Làm luật phải tránh chủ nghĩa hình thức

PGS-TS. DƯƠNG ĐĂNG HUỆ (Bộ Tư pháp)| 23/03/2016 06:28

Nước ta không chỉ học thế giới về mặt xây dựng nội dung pháp luật mà còn phải học cách làm luật.

Làm luật phải tránh chủ nghĩa hình thức

Nước ta đã vận động để được công nhận là nền kinh tế thị trường, nhưng đến nay mới chỉ có 1/3 các nước trên thế giới công nhận. Điều đó, đòi hỏi chúng ta không chỉ học thế giới về mặt xây dựng nội dung pháp luật mà còn phải học cách làm luật. Đây là hai yếu tố vô cùng quan trọng bởi không có nó, chất lượng, hiệu quả luật không cao.

Đọc E-paper

Một nền kinh tế thị trường phải đảm bảo 10 tiêu chí, trong đó, vật quyền (quyền trên vật) là một trong những tiêu chí quan trọng. Trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự 2015 gần đây, vấn đề vật quyền được đưa ra nghiên cứu kỹ, song khái niệm vật quyền vẫn hết sức thô sơ. Chẳng hạn, đề nghị bổ sung quy định "quyền sở hữu và các vật quyền khác" bị bác bỏ, vì cho rằng "tối nghĩa, dân không hiểu".

Thực tế, nếu cái gì dân biết mới đưa vào luật thì không có luật pháp. Năm 1804, Napoléson Bonaparte ban hành bộ Luật Dân sự đầu tiên trên thế giới và không trưng cầu ý kiến, vì cho rằng 3/4 dân nước Pháp khi đó không hiểu.

Hơn nữa, trong lịch sử nước ta cũng đã có: Bộ Luật Dân sự Nam Kỳ giản yếu ra đời năm 1883, Bộ Dân luật Bắc Kỳ ra đời năm 1931 và Bộ Dân luật Trung Kỳ (Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật) ra đời năm 1936. Mặc dù được áp dụng riêng rẽ ở ba kỳ và bị cho là hơi tối nghĩa, nhưng trong đó quy định rõ quyền sở hữu và các vật quyền khác hay quyền địa dịch.

Pháp luật không bao giờ cao hơn trình độ phát triển kinh tế của một đất nước. Về mặt pháp lý, Hiến pháp năm 1993 của Liên bang Nga nổi tiếng về quy định quyền sở hữu. Theo đó quyền của tất cả các chủ sở hữu đều được bảo hộ như nhau. Hiến pháp Nga 1993 sắp xếp sở hữu tư nhân, sở hữu nhà nước và các hình thức sở hữu khác đều được nhà nước thừa nhận và bảo vệ.

Ở đây, người Nga đặt sở hữu tư nhân lên đầu tiên. Điều này khác với cách sắp xếp của Việt Nam, đầu tiên phải là sở hữu nhà nước, tập thể rồi mới đến sở hữu tư nhân. Như vậy, có thể thấy, cùng một vấn đề nhưng do trình độ phát triển khác nhau mà có những quy định khác nhau.

Một ví dụ nữa không học thế giới sẽ không làm được luật tốt. Trong xã hội Việt Nam, vẫn có những vụ việc bị đình lại và tòa án nói chưa có luật để xét xử. Trong sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự 2015, vấn đề này được đưa vào Điều 14, Khoản 2 và đấy là một thành công lớn.

Một đất nước đề cao dân chủ, pháp quyền không thể thiếu nội dung này. Cách đây 200 năm, Bộ Luật Dân sự của Pháp, Điều 4 đã quy định: Thẩm phán từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có quy định pháp luật thì bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự.

Tại sao luật pháp Việt Nam liên tục thay đổi, thậm chí chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi, trong khi đó, Bộ Luật Dân sự Pháp được kiến lập bởi Napoléon Bonaparte năm 1804 nhưng đến nay vẫn tồn tại và được cho là một tác phẩm luật quan trọng nhất của thời kỳ hiện đại?

Đó là do cách làm luật.

Việt Nam đã ba lần sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự, nhưng có một thực tế, càng sửa đổi, Bộ Luật này càng teo tóp. Bộ Luật Dân sự 1995 có 838 điều, Bộ Luật 2005 có 777 điều, nhưng Bộ Luật 2015 chỉ còn 689 điều. Trong khi đó, Bộ Luật Dân sự của các nước tiên tiến trên thế giới luôn được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.

Pháp vẫn chỉ một Bộ Luật Dân sự từ năm 1804 đến nay, 2.283 điều của bộ luật này luôn được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. Hay Bộ Luật Dân sự Nga - một trong những bộ luật dân sự tiến bộ được thế giới thừa nhận được ban hành năm 1995 - tính đến nay đã có 273 điều luật được bổ sung. Như vậy, có thể nói cách làm luật ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng luật.

Tới đây, Việt Nam không chỉ học nước ngoài về mặt nội dung văn bản mà còn học cách làm luật. Cách làm luật của người Nga là dựa trên nền tảng Bộ Luật Dân sự. Năm 2008, Tổng thống Nga Putin quyết định thành lập một hội đồng hoàn thiện pháp luật dân sự trực thuộc Phủ Tổng thống, với 5 nhóm chuyên gia hàng đầu. Các nhóm làm việc độc lập, mỗi nhóm nghiên cứu một vấn đề cụ thể, như phát triển các quy định chung, phân quyền, các quy định lưu thông tiền tệ... Sau 4 năm, Tổng thống ký và ban hành luật, trên quan điểm hoàn thiện pháp luật dân sự.

Cách làm luật ở nước ta khác các nước. Việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập một ban chỉ đạo gồm các nhà chính trị. Điều đáng nói, việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự không phải là công việc của các chính khách mà là công việc của các nhà khoa học, bởi đó là quan hệ thị trường, đó là thể chế kinh tế.

Trong bộ máy 34 người, có những người từ ngày thành lập ban chỉ đạo đến lúc Quốc hội nhấn nút thông qua bộ luật, chưa tham gia họp lần nào. Những người này, có thể rất giỏi trong các lĩnh vực khác, nhưng không phải những nhà làm luật. Vì vậy, tới đây, làm luật phải tránh chủ nghĩa hình thức.

NGUYỄN HOÀNG ghi

>Khổ vì bệnh hình thức

>Đình chỉ hoạt động công ty chứng khoán: Nặng tính hình thức

>Quản trị công ty - cần thực chất hơn hình thức

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm luật phải tránh chủ nghĩa hình thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO