Kỳ vọng về nội dung Nghị quyết 19 năm 2018

SONG ANH| 12/01/2018 03:16

Đã bốn năm liền, từ 2014 đến 2017 Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh. Nhờ thế, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã có những chuyển động tốt hơn, với những cải thiện tương đối rõ.

Kỳ vọng về nội dung Nghị quyết 19 năm 2018

Thế nhưng, việc cải cách môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 các năm của Chính phủ vẫn là vấn đề lớn, mà tác nhân chính là do các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vẫn có những khoảng trống làm tăng chi phí của doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí tuân thủ. Thực tế cho thấy, việc giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp vẫn chưa được thể hiện đầy đủ trong các giải pháp cải cách hiện nay. Cạnh đó vẫn có nhiều quy định bất hợp lý làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng lên mà chưa được sửa đổi.

Vì thế, chúng tôi xin đề xuất một số nội dung của Nghị quyết 19 năm 2018. Trước hết là cần tiếp tục sử dụng những chuẩn mực toàn cầu của kinh tế thị trường hiện đại để thiết kế, giám sát, đo lường kết quả của cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ đã nhất trí dùng thước đo quốc tế để đo năng lực nội tại của nền kinh tế nước nhà. Như vậy, yêu cầu Việt Nam có chỉ số riêng về môi trường kinh doanh là không thể tồn tại, bởi việc tạo ra thước đo riêng, để tự khen nhau, không có ý nghĩa cho sự phát triển.

Nghị quyết 19/2018 nên tiếp tục định hướng tạo được thị trường cạnh tranh công bằng, lấy đó làm động lực thúc đẩy gia tăng hiệu quả nguồn lực, gia tăng năng suất lao động. Các giải pháp mà nghị quyết đưa ra phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Những năm gần đây, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam giảm đáng kể, đó là nguyên nhân chính dẫn đến mỗi năm có 6 - 7 vạn doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Nếu lợi nhuận tiếp tục giảm, rất nhiều doanh nghiệp sẽ không còn khả năng tồn tại. Do đó, năm 2018, kinh doanh phải được tự do, thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Năm 2018 sẽ phải tiếp tục là năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhất là giảm lãi suất cho vay. Hiện nay, chi phí vay vẫn là một trong những chi phí rất lớn mà doanh nghiệp trong nước phải hứng chịu. Theo cơ chế hiện hành, chỉ giảm lãi suất cho vay với một số lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp. Như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề vốn cho doanh nghiệp. Vấn đề mấu chốt là làm thế nào để thị trường tài chính Việt Nam minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp.

Muốn vậy, theo chúng tôi, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường thể chế, môi trường kinh doanh, cả về quy mô cũng như cường độ thực hiện. Cần làm rõ hơn trách nhiệm của các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quy rõ trách nhiệm từng vấn đề tới từng cá nhân về sự chần chừ, không thực thi Nghị quyết 19. Đây sẽ là những giải pháp thiết thực để thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Một số giải pháp cụ thể khác cũng xin được đề xuất đưa vào Nghị quyết 19 năm 2018, như bãi bỏ thêm 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh, thường gọi là giấy phép con. Con số 5.700 điều kiện kinh doanh mà VCCI tổng kết là rất lớn, phải giảm xuống mức 2000 điều kiện kinh doanh và sau đó rà soát để tiếp tục cắt giảm thêm.

Vấn đề kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu vẫn gặp nhiều vướng mắc, do đó chúng tôi đề xuất loại bỏ 1/2 số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, đồng thời chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu hiện nay còn quá nhiều, nếu không chịu cải thiện thì xuất nhập khẩu của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, ngành hải quan cho rằng chỉ chịu trách nhiệm 38% các quy định, 62% còn lại là thuộc thẩm quyền các bộ, ngành khác.

Kết nối cổng thông tin điện tử quốc gia hiện nay mới chỉ có 11 bộ tham gia và cũng chỉ có 130 thủ tục được kết nối. Như vậy, số thủ tục được kết nối vẫn rất thấp, cần tăng lên để giúp các bộ hoạt động tốt hơn và minh bạch hóa thủ tục hành chính, căn cứ vào đó, Chính phủ có thể cắt bỏ những thủ tục không cần thiết.

Tiêu chí chung về môi trường kinh doanh hay về năng lực cạnh tranh quốc gia, những năm gần đây đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, so với các nước, so với khả năng có thể cải thiện được hơn thì Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, khi có  những chỉ số tăng bậc, nhưng cũng có những chỉ số giữ nguyên, thậm chí giảm, ví dụ chỉ số sáng tạo. Chính phủ có thể "tấn công" vào đó để làm cho mặt bằng chung môi trường kinh doanh tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ vọng về nội dung Nghị quyết 19 năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO