Làm gì để công nghiệp hỗ trợ “cất cánh”?

P.V| 08/10/2012 09:44

Vai trò của công nghiệp hỗ trợ, nội địa hoá đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhưng lĩnh vực này chưa có nhiều chuyển biến. Muốn đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía.

Làm gì để công nghiệp hỗ trợ “cất cánh”?

Vai trò của công nghiệp hỗ trợ, nội địa hoá đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhưng lĩnh vực này chưa có nhiều chuyển biến. Muốn đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía.

Một trong những hạn chế, bất cập lớn của nền kinh tế nước ta là tính gia công còn rất lớn. Đã là gia công thì chịu thiệt thòi đủ bề khi xét dưới các góc độ khác nhau: người làm gia công chỉ nhận được tiền công rất rẻ.

Gia công sẽ phụ thuộc vào nước ngoài cả về vốn liếng, kỹ thuật vật chất nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng khá nhanh và đạt quy mô lớn, năm nay có thể vượt qua mốc 113 tỷ USD; tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu/GDP đã vượt qua mốc 80%; khả năng năm nay có thể còn cao hơn nữa.

Nhưng tỷ lệ kim ngạch của những mặt hàng gia công lớn và trong tổng giá trị của những mặt hàng gia công này khá thì thực thu ngoại tệ chỉ được 20- 30%, còn 70- 80% là phải nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, kể cả nguyên phụ liệu.

Trong khi đó, thức ăn gia súc, dược phẩm, ô tô, xe máy gần như không có xuất khẩu. Xuất khẩu chất dẻo đạt 1,169 tỷ USD, hàng dệt may 11,252 tỷ USD, giày dép 5,240 tỷ USD), điện thoại các loại và linh kiện 8,557 tỷ USD.

Cũng vì thế, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam thường ở vị thế nhập siêu (9 tháng năm 2012 có xuất siêu nhẹ). Đã nhập siêu thì cán cân thanh toán bị thâm hụt, dự trữ ngoại hối mỏng, trong nhiều năm đều ở dưới mức 12 tuần nhập khẩu- ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế…

Công nghiệp hỗ trợ, nội địa hoá quan trọng như vậy và đã được nhận ra từ khá lâu, nhưng chuyển biến còn chậm chạp.

Theo Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại T.P Hồ Chí Minh, khả năng cung ứng tại Việt Nam về nguyên liệu và linh kiện phục vụ cho các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chỉ đạt mức 28,7%, trong khi của Thái Lan là 53%, Trung Quốc là 59,7%...

Mục tiêu nội địa hoá công nghiệp ô tô được đặt ra từ lâu; hay công nghiệp dược phẩm trong nước 40% được đặt ra phải đạt trước 2005, rồi 2010, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được. Ngay đối với công nghiệp cơ khí, có chuyên gia đã ước tính hàng năm Việt Nam đã để vuột mất hàng tỷ USD vì công nghiệp phụ trợ yếu.

Nguyên nhân là công nghiệp phụ trợ yếu kém, chậm phát triển, khó đạt được mục tiêu. Có nguyên nhân từ cơ chế hỗ trợ, tuy đã có, nhưng vừa chậm, vừa lúng túng, vừa thiếu cụ thể.

Có nguyên nhân do bản thân các doanh nghiệp chưa thực sự cố gắng. Có nguyên nhân từ nhà cung cấp thiết bị phụ tùng chưa vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Có nguyên nhân từ các chủ đầu tư trong nước e ngại đầu tư trước hàng nhập giá rẻ. Có nguyên nhân do cơ chế đấu thầu còn nghiêng về giá rẻ.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ ở trong nước cần có sự nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía.

Về phía chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 12/2011/QĐ-TTg. Theo đó, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được khuyến khích phát triển thị trường, khuyến khích về hạ tầng cơ sở, khuyến khích về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực...

Tại cuộc họp gần đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, triển khai Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đã chủ trì hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện một số dự án về phát triển công nghiệp hỗ trợ, cụm CNHT tại Hải Phòng, Bà Rịa, Vũng Tàu, vườn ươm công nghệ CNHT tại Cần Thơ...

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội liên quan rà soát lại các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hơn nữa trong việc vay vốn, thuê mặt bằng sản xuất, nhập khẩu vật tư, nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được...

Về phía doanh nghiệp, hiện có hai hạn chế, bất cập nổi bật. Hạn chế thứ nhất là vẫn còn quen với môi trường bao cấp, coi đây là việc của Nhà nước, phải có hỗ trợ ở hầu hết các mặt từ vốn liếng, sản xuất, tiêu thụ... Hạn chế thứ hai là hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, trong khi các doanh nghiệp có yêu cầu lại ngại đầu tư, ham nhập ngoại, vì giá rẻ, không phải đầu tư...

Phát triển công nghiệp hỗ trợ rất phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta. Vì vậy có hai nội dung cần được quan tâm, đó là năng lực kỹ thuật và giá thành sản xuất rẻ để có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý kinh tế vĩ mô cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về hai nội dung đó. Ngoài ra, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ gần đây là: nếu nhà đấu thầu trong nước đảm nhiệm được trên 50% khối lượng công việc thì không được tổ chức đấu thầu quốc tế mà phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc đối với mua sắm hàng hoá, chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi vật tư thiết bị trong nước không đáp ứng được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm gì để công nghiệp hỗ trợ “cất cánh”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO