài, giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp (DN) và cải thiện môi trường kinh doanh".

Đọc E-paper

* Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, lạm phát quý I/2013 tăng 2,39% so với đầu năm và tăng 6,91% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Nhưng vẫn có những lo ngại, lạm phát năm 2013 có thể lên tới 10%, vậy ý kiến của ông?

- Chúng tôi đang theo dõi, song những tín hiệu đầu tiên của năm về khả năng lạm phát có thể cao hơn năm 2012. Phân tích ra, năm 2012 lạm phát thấp là do được hỗ trợ từ giá lương thực giảm mạnh, năm 2013 có thể vẫn giảm nhưng không mạnh như 2012.

Như vậy, bệ đỡ lạm phát thấp không còn. Đó là chưa kể đến một số yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát 2013, như điều chỉnh tiền lương, giá điện, một loạt phí y tế (năm 2013 mới điều chỉnh mạnh ở các thành phố lớn)... Vì thế, năm 2013, lạm phát tiến tới 10% là rất rõ ràng.

* Chính sách tiền tệ, theo ông, nên điều hành theo hướng nào để có thể vừa hỗ trợ được tăng trưởng vừa kiềm chế được lạm phát?

- Chính sách tiền tệ hiện nay tương đối bị bó hẹp và nghèo nàn về mặt không gian, dù trước đó đã được mở rộng, nhưng không tác động nhiều đến tăng trưởng tổng cầu, tăng trưởng kinh tế. Nếu tiếp tục mở rộng tiền tệ hơn nữa, lạm phát sẽ tăng.

Thời gian qua, chúng ta chưa có sự tiến bộ đáng kể nào trong việc cải cách, đưa chính sách tiền tệ vào nền kinh tế, thực sự giải quyết được nợ xấu; cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và thu hẹp lại các doanh nghiệp Nhà nước.

Khó khăn không chỉ dừng lại ở năm 2013 mà còn kéo sang những năm tiếp theo, nếu không đẩy mạnh cải cách. Hiện, không gian cải cách chính sách tiền tệ và tài khóa trong ngắn hạn không còn nhiều, nhưng dài hạn thì vẫn còn nhiều.

* Vậy, dư địa để giảm thêm lãi suất trong năm nay có khả thi không ?

- Cũng không nhiều, bởi các chỉ đạo về chính sách tiền tệ chủ yếu là giảm lãi suất tiền gửi. Lãi suất cho vay của ngân hàng đối với DN không chỉ phụ thuộc vào lãi suất tiền gửi mà còn phụ thuộc vào nội bộ các ngân hàng thương mại. Khi nợ xấu cao, trích lập dự phòng cao, các ngân hàng không thể hạ lãi suất cho vay một cách đáng kể và điều đó ảnh hưởng đến DN.

Mặt khác, DN cũng không mặn mà vay mượn trong năm nay, vì sự tiến bộ của nền kinh tế vẫn rất mơ hồ, bất trắc nhiều, rủi ro cao, môi trường kinh doanh không được cải thiện và đang có xu hướng ngày càng xấu đi. Điều đó cho thấy, hạ lãi suất tiền gửi mang động thái tâm lý nhiều hơn, không tạo được kết quả trong khu vực sản xuất thực.

Trái lại, nó có thể là nguyên nhân làm xói mòn ổn định kinh tế vĩ mô đang tạm thời có được, như lạm phát thấp một chút, thậm chí có thể ảnh hưởng cả đến thị trường ngoại hối, bởi sự tương quan giữa lãi suất tiền gửi, đồng USD và tỷ giá của đồng USD.

* Nhưng có rủi ro nào từ chính sách tiền tệ không?

- Đầu tiên, tôi cho rằng, khả năng lạm phát sẽ tăng cao hơn năm trước. Sau đó là những vấn đề trong hệ thống ngân hàng khi mà nợ xấu không giải quyết được, làm lãi suất cho vay không thể hạ xuống. Điều này liên quan trực tiếp đến hai hệ thống lớn: DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa và thị trường bất động sản.

* Theo ông, những chính sách nào được kỳ vọng đưa kinh tế 2013 dần hồi phục?

- Tôi nghĩ, năm nay còn nhiều khó khăn, nguy cơ lạm phát quay lại là rất hiện hữu, trong khi tăng trưởng kinh tế chưa có nhiều đột biến. Vì thế, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng được chờ đợi nhiều nhất.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm bớt khó khăn cho DN nhỏ và vừa khu vực xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ cũng rất quan trọng.

Nhưng để làm được những điều này, bên cạnh việc giải quyết nợ xấu, hạ lãi suất cho vay, cần có chính sách điều chỉnh tỷ giá. Ví dụ, tăng khoảng 4% về danh nghĩa, đồng tiền Việt Nam yếu đi để hỗ trợ cho xuất khẩu và sản xuất hàng xuất khẩu trong nước.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lạm phát 10% là có thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO